Dân khốn khổ vì thủy điện (Bài cuối: Sông suối trơ đáy, nước ngầm tụt giảm bất thường)

Thứ bảy, 04/07/2020 14:47

Ruộng vườn hoang hóa, giếng nước, hồ cá trơ đáy; sông suối cạn khô, bị vùi lấp... do ảnh hưởng của việc thi công thủy điện (TĐ) khiến nhiều hộ dân ở miền núi TT-Huế đang phải khổ sở, quay quắt.

Con suối nằm ngay đập TĐ Thượng Lộ khô khát vào một ngày đầu tháng 7-2020.

Khe suối bồi lấp, khô cạn

Có mặt tại phía chân đập thủy điện Thượng Lộ (xã Thượng Lộ, H.Nam Đông) vào một ngày đầu tháng 7-2020, chứng kiến cả con suối rộng lớn dưới chân nhà máy đang trơ đáy. Chị Hồ Thị Con - người dân địa phương ngậm ngùi: "Trước đây, khi TĐ Thượng Lộ chưa làm thì kể cả mùa nắng nóng này, nước ở con suối này vẫn đầy và luôn trong xanh. Hồi đó, người dân thường tập trung về đây tắm rửa, giặt giũ, sinh hoạt... Quan trọng hơn cả là nguồn nước này còn phục vụ tưới tiêu, sản xuất. Nhưng chừ thì con suối này luôn chết khát. Với công suất chỉ khoảng 6 MW, từ khi tích nước đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay, công trình thủy điện Thượng Lộ đã gây khó cho nhiều hộ dân khi diện tích đất trồng cao su và keo tràm đã bị TĐ nhấn chìm.

Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ, hiện việc bồi thường do ảnh hưởng công trình DATĐ Thượng Lộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện, còn 7 hộ dân ở địa phương vẫn chưa được đền bù. Tại buổi tiếp xúc cử tri vào cuối tháng 5-2020 do ông Phan Ngọc Thọ - Trưởng Đoàn ĐBQH,  Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế chủ trì, người dân xã Thượng Lộ vẫn tiếp tục phản ánh việc xây dựng TĐ Thượng Lộ làm ảnh hưởng tới cây trồng và đất của người dân nhưng chưa được đền bù. Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ cho biết, vào mùa này, TĐ Thượng Lộ cho chạy tổ máy khoảng 2-3 lần/tuần. Việc TĐ Thượng Lộ hoạt động có phần khiến các khe, suối trên địa bàn khô hạn. Và, thực trạng này có ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu của bà con trên địa bàn.

Tương tự, con đường dẫn vào nhà máy TĐ Thượng Nhật ở xã Thượng Nhật (H.Nam Đông), khúc suối dài cả hơn cây số từ cao xuống thấp đều khô cạn. Điều đáng nói, đây là phía thượng nguồn dẫn nước về sông Tả Trạch - phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng ngàn hộ dân ở đồng bằng.

Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật Hoàng Trung Nam cho biết, mặc dù chưa chính thức phát điện nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, TĐ Thượng Nhật đã dần tích nước để vận hành, kiểm tra các thông số kỹ thuật. Không chỉ vậy, theo ghi nhận của P.V, quá trình thi công TĐ Thượng Nhật đã biến cả khúc suối ở thượng nguồn này thành bãi thải của các vật liệu thừa trong quá trình xây dựng. Hai bên cây cối dọc theo khúc suối gần TĐ Thượng Nhật đều nhuốm màu bạc trắng.

Người dân địa phương cho rằng, quá trình thi công TĐ Thượng Nhật đã khiến nhiều khúc suối phía thượng nguồn bị bồi lấp.

Tụt giảm nước mặt và nước ngầm bất thường

Nhà máy TĐ A Lưới ở H.A Lưới được khởi công từ năm 2007 ở thượng nguồn sông A Sáp (H. A Lưới) với công suất 170MW, tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng. Khoảng đầu năm 2012, nhà máy đi vào hoạt động. Trước đó, để dẫn nước từ hồ chứa trên sông A Sáp về nhà máy, chủ đầu tư đã cho đào một con kênh lớn, có chiều dài khoảng 2 km từ xã Hồng Thượng đến cửa hầm nhận nước ở thôn Phú Xuân (xã Phú Vinh). Từ khi đào con kênh dẫn nước này, hàng chục giếng nước sinh hoạt, nhiều ao cá và diện tích hoa màu của nhiều hộ dân bị tụt giảm mạch nước ngầm bất thường đành phải bỏ hoang. Nhiều sông suối cũng cạn đáy. Dọc theo đường Hồ Chí Minh, ở xã Phú Vinh, hàng chục giếng nước của các nhà dân trơ đáy nhiều năm nay, nhiều diện tích hoa màu, hồ cá bỏ hoang hoặc chuyển đổi cây trồng. Nhiều người dân không có việc làm đành phải sang các xã lân cận thậm chí sang tỉnh Quảng Trị làm thuê.

Trong nỗi bức xúc, ông Văn Đức Công (xã Phú Vinh) chia sẻ, ông đào giếng từ năm 2009, sâu hơn 10m. Trước những năm 2011, dù trời có hạn đỉnh điểm, giếng nước vẫn còn trên 2m nhưng khi nhà máy TĐ A Lưới làm kênh dẫn, khoét hầm nhận nước sâu xuống mấy chục mét thì giếng nước khô cạn. "Vị trí con kênh dẫn nước được chủ đầu tư đào sâu. Mực nước ở dòng kênh thấp hơn đáy giếng vì thế nước bị rút về kênh hết làm cho hồ cá, giếng bị khô cạn", ông Công nói. Ông Trần Rế ở xã Phú Vinh cho biết, vợ chồng ông chuyển về đây sinh sống đã hơn 10 năm với nghề chăn nuôi, trồng trọt và đào đất vườn làm hồ thả cá cho thu nhập ổn định cuộc sống. Tuy vậy, kể từ ngày có TĐ, nguồn nước bị khô cạn, giếng đào của gia đình sâu hơn 10m cũng cạn. Các hộ dân bị ảnh hưởng đã nhiều lần viết đơn, kiến nghị lên cấp trên trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng mọi chuyện vẫn "án binh bất động".

Theo lãnh đạo xã Phú Vinh, nguyên nhân khiến mạch nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm là do nhà máy TĐ A Lưới khoan hầm sâu dưới lòng nước khiến nước tập trung về đó. Xã đã nhiều lần yêu cầu TĐ về kiểm tra diện tích hoa màu để có phương án hỗ trợ cho nông dân nhưng đến nay chủ đầu tư TĐ vẫn chưa thực hiện, đền bù, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND H. A Lưới thông tin, huyện và các cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xác định hiện tượng mất nước mặt và tụt giảm mạch nước ngầm ở 2 xã Phú Vinh, Hồng Thượng xảy ra từ năm 2010. Theo ông Hùng, nguyên nhân có thể là do TĐ A Lưới gây ra. Bởi trước khi các hạng mục dự án TĐ thi công, địa bàn huyện chưa ghi nhận hiện tượng này. Trong khi đó, chủ đầu tư là đại diện CTCP Thủy điện miền Trung cho rằng, phải có cơ sở khoa học xác định nguyên nhân tụt giảm nước mặt và nước ngầm là do thủy điện gây ra mới có phương án đền bù.

Xác định tính cấp bách của sự việc, năm 2019, UBND tỉnh TT-Huế cho phép thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu, đánh giá đột xuất, cấp thiết với mục tiêu xác định nguyên nhân mất nước mặt và sụt giảm tầng nước ngầm tại A Lưới. Cơ quan được giao thực hiện đề tài là Trường Đại học Nông Lâm Huế, đơn vị thực hiện là Sở Khoa học - Công nghệ. Tuy nhiên, đã gần 1 năm nay các ngành chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân của việc tụt giảm nước ngầm và mất nước mặt. Điều này, đồng nghĩa với việc người dân phải tiếp tục khổ sở vì không thể sản xuất, canh tác. Muốn chuyển đổi ngành nghề thì không có điều kiện.

HẢI LAN

>> Dân khốn khổ vì thủy điện (Bài 1: "Khát" đất sản xuất)