Đại lễ tưởng niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Vua Trần Nhân Tông được sử sách ngợi ca là một trong những vị hoàng đế anh minh, hiền tài trong lịch sử nước Đại Việt. Dưới sự trị vì của ông, triều đại nhà Trần trở thành một triều đại hiển hách nhất về võ công và văn trị trong lịch sử Đại Việt. Cùng với vua cha Trần Thánh Tông, ông trực tiếp lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và giành được thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi, yên định biên cương và xây dựng nền văn hóa Đại Việt phát triển hưng thịnh.
Sau khi rời phủ Thiên Trường, vua Trần Nhân Tông về tập tu, xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình). Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử tu hành khổ hạnh tại am Tử Tiêu, núi Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, xưng là Trúc Lâm đại sĩ. Tại đây, ngài sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Phật giáo mang đậm màu sắc Việt Nam với chủ trương cư trần lạc đạo tức là gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế của việc thiền với việc gìn làng, giữ nước. Tháng 11 năm Mậu Thân (1308), vua Trần Nhân Tông an nhiên, viên tịch tại am Ngọa Vân, vị trí ngài nhập niết bàn chính là am Ngọa Vân ngày nay. Ngài được các thế hệ được nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.
Đại lễ 715 ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn năm nay gắn với khánh thành Cung Trúc Lâm Yên Tử được xây dựng tại Bến xe Giải Oan cũ thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí. Công trình có sức chứa 5.000 người, là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và hoạt động văn hóa Phật giáo. Đặc biệt, nguồn kinh phí xây dựng hoàn toàn từ xã hội hóa do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh vận động và nguồn công đức của phật tử tại chùa Yên Tử với khoảng 250 tỷ đồng.
Đức Hiếu