Đà Nẵng tập trung nguồn lực phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động

Thứ ba, 07/05/2024 07:25
Chiều 6-5, tại Q.Cẩm Lệ, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng gồm các đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Quảng (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), Nguyễn Thị Kim Thúy (Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội), Nguyễn Duy Minh (Thành ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng; Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục quốc hội), Trần Chí Cường (Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội) tiếp xúc chuyên đề với cử tri là công nhân lao động.
Đoàn đại biểu Quốc hội và Liên đoàn Lao động thành phố trao quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị TP Đà Nẵng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Nhiều kiến nghị về chế độ, chính sách người lao động

Tại buổi tiếp xúc, có 250 cử tri đại diện cho liên đoàn lao động và công nhân, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng phản ánh 21 ý kiến liên quan đến góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật công đoàn (sửa đổi).

Cử tri Nguyễn Thị Như (Chủ tịch Nghiệp đoàn các lớp mầm non độc lập P. Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) phản ánh, bản thân công tác tại Nhóm lớp mầm non độc lập Vàng Anh, tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đến năm 2023. Sau đó, chị không được đóng bảo hiểm tiếp, mà phải chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện. Việc này rất mất quyền lợi cho cá nhân và các cô chủ nhóm trẻ khác, vì theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chủ nhóm trẻ độc lập tư thục không phải đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Kính đề nghị các ĐBQH nghiên cứu, xem xét góp ý bổ sung đối tượng chủ nhóm trẻ độc lập tư thục là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ.

Cử tri Trần Công Vy (Công ty CP MP Pack) kiến nghị, thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy, vẫn còn một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản, cố tình chiếm dụng bảo hiểm hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn dẫn đến người lao động bị mất quyền lợi rất nhiều. Trong khi đó, trách nhiệm thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được giao cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, người nộp và vi phạm là chủ doanh nghiệp nhưng bị mất quyền lợi là người lao động. Đề nghị các ĐBQH góp ý và kiến nghị với Quốc hội bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Cử tri Nguyễn Ngọc Tôn (Chủ tịch Công đoàn Công ty CP đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung) ý kiến trong các Luật Công đoàn trước đây đều quy định kinh phí công đoàn để tổ chức công đoàn có điều kiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Kinh phí công đoàn là nguồn thu quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Trong bối cảnh Ngân sách nhà nước còn khó khăn và để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động, đề nghị Quốc hội tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn giống như cơ chế xử lý doanh nghiệp khi nợ Bảo hiểm.

Đoàn đại biểu Quốc hội và Liên đoàn Lao động thành phố trao quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tập trung chăm lo đời sống cho người lao động

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, ông Nguyễn Văn Quảng, ghi nhận và cảm ơn các ý kiến đóng góp của cử tri.

Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đánh giá cao ý kiến đóng góp về việc nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, việc xem xét giãn thời điểm đóng bảo hiểm của doanh nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, nâng thời gian được nghỉ chăm sóc con nhỏ, hỗ trợ những người thương tật, công khai bảo hiểm xã hội…

Về Luật Công đoàn sửa đổi, các ý kiến cử tri tập trung vào vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn không chuyên trách, việc trả lương, bố trí nhân sự cán bộ chuyên trách, nhất là ý kiến việc trả lương cho cán bộ công đoàn không chuyên trách. Vấn đề này, Văn phòng Thành ủy cũng đã có chủ trương, xem xét trình HĐND thành phố có chính sách phù hợp.

“Có ý kiến đề nghị bảo vệ công đoàn cơ sở về tiền lương, việc làm khi điều chuyển; cho thôi việc đối với các cán bộ đang làm nhiệm vụ ở công đoàn cơ sở thì phải có ý kiến với cơ quan công đoàn cấp trên. Đề nghị bổ sung các hành vi cản trở hoạt động công đoàn, khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa được xây dựng để phục vụ công đoàn, từ đó tạo nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ công đoàn… Những vấn đề này là mang ý nghĩa thực tiễn cao, cần được quan tâm, nếu được bổ sung trong Luật Công đoàn sửa đổi thì tốt, còn không thì phải có hướng dẫn cụ thể của Chính phủ”, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng thông tin.

Giải đáp về vấn đề nhà ở và việc làm cho người lao động, Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có chủ trương về phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Việc đưa các điều kiện để người lao động được vào nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp… được Ban Thường vụ Thành ủy đã có chủ trương, chỉ đạo đảng, đoàn Liên đoàn Lao động thành phố rà soát và cần phải xem xét lại để mở rộng đối tượng phù hợp.

Tính đến hết năm 2023, toàn thành phố đã hoàn thành 15.549 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên, trong đó ngân sách thành phố đầu tư đã hoàn thành 10.579 căn và 2 dự án ký túc xá sinh viên tập trung với 1.146 phòng. Hiện nay, thành phố đang báo cáo với các cấp có thẩm quyền để chuyển khu KTX sinh viên này thành nhà ở xã hội phục vụ cho người lao động.

Về chủ trương thì giai đoạn 2021-2023, thành phố sẽ hoàn thành 8 khối nhà tại 3 dự án với tổng số 1.774 căn và đang triển khai xây dựng 5 dự án với khoảng 2.700 căn. Đang thực hiện chuẩn bị công tác đầu tư đối với 1 dự án với khoảng 608 căn từ nguồn ngân sách thành phố. Và đang thực hiện thủ tục kêu gọi đầu tư 3 dự án với khoảng 3.500 căn từ nguồn ngân sách.

“Hiện nay, thành phố đã thống nhất về mặt chủ trương, để cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bố trí 1 khu đất xây dựng các thiết chế về nhà ở công nhân với khoảng 700 căn cho người lao động trên địa bàn thành phố. Điều này thể hiện rõ chủ trương thành phố trong việc quan tâm, bố trí, tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn thành phố có nhà ở. Ngoài ra, thành phố tiếp tục có chủ trương về cơ chế để hỗ trợ cho người lao động, nhất là những người tham gia vào các tổ chức công đoàn có điều kiện về nhà ở”, ĐBQH Nguyễn Văn Quảng cho biết.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH và Liên đoàn Lao động thành phố trao 100 suất quà, mỗi suất 1 triệu đồng cho công nhân, người lao động tại các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ quận Cẩm Lệ có hoàn cảnh khó khăn.

ĐINH NGA