Đà Nẵng trong cuộc “đại phẫu” văn hóa (3)

Thứ sáu, 19/09/2014 10:51

Bài cuối: Tạo lối đi riêng cho văn hóa

(Cadn.com.vn) - Xã hội hóa là một hướng mở để xây dựng các thiết chế văn hóa cho Đà Nẵng, song việc cần kíp hơn phải sớm xây dựng một dự án lớn đủ sức tạo dấu ấn, biểu trưng riêng có của Đà Nẵng.

* Những chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Trần Thọ trong buổi làm việc với ngành văn hóa Đà Nẵng đầu năm 2014 được ví như sự khởi động cho cuộc "đại phẫu" văn hóa của TP mà trước mắt là việc tăng chi phí đầu tư cho văn hóa gấp 1,5 lần (triển khai từ giữa năm 2014) đã tạo luồng gió mới, thực sự khiến các đơn vị làm văn hóa cơ sở rất phấn khởi đón nhận. Tuy nhiên, việc Bí thư Thành ủy chỉ đạo phải đầu tư, nâng cấp gấp các công trình trọng điểm như Bảo tàng Mỹ thuật, thư viện tổng hợp, Công viên 29-3 thì đến nay tiến độ khá ì ạch.

Theo cuộc làm việc giữa Phó Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ với các đơn vị liên quan ngày 22-8 thì hiện Công viên 29-3 vẫn chưa thấy lập dự án đầu tư, chưa hoàn thành chính sách kêu gọi đầu tư để trình phê duyệt; một số khu vui chơi giải trí được chỉ đạo lồng ghép trong các trung tâm văn hóa xã, phường, một số thành vườn đi dạo nhưng đến nay việc triển khai vẫn chưa thống nhất; dự án công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn thì vướng đền bù giải tỏa... Về công trình Trung tâm văn hóa TP được Sở VH-TT&DL đề xuất là công trình trọng điểm trong năm 2015 nhưng sau 3 tháng trôi qua Sở Xây dựng vẫn chưa tổ chức thi tuyển thiết kế nên khó triển khai được trong năm 2015. 

Tìm biểu trưng

Dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn có thể coi là biểu trưng rất tự hào của Đà Nẵng. Bởi không dễ gì Đà Nẵng được tạo hóa ban cho một di sản quý báu như Ngũ Hành Sơn. Ở Bình Dương, người ta phải làm cả một quả núi nhân tạo ở khu Đại Nam, trong khi Đà Nẵng có lợi thế tự nhiên. Tuy vậy, sau nhiều năm quy hoạch, tiến độ của dự án vẫn rất chậm.

Theo quy hoạch được TP công bố năm 2009, dự án có tổng diện tích khoảng 139 ha, với điểm nhấn là việc hình thành Bảo tàng đá mỹ nghệ duy nhất tại Việt Nam trên diện tích khoảng 7,3ha (diện tích xây dựng khoảng 20.000m2). Nơi đây sẽ dùng để trưng bày, triển lãm, chế tác, trao đổi, các tác phẩm đá mỹ nghệ và là nơi tổ chức các sự kiến văn hóa về đá mỹ nghệ trong và ngoài nước.

Năm 2014 TP Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch cắt giảm 12ha, giữ lại một số khu chế tác tượng lớn như của Nguyễn Long Bửu, Nguyễn Hùng... đồng thời phát triển phố tượng quy mô lớn phục vụ mục đích thương mại trên tuyến đường Trường Sa. Nhiều người có chung quan điểm, đây được coi là dự án lớn, tạo dấu ấn đặc biệt về văn hóa, tâm linh của Đà Nẵng.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Long Bửu nói vườn tượng của ông trong quy hoạch 2ha sẽ trưng bày khoảng 120 tượng, phù điêu (trong đó 60 tượng lớn cao từ 4-8m) chia làm 4 mảng đề tài gồm mảng danh nhân văn hóa, mảng tâm linh, mảng tượng nghệ thuật dân gian và mảng tượng cổ điển-hiện đại. Ông Bửu tự tin vườn tượng của mình như một bảo tàng lộ thiên về điêu khắc, nơi tôn vinh những sáng tạo độc đáo, là tinh túy mấy trăm năm của làng đá.

Tuy vậy, cái vướng hiện nay là khâu triển khai dự án Công viên quá chậm, ông Bửu cho rằng TP phải đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để sớm hình thành bộ khung cho công viên. Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã chỉ đạo quyết liệt, tới cuối năm 2014 sẽ giải quyết bằng được hạ tầng giao thông của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn gồm các tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Duy Trinh, Sư Vạn Hạnh nối dài, nếu làm không xong thì Trưởng ban xây dựng ở đó bị cách chức.

Với trạm xử lý nước thải làng đá mỹ nghệ Non Nước nếu làm không xong thì cán bộ phụ trách của Sở Xây dựng xin từ chức, đơn vị thi công nào kéo dài thời gian thì không cho làm nữa, không trả tiền. Việc giải tỏa đền bù ở 3 tuyến đường trên phục vụ cho dự án Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, nếu giải tỏa đền bù không xong thì Chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm, Chủ tịch UBND quận có trách nhiệm thay chủ tịch phường. Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt Bí thư Thành ủy, dự án rất được trông chờ này sẽ sớm hình thành.

Ngũ Hành Sơn như một báu vật để Đà Nẵng xây dựng một công viên văn hóa tầm cỡ quốc gia, xứng đáng là niềm tự hào của người dân TP.

Hai mặt của xã hội hóa

Trong lúc kinh phí TP có hạn thì nhiều công trình văn hóa đang được thực hiện theo hướng xã hội hóa, tuy nhiên việc xã hội hóa cũng có hai mặt. Ông Ngô Văn Bảy-Giám đốc TTVH TP Đà Nẵng nói, khi DN bỏ tiền đầu tư thì sẽ tính đến những yếu tố lợi nhuận để thu hồi kinh phí trước, cái đó sẽ làm tốt, còn những cái "buộc" phải làm theo cam kết thì đương nhiên sẽ đối phó.

Trong đầu tư văn hóa, có những thiết chế mà Nhà nước phải đầu tư để thực hiện mục đích xã hội, không thể giao cho nhà đầu tư được. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Anh Đào-Đại biểu HĐND TP cho rằng, sự thiếu minh bạch trong các công trình văn hóa khi thực hiện xã hội hóa sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy xấu.

Đơn cử như Công viên Châu Á được giao ở một khu đất "vàng" rộng tới 86ha, việc kêu gọi đầu tư là cần thiết song phải làm rõ người dân sẽ được hưởng thụ gì từ dự án ấy. Bởi không làm rõ từ đầu, người ta rào hết lại, làm xong thì ai muốn vào phải mua vé, y như vào cấm cung của nhà đầu tư vậy. Đã là công viên văn hóa thì người dân phải được ra vào không tốn phí, chỉ tốn phí khi sử dụng các dịch vụ, trong các hạng mục cụ thể, các khu vực cụ thể.

Người dân không phải ai cũng có tiền để mua vé. Không lẽ những người nghèo chỉ được đi qua rồi nhìn công viên qua tường rào, trong khi người dân đang thiếu công viên, thiếu nơi để sinh hoạt văn hóa?. Điều này cũng tương tự như khi giao đất cho các DN làm resort ven biển. TP chỉ giao đất nhưng DN quản lý luôn cả bãi biển. Có những resort người dân muốn vào tắm phải mua vé, điều này khác gì bãi biển cũng bị phân lô bán cho nhà đầu tư, và cư dân của một TP biển, nơi mà cuộc sống, nếp sống và văn hóa biển đã ăn sâu vào tiềm thức, giờ muốn ra biển cũng phải mua vé.

Theo phân tích của bà Đào, Đà Nẵng có 17,3km bờ biển (chưa tính quần đảo Hoàng Sa) trong đó đã giao cho các chủ đầu tư 9,14km, chỉ còn lại hơn 8km, chưa tính đến những đoạn không thể tắm được. Theo con số du khách năm 2013 là 3,1 triệu lượt, cộng với dân số TP, tính theo cơ học thì mỗi mét bờ biển sẽ phải tải 123,8 người. Sẽ còn chật chội hơn rất nhiều nếu tới năm 2020 dân số Đà Nẵng tăng lên 2 triệu người như dự báo. Ra biển để vui chơi, để tắm, đó là văn hóa của người dân TP biển, nhưng cứ với đà này thì xem ra nét văn hóa ấy đang bị "bức tử".

Trở lại Công viên 29-3, đây là công viên đúng nghĩa duy nhất của TP tới giờ phút này. Với mặt nước rộng, hệ thống cây xanh cổ thụ, vị trí đắc địa, đây là nơi sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Mỗi dịp Tết, công viên luôn quá tải, bởi người dân tới để tận hưởng cái "không khí" Tết, để tham gia các trò chơi...

Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp công viên bài bản, quy củ, hiện đại hơn để phục vụ nhân dân là rất cần thiết. Tuy vậy khi TP có chủ trương xã hội hóa hoàn toàn công viên đã dấy lên không ít lo lắng cho người dân vì sợ rằng công viên sẽ biến thành tư viên. Cũng may, sau khi chưa tìm được điểm chung giữa nhà đầu tư và TP trong vấn đề xã hội hóa thì TP đã quyết định bỏ kinh phí đầu tư nâng cấp công viên khoảng 10 tỷ đồng, chỉ để một số hạng mục nhỏ kêu gọi đầu tư. Với một công trình văn hóa như Công viên 29-3 thì TP không tiến hành xã hội hóa hoàn toàn là phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đó cũng là hướng mở với nhiều công trình văn hóa khác.

Hải Hậu