Đằng sau động thái cứng rắn của Triều Tiên

Thứ tư, 17/06/2020 10:49

Các nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách tạo ra một cuộc khủng hoảng để tăng áp lực lên Seoul trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington đang bế tắc.

Khói bốc lên ở thị trấn biên giới Kaesong của  Triều Tiên được nhìn thấy từ Paju, Hàn Quốc hôm 16-6. Ảnh: AP

Cho nổ, đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều

Căng thẳng lại leo thang trên bán đảo Triều Tiên trong khi một động thái bất ngờ và đáng lo ngại, Bình Nhưỡng ngày 16-6 phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở khu vực biên giới hai nước.

Nhiều kênh truyền thông Hàn Quốc đưa tin: Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở khu vực biên giới hai nước. Yonhap dẫn các nguồn tin quân sự cho biết, có khói đen và tiếng nổ lớn từ khu vực thị trấn Kaesong ở lãnh thổ Triều Tiên, gần biên giới liên Triều, vào trưa 16-6. Đây là nơi đặt KCN liên Triều có cùng tên gọi và văn phòng liên lạc giữa hai miền bán đảo. KCN Keasong là một đặc khu kinh tế do cả chính quyền hai nước phối hợp quản lý. Tại đây có khoảng 124 Cty Hàn Quốc hoạt động với hơn 54.000 lao động Triều Tiên.  Trong một thông báo, Bộ Thống nhất Hàn Quốc xác nhận, thời điểm phá hủy được tiết lộ là 14 giờ 49 (giờ địa phương) và không cho biết thêm chi tiết.

Mỹ hiện chưa có tuyên bố gì trước động thái mới nhất này của Triều Tiên. Phát biểu trên trong cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết, Bắc Kinh hy vọng hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang tìm cách tạo ra một cuộc khủng hoảng để tăng áp lực lên Seoul trong khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington đang bế tắc.

Hàn Quốc tiếp tục họp khẩn

Vụ việc lần này như “đổ thêm dầu vào chảo lửa” đang nóng hầm hập trên bán đảo Triều Tiên sau khi căng thẳng gia tăng trong những tuần qua.

Kể từ đầu tháng 6, Triều Tiên đưa ra loạt những lời lẽ lên án mạnh mẽ nhằm vào Hàn Quốc do những hoạt động rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới - điều mà những kẻ đào tẩu khỏi nước này thường làm. Các tờ rơi - thường được gắn vào khinh khí cầu hoặc thả trong chai - chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì vi phạm nhân quyền và tham vọng hạt nhân của ông.

Tuần trước, Bình Nhưỡng tuyên bố cắt đứt tất cả các liên kết liên lạc chính thức với Hàn Quốc. Bà Kim Yo-jong - Phó trưởng ban tuyên giáo trung ương đảng Lao động Triều Tiên và là em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau đó chỉ trích Hàn Quốc vì họ không ngăn việc thả truyền đơn, coi đây là “hành động tấn công phủ đầu trước chiến tranh”. Bà cảnh báo Seoul sẽ “chứng kiến khung cảnh bi thảm sẽ diễn ra khi văn phòng liên lạc chung hoàn toàn sụp đổ”. Nhân vật nữ quyền lực này cũng khẳng định “quyền thực hiện hành động tiếp theo chống lại kẻ thù sẽ được giao cho Bộ Tổng tham mưu quân đội Triều Tiên (KPA)”. Thậm chí, giới chức Triều Tiên còn đe dọa sẽ đưa quân đội đến khu phi quân sự ở biên giới liên Triều. Trong động thái mới nhất, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 16-6 nhấn mạnh, KPA đang nghiên cứu kế hoạch đưa lực lượng trở lại khu vực phi quân sự liên Triều và “biến khu vực này thành một pháo đài”.

Giới chức an ninh hàng đầu của Hàn Quốc hôm 14-6 phải họp khẩn để bàn bạc về  vấn đề Triều Tiên trong khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng phản ứng với “mọi tình huống”. Thậm chí, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in xem tình hình hiện tại là “nghiêm trọng”, và kêu gọi cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng cùng nỗ lực để “duy trì các thỏa thuận liên Triều”. Và trong ngày 16-6, ngay sau động thái từ Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in tiếp tục triệu tập cuộc họp khẩn vào lúc 17 giờ.

Rõ ràng, những động thái này phủ bóng ảm đạm khắp bán đảo Triều Tiên bởi trên thực tế hai miền Triều Tiên vẫn còn chiến tranh về mặt kỹ thuật sau khi cuộc chiến Triều Tiên chỉ kết thúc bằng hiệp định đình chiến năm 1953 chứ không phải là một hiệp ước hòa bình.

KHẢ ANH