Đà Nẵng vạ lây vì vụ cá chết hàng loạt
(Cadn.com.vn) - Hiện tượng cá chết hàng loạt ở vùng biển gần bờ các tỉnh Bắc Trung Bộ cho đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức khiến người dân hoang mang, lo lắng. Trong khi đó, tại Đà Nẵng các đội tàu đánh bắt xa bờ dù đưa vào đất liền những khoang thuyền đầy ắp, cá tươi roi rói lại dở khóc dở cười vì lượng tiêu thụ giảm mạnh. Tuần qua, ngoài việc người dân tại các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là Hà Tĩnh, Quảng Trị, TT-Huế gần như "nói không" với tôm cá khiến tiểu thương, ngư dân điêu đứng thì tại "vựa" thủy sản Đà Nẵng, người đánh bắt, tiêu thụ cũng bị vạ lây.
Dù không bị quay lưng hoàn toàn nhưng do người dân giảm sức mua, các cơ sở thủy sản, tiểu thương tại các chợ khống chế lượng nhập vào nên ngư dân là bộ phận chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất. Tại chợ Hải sản, nơi có lượng tiêu thụ cá lớn nhất thành phố, ngay cả vào những ngày nghỉ, sức mua cũng đã giảm so với thời gian trước đây. Bà Nguyễn Thị Mai - một tiểu thương ở đây cho biết, 10 người đến mua hàng thì có đến 8 người hỏi là cá mực, tôm, cua có bị ảnh hưởng "chất độc" hay không. "Chúng tôi đã giải thích đây là thủy sản đánh bắt xa bờ, hoàn toàn không bị ảnh hưởng như các loại cá chết gần bờ ở Bắc Miền Trung, nhưng nhiều người hỏi xong rồi yêu cầu hạ giá. Việc buôn bán những ngày qua khó khăn hơn, lượng tiêu thụ cũng giảm khoảng 30%", bà Mai cho biết. Tương tự, tại các chợ khác trên địa bàn thành phố, khu vực kinh doanh thủy hải sản cũng thưa hơn thời gian trước đây. Các tiểu thương bắt buộc phải giảm lượng nhập vào nhưng nhiều ngày vẫn không thể bán hết.
Trong những ngày qua, lượng cá tiêu thụ tại các chợ ở Đà Nẵng giảm hẳn. |
Sáng 25-4, từ Cảng cá Thọ Quang về nhà, anh Lê Văn Sang-chủ tàu dịch vụ hậu cần lớn của Đà Nẵng thể hiện sự lo lắng vì những ngày qua quá mệt mỏi trong việc thu mua và phân phối lại hải sản. Là người đã quá hiểu với quy luật cung cầu của thị trường, trải qua rất nhiều khó khăn trong công việc khai thác, thu mua, tiêu thụ nhưng theo anh Sang, đây là thời điểm mà con cá bị "vạ lây" một cách rất oan. "Cá tươi, chất lượng tốt nhưng sức mua nội địa đã giảm khoảng 30% do người tiêu dùng không hiểu hết bản chất vấn đề. Bà con ngư dân rất lo lắng vì những ngày qua khai thác về bán không hết hoặc bị rớt giá. Giá bán ra tại các chợ giảm thì người thu mua ngay trên biển cũng phải giảm theo. Những người trực tiếp đánh bắt chịu ảnh hưởng nặng nề nhất", anh Sang phân tích. Chính vì việc sức mua giảm, giá giảm nên những ngày qua, tại âu thuyền Thọ Quang đã có hiện tượng tàu cá ngại ra khơi, tàu ra khơi rồi thì hoang mang, lo lắng.
Theo ngư dân các tỉnh cập Cảng cá Thọ Quang, trong những ngày qua việc tiêu thụ cá chậm hơn, giá cả cũng giảm so với trước đây. |
Vừa cập bờ sau một chuyến đi gần nửa tháng, 14 ngư dân của tàu cá QNg 92385 của Quảng Ngãi lo lắng về việc bán số hải sản vừa khai thác được. Chủ tàu Hồ Văn Cường cho biết, những lần trước, vừa vào bờ thì các đơn vị thu mua lập tức liên hệ với giá như giá thị trường, không hề o ép. Chuyến này bán rất chậm, giá lại rớt giá nên may lắm thì thu chỉ đủ bù chi, không có lãi. "Do tâm lý của người mua thôi, cứ nghe và thấy cá chết thì phản ứng bình thường là hạn chế ăn cá. Thiệt thòi thuộc về người khai thác, chúng tôi hầu hết đánh bắt xa bờ, không hề bị ảnh hưởng gì nhưng cũng dồn ứ, vừa bán chậm, vừa mất giá. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần có thông tin cụ thể đến người dân về việc này", anh Cường nói. Theo nhiều chủ tàu đang neo đậu tại đây, song song với việc bán hết cá trong chuyến đi vừa qua thì phải nghe ngóng thị trường rồi mới quyết định ra khơi chuyến tiếp theo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tứ - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, vùng biển Đà Nẵng và các ngư trường mà ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đánh bắt chưa có biểu hiện chịu ảnh hưởng như các địa phương Bắc Trung Bộ. Mặt khác nguồn cá tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng chủ yếu được đánh bắt ở ngư trường xa cũng như là từ các tỉnh phía Nam chuyển ra. Theo ông Tứ, trong sáng 25-4, Giám đốc Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ để có những thông tin kịp thời, hiệu quả trước diễn biến của việc này. Việc sức mua hải sản trong những ngày qua tại Đà Nẵng giảm chính là một phản ứng về mặt tâm lý xã hội bình thường của người tiêu dùng. "Từ các thông tin và khảo sát mà chúng tôi có được thì có thể nhận định là hải sản tại thị trường thành phố chưa bị ảnh hưởng gì như hiện tượng đang xảy ra tại khu vực Bắc Trung Bộ. Sau một thời gian ngắn, khi có thông tin đầy đủ, chính xác thì thị trường sẽ ổn định trở lại", ông Tứ nói.
Đông A