Đằng sau cú đòn ngoại giao mới Mỹ nhằm vào Trung Quốc

Thứ sáu, 24/07/2020 09:00

Trong các bài viết đưa ra ngày 23-7, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, việc chính phủ Mỹ yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa lãnh sự quán ở Houston là “nỗ lực đổ lỗi cho nước này về những thất bại của Nhà Trắng trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới”.

Bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas, Mỹ.  Ảnh: AP

Hôm 22-7, Mỹ gây bất ngờ khi ra tối hậu thư 72 giờ cho Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, bang Texas nhằm “bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và thông tin cá nhân của người Mỹ”, đánh dấu động thái chưa có tiền lệ sau 41 năm hai nước thiết lập quan hệ. Trung Quốc ngay lập tức gọi đây là “sự leo thang chưa từng có” và dọa đáp trả. Quyết định này, trên thực tế, đánh dấu sự leo thang căng thẳng kịch tính giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới trong bối cảnh những cáo buộc mới về gián điệp Trung Quốc tại Mỹ và việc Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi liên minh toàn cầu mới chống lại Bắc Kinh.

Do Trung Quốc che giấu gián điệp...

Lãnh sự quán Houston là một trong 5 lãnh sự quán của Trung Quốc tại Mỹ, ngoài đại sứ quán ở thủ đô Washington. Hiện chưa rõ vì sao Mỹ ra lệnh này. Tuy nhiên, các hãng truyền thông báo chí cho rằng, nguyên nhân do lãnh sự quán này che giấu đối tượng là một nhà nghiên cứu có quan hệ với quân đội Trung Quốc thuộc danh sách truy nã của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Theo Reuters, nghiên cứu viên này được cho là đã bị buộc tội gian lận visa và trốn trong lãnh sự quán này suốt 1 tháng qua.

Theo nguồn tin, từ hôm 20-6, nhà nghiên cứu này - người khai báo gian dối về mối liên hệ với một trường Đại học quân sự tại Trung Quốc, đã đi vào Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco và ở lại đó sau khi bị FBI hỏi về nghi vấn gian lận visa. Hồ sơ trình Tòa án ở San Francisco ngày 20-7 cho biết, người này tên Juan Tang, làm việc tại Đại học California đã khai gian thông tin trong đơn xin visa Mỹ. Theo đó, bà Tang đến Mỹ dưới dạng thị thực J-1 (thuộc diện chương trình trao đổi hoặc đào tạo ngắn ngày) và là nghiên cứu tại Đại học California. Trong đơn đăng ký cấp thị thực, bà Tang khẳng định không có bất kỳ liên hệ nào đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Tuy nhiên, các điều tra viên FBI tìm thấy những bức ảnh của bà Tang trong bộ quân phục quân đội Trung Quốc và phát hiện bà từng làm việc như một nhà nghiên cứu tại Đại học Y Không quân Trung Quốc (FMMU), một đại học trực thuộc PLA, và bà này được xem là một sĩ quan chính quy của quân đội Trung Quốc. Sau khi có lệnh bắt giữ, FBI khám xét nhà của bà Tang Juan, tìm thấy bằng chứng về mối liên hệ của bà này với PLA. Bà Tang bị buộc tội gian lận visa nhưng cơ quan thực thi pháp luật Mỹ không thể vào đại sứ quán hoặc lãnh sự quán nước ngoài trừ khi được phép, và một số quan chức hàng đầu như đại sứ của một nước có quyền miễn trừ ngoại giao.

Hiện tại, Bộ Ngoại giao Mỹ, Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington và Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco chưa đưa ra bình luận nào liên quan đến những thông tin này.

...hay đòn trả đũa của người Mỹ?

Tờ Bloomberg dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự tại Hồng Kông Song Zhongping cho rằng, lệnh đóng cửa lần này có thể liên quan đến việc các nhà ngoại giao Mỹ vẫn chưa được Bắc Kinh cho phép quay lại đại sứ quán và lãnh sự quán của họ ở Trung Quốc, do các hạn chế đi lại và quy tắc kiểm dịch Bắc Kinh đưa ra để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Hồi tháng 6, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng, các nhà ngoại giao và gia đình của họ không được phép quay lại các quốc gia khiến họ phải xét nghiệm hoặc cách ly không tự nguyện. “Có thể đây là một đòn trả đũa của người Mỹ đối với vấn đề xét nghiệm”, chuyên gia này nói. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết hai nước đã đạt được thỏa thuận về các nhà ngoại giao Mỹ đang chờ để quay lại Trung Quốc. Vì vậy, có ý kiến cho rằng. vụ này có thể liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, cáo buộc mà Mỹ nhiều lần đưa ra với Trung Quốc, nhưng phía Bắc Kinh luôn bác bỏ. Thật là đáng tiếc và không thể tin được khi Mỹ cáo buộc lãnh sự quán có liên quan đến hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc thậm chí là làm “căn cứ” cho những hành động phi pháp như vậy, nguồn tin ngoại giao Trung Quốc nói.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến quyết định cứng rắn lần này của Washington là do những nghi ngại về khả năng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm tình báo của quân đội Bắc Kinh. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, cáo buộc lãnh sự quán ở Houston “là nút thắt trung tâm của hoạt động gián điệp lớn - gián điệp thương mại, gián điệp quốc phòng”. Trả lời phỏng vấn tờ NYT, ông David Stilwell - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách khu vực Đông Á cũng cho rằng, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm tình báo của quân đội nước này. Theo đó, Bắc Kinh đã cử học sinh, sinh viên tới Mỹ để thu thập thông tin nhằm thúc đẩy lợi thế cho họ.

Bắc Kinh sẽ trả đũa như thế nào?

Ngay sau tuyên bố của Mỹ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ mô tả đây là “hành động khiêu khích chính trị” và kêu gọi Washington “thu hồi ngay lập tức” quyết định này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã viết trên Twitter rằng: Trung Quốc “chắc chắn sẽ phản ứng với các biện pháp đáp trả tương xứng”. Tờ nhật báo tiếng Anh chính thức của Trung Quốc mô tả quyết định của Mỹ là “vụ lừa đảo mới trong chính quyền của Mỹ nhằm vẽ ra một Trung Quốc độc ác trên trường thế giới...”. “Động thái này cho thấy sự tụt hậu so với đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống của ông Trump trong các cuộc thăm dò... nhà lãnh đạo Mỹ sẽ nỗ lực hết sức để mô tả Trung Quốc là một tác nhân xấu xa”, bài viết trên tờ nhật báo nêu rõ. Phía Bắc Kinh đã kêu gọi Washington xem lại, và nói nếu họ tiếp tục “đi theo con đường sai lầm, Trung Quốc sẽ phản ứng với các biện pháp trả đũa cứng rắn”. “Trên thực tế, xét về số các sứ quán và lãnh sự quán của Trung Quốc và Mỹ ở trên đất của nhau và số nhân viên ngoại giao và lãnh sự, Mỹ có nhiều nhân viên làm việc ở Trung Quốc hơn rất nhiều”, tuyên bố của phía Bắc Kinh nêu rõ.

Theo các chuyên gia, hiện nay Trung Quốc đang nhắm nhiều mục tiêu để trả đũa Mỹ. Tờ SCMP của Hồng Kông cho rằng, Bắc Kinh có thể quyết định đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô hoặc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Vũ Hán là hành động không đủ mạnh mẽ trong bối cảnh Mỹ đã sơ tán nhiều nhân viên ngoại giao ở đây do đại dịch Covid-19.

Hiện nay, Mỹ đang đặt 5 Tổng lãnh sự quán ở Trung Quốc đại lục, bao gồm Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Thành Đô và Vũ Hán, cùng với 2 Tổng lãnh sự quán ở Hồng Kông và Macau. Tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc, ông Hu Xijin cho rằng, Mỹ có một lãnh sự quán lớn ở Hồng Kông và “quá rõ ràng đó là một trung tâm tình báo”. “Ngay cả khi Trung Quốc không đóng cửa, thay vào đó, họ có thể cắt giảm nhân viên. Điều này sẽ khiến Washington phải chịu nhiều đau đớn”, ông Hu Xijin nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ sở ngoại giao của Mỹ ở Thành Đô hiện vẫn là “mục tiêu số 1”. Và nếu việc đóng cửa cơ quan đại diện của Mỹ tại Thành Đô trở thành hiện thực, nó sẽ càng như “đổ thêm dầu vào chảo lửa” căng thẳng giữa hai cường quốc này.

KHẢ ANH

Điều gì xảy ra tại lãnh sự quán?

Cảnh sát và xe cứu hỏa tập trung ngoài Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston hôm 21-7.  Ảnh: SCMP

Theo AP, tuyên bố đóng cửa của Mỹ đưa ra sau khi có hình ảnh quay một số nhân vật không rõ danh tính đốt giấy tờ trong khuôn viên của lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

Những dấu hiệu khác thường đầu tiên xuất hiện ở lãnh sự Houston hôm 21-7, khi người dân ở gần thấy có vài thùng rác đang cháy ở trong sân tòa nhà. Hình ảnh cho thấy có người dường như ném giấy tờ vào trong thùng rác. Lực lượng khẩn cấp được gọi đến tòa nhà vào tối 21-7. Tuy nhiên, cảnh sát Houston viết trên Twitter rằng: các nhân viên của họ “không được phép vào bên trong tòa nhà”, dù họ có thấy khói bốc lên. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không nói đến các ngọn lửa bên trong khuôn viên lãnh sự quán, mà chỉ nói lãnh sự vẫn hoạt động bình thường.

T.N