Đắng cay phận phu vàng (3)

Thứ tư, 27/05/2015 11:36

* Kỳ cuối: Không kiểm soát nổi?

(Cadn.com.vn) - Thực tế, tình trạng bóc lột sức lao động của trẻ em và phụ nữ trong các bãi vàng ở Phước Sơn (Quảng Nam) là có thật. Điều đó thể hiện qua việc nhiều em ở Nghệ An sau khi trốn về được địa phương đã làm đơn tố cáo các chủ bãi. Gần đây, Bộ CA đã cử tổ công tác bí mật vào tìm hiểu, song khi tiếp cận bãi vàng thì không có đủ bằng chứng để buộc tội, vì các chủ bãi đã kịp thời “xóa” những sai phạm trên. Chính ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND H. Phước Sơn nhiều lần bộc bạch: Nạn bóc lột sức lao động ở các bãi vàng trên địa bàn là không thể kiểm soát nổi.

NỘI BẤT XUẤT, NGOẠI BẤT NHẬP”

Để tận mắt chứng kiến cảnh lao động của nữ phu trong các bãi vàng, chúng tôi đã lăn lộn nhiều ngày ở các xã Phước Hiệp, Phước Thành, Phước Đức (H. Phước Sơn), song khi chưa tiếp cận được các bãi thì đã chùn bước trước những cánh cổng đóng kín luôn có người túc trực. Theo ghi nhận, các doanh nghiệp dù có phép hay không phép đều biến những bãi vàng của mình thành thủ phủ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Đội quân “phu nữ” đang được đưa vào các bãi vàng.

Từ trung tâm xã Phước Thành, chúng tôi thuê một chiếc xe Win tự lái để vào bãi vàng Khe Tăng. Trên con đường lởm chởm đá, con “ngựa sắt” gầm rú qua những dốc đá cao, có những lúc anh chàng đồng nghiệp kiêm tài xế bất đắc dĩ phải gồng mình đè cổ chiếc xe máy xuống vì nó bốc đầu đòi lộn ngược. Mồ hôi ra như tắm, sau gần một giờ đồng hồ, chúng tôi bắt gặp một cổng cao làm bằng gỗ dựng chắn ngay đường. Bên cạnh đó, một túp lều cũng được làm để những người canh cửa túc trực 24/24 giờ. Thấy chúng tôi chạy xe máy đến, hai người gác cổng tuổi đời chưa đến đôi mươi, hất hàm hỏi: “Các anh đi đâu? Ở đây không cho người lạ vào”. Đứng ngoài cổng gỗ được dựng cao ngất, chúng tôi hỏi vọng vào: “Đây không phải là khu vực quân sự hay công trình quốc phòng, tại sao lại dựng cổng không cho người vào? Vậy người dân đi làm rẫy thì làm sao?”. Đáp lại là sự lạnh lùng, cộc lốc: “Không biết, chủ nói sao làm vậy thôi. Đừng nói nhiều. Chính quyền vào cũng phải có sự đồng ý của chủ thì mới vào được”.

Những cánh cửa giữa rừng trên đường vào bãi vàng được canh gác cẩn mật.

Điều đáng nói, theo hai thanh niên trên cho hay, điểm đặt trạm gác này cách xa khu vực mỏ Khe Tăng đến 30 phút chạy xe máy, trong khi đó, diện tích được cấp phép của bãi vàng Khe Tăng chỉ 11,5ha.

Không riêng gì ở bãi vàng này, hầu hết các nơi khác như bãi 39 ở xã Phước Hòa, bãi 45 Phước Đức, bãi G18 Phước Thành đều có cổng gác “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cũng lắc đầu về việc này. “Nhiều lần huyện tổ chức đi kiểm tra người lao động tại các bãi vàng trên địa bàn xem có sử dụng trẻ vị thành niên hay không, nhưng không thể bắt được dù biết là có tình trạng này. Khi đi kiểm tra, mình phải thông báo với họ để mở cổng, lên tới nơi thì số lao động này đã được đưa vào rừng hoặc vào hầm rồi, chịu chết! Kiểm tra số lao động có mặt tại đó, ai cũng đúng với đăng ký lao động nên không cách gì bắt được. Trước Tết Nguyên đán, cũng có một tổ công tác của Bộ CA cử vào xác minh trường hợp ngược đãi lao động và sử dung lao động trẻ em theo đơn tố cáo. Tổ này đi xác minh độc lập, không thông qua chính quyền địa phương, nhưng khi ra về, họ có ghé huyện và nói không thể vào kiểm tra bất ngờ được vì bãi bờ, rừng núi rộng mênh mông, trong khi muốn vào bãi phải qua cửa chốt chặn...”.

Lao động nữ làm việc ở các bãi vàng.

KIỂM TRA CHỈ LÀ HÌNH THỨC?

Trong khi đó, khác với sự nhìn nhận thẳng thắn của ông Hà, ông Võ Văn Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH H. Phước Sơn lại cho rằng: “Qua kiểm tra cho thấy các đơn vị cơ bản thực hiện đúng Luật Lao động. Thời gian qua, Phòng chưa nhận được phản ánh nào về những trường hợp ngược đãi lao động trong các bãi vàng”.

“Căn cứ vào đâu ông cho rằng các bãi vàng đó thực hiện đúng luật lao động?” - chúng tôi hỏi, ông Ba lý giải: “Định kỳ 6 tháng một lần, liên ngành của huyện sẽ kiểm tra các bãi vàng có phép một lần. Bãi hết phép thì không kiểm tra. Chúng tôi vào khu vực bãi vàng và tiến hành kiểm tra ở thời điểm giao ca, thời điểm công nhân dưới hầm lên hoặc vào hỏi đầu bếp về số lượng người ăn... Với những hình thức trên thì họ không thể giấu quân được. Qua kiểm tra cho thấy các lao động đều trên 18 tuổi và đúng tên trong hợp đồng lao động, hiện chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng trẻ vị thành niên và ngược đãi lao động. Chế độ ăn cũng được đảm bảo. Còn lao động nữ trong các bãi vàng rất ít, qua kiểm tra các bãi vàng chỉ có bãi của Cty H.V có 5 - 6 nữ thôi”.

Hiểm nguy rình rập ở các bãi vàng.

Theo ông Ba nói thì định kỳ 6 tháng sẽ kiểm tra 1 lần, thế nhưng theo báo cáo “mới nhất” của ông Ba cung cấp cho chúng tôi thì đợt kiểm tra gần đây nhất vào tháng 6-2014, tính ra đến nay đã gần 1 năm. Như vậy có thể thấy, kiểm tra thực trạng lao động ở các bãi vàng chỉ là hình thức, còn quân số thực tế bao nhiêu, lao động nữ, lao động trẻ em bao nhiêu thì không thể nắm bắt được...

Và ở nơi ấy ngày đêm vẫn có biết bao phận người lầm lũi, căng mình chịu đựng chui rúc trong những hầm sâu thăm thẳm; nơi vẫn có không ít phụ nữ đang chôn mình với chất độc thủy ngân, hóa chất phân kim, nơi chốn rừng thiêng nước độc luôn có những hiểm nguy rình rập... “Chị em phu vàng không chui hầm nhưng quanh năm ngâm chân và tay trong hóa chất, thủy ngân, da bị ăn mòn hết. Nghe nói thủy ngân ngấm vào người lâu sẽ gây vô sinh, tiếp xúc với thủy ngân nghe nói phải có bao tay, nhưng ở đây cái ăn còn thiếu, nói chi đến đồ bảo hộ lao động” - câu nói của em H. vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi khi kết thúc loạt bài này.

Bão Bình