Đà Nẵng tích cực phòng chống bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn TP Đà Nẵng đang có dấu hiệu gia tăng. Trước tình hình đó, ngành Y tế TP Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp quyết liệt phòng chống, cũng như tuyên truyền đến tận khu dân cư, trường học, nhất là các trường mầm non, các nhóm trẻ gia đình nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh và khống chế không để dịch bùng phát diện rộng...
Để phòng chống bệnh TCM hiệu quả, mọi người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. |
Bệnh TCM có dấu hiệu tăng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) TP Đà Nẵng, tính đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 1.366 ca bệnh TCM (tăng hơn 200 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018) và 13 ổ dịch nhỏ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Từ giữa tháng 9-2019, bệnh TCM có dấu hiệu gia tăng, mỗi tuần ghi nhận hơn 60 trường hợp mắc mới. Hiện nay, nơi thu dung, điều trị chính bệnh TCM trên địa bàn TP Đà Nẵng là Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng). Theo các bác sỹ, hiện nay, mỗi ngày, Khoa Y học nhiệt đới điều trị cho từ 60-80 ca bệnh TCM, kể cả bệnh nhân được đưa ra từ Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Đang bồng trên tay đứa con trai 2 tuổi, anh Bùi Thái H. (trú Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết: "3 ngày trước, thấy con trai có triệu chứng bỏ ăn, sốt nhẹ và lưỡi bị lở nên tôi vội đưa con đến BV Phụ sản - Nhi để điều trị. Hiện bệnh của cháu đã có dấu hiệu thuyên giảm nhưng bác sĩ nói vẫn cần phải ở lại để tiếp tục theo dõi và điều trị...". Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước, phần lớn các trẻ mắc bệnh TCM từ 1 đến 3 tuổi, nhưng nay, trẻ lớn hơn cũng bị nhiễm bệnh nên khiến cho số lượng bệnh nhân tăng lên. Chị Mai Thi T. (quê H. Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: "Khi nghe các bác sỹ ở bệnh viện địa phương thông báo con trai 4 tuổi của gia đình bị bệnh TCM, vợ chồng tôi liền xin xuất viện để đưa cháu ra đây nằm điều trị cho yên tâm".
Dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da... Để phát hiện sớm bệnh TCM, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám ngay khi thấy các triệu chứng, như: Bóng nước hoặc vết loét trong niêm mạc miệng (thường biểu hiện bằng khó ăn, khó uống, bú ít và chảy nước bọt nhiều); bỏng nước hoặc mụn đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, cùi chỏ, gối. Các bác sỹ Khoa Y học nhiệt đới (BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) cho rằng, đối với những trẻ mắc bệnh TCM được bác sỹ cho phép điều trị tại nhà thì cần nghỉ ngơi, tránh kích thích, ăn lỏng, chia nhỏ nhiều bữa; vệ sinh răng miệng, thân thể và hạ sốt, giảm đau bằng Paracetamol hoặc Efferalgan, kháng sinh nếu có bội nhiễm. Tuy nhiên, cần phải nhập viện gấp khi trẻ có các dấu hiệu sốt liên tục (bằng hoặc trên 39,5 độ C), hốt hoảng, giật mình, chới với, run chi, co giật, đứng không vững; nôn ói nhiều, có thể có tiêu chảy; da nổi bông, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ đang sốt, tay chân lạnh. Đặc biệt, đưa trẻ tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh, đối với trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ...
Theo Thạc sỹ Đặng Quang Ánh - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - TTKSBT TP Đà Nẵng, dù hiện nay trên địa bàn TP Đà Nẵng không ghi nhận ca bệnh TCM nào nhiễm khuẩn EV71, nhưng không vì thế mà mọi người chủ quan, lơ là. Bởi, đây đang là đỉnh của dịch bệnh TCM nên nếu mọi người không chủ động phòng chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát và lan rộng là rất lớn. EV71 là chủng vi-rút có tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Chủ động phòng chống bệnh TCM
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, hiện nay đang là đỉnh dịch thứ 2 trong năm của bệnh TCM (từ tháng 9 đến tháng 11); đồng thời, trẻ em, học sinh đã bước vào năm học mới nên bệnh có khả năng bùng phát mạnh nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống hiệu quả, kịp thời.
Ths.Bs Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo TTKSBT TP và Trung tâm Y tế (TTYT) các quận, huyện tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài. Ngoài ra, TTYT các quận, huyện tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh, thực hiện 3 bước sạch (ăn uống sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch); tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm TCM bằng nhiều hình thức đến tận người dân. Bên cạnh đó, TTYT quận, huyện chủ động phối hợp với Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch liên ngành Y tế - Giáo dục về phòng chống bệnh TCM trong trường học, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, các cơ sở chăm sóc trẻ; thực hiện kiểm tra liên ngành về phòng chống bệnh TCM tại các trường mầm non, mẫu giáo, các cơ sở chăm sóc trẻ...
"Người dân cần phải ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh, nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh cần thông báo với trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn cách phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng; cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác...", Ths Đặng Quang Ánh khuyến cáo.
TRÍ DŨNG