Đằng sau sự sụp đổ của người sáng lập tập đoàn Daewoo

Thứ tư, 18/12/2019 20:30

Người sáng lập Tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc, ông Kim Woo-choong, đã tạo dựng một trong những Cty lớn nhất Châu Á nhưng cũng chứng kiến một trong những vụ phá sản lớn nhất thế giới. Ông Kim vừa qua đời hôm 9-12, ở tuổi 82, tại một bệnh viện ở Suwon, phía nam Seoul.

Ông Kim Woo-choong bị dẫn đi thẩm vấn vào năm 2005 sau khi trở lại Seoul lần đầu tiên kể từ sau vụ sụp đổ năm 1999 của Tập đoàn Daewoo. Ảnh: AFP

Ông Kim Woo-choong là “người khổng lồ” trong giới kinh doanh Châu Á, nhưng cuối cùng những thành tựu to lớn của ông đã bị sụp đổ bởi sự kiêu ngạo của chính ông. Không có nhân vật nào có mối liên hệ mật thiết với sự trỗi dậy và xuống dốc của Hàn Quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997 như ông Kim.

Ông Kim thành lập Tập đoàn Daewoo (có nghĩa là Vũ trụ vĩ đại) vào năm 1967, trong những ngày đầu tiên của phép lạ kinh tế Hàn Quốc, và xây dựng nó thành một tập đoàn đa lĩnh vực nổi tiếng nhất thế giới vào những năm 1990. Ông là người sáng lập chaebol (các tập đoàn do gia đình lãnh đạo tại Hàn Quốc) được cho là liều lĩnh nhất tại nước này. Nhưng tham vọng của ông đã vượt quá tầm với. Ông Kim đã không tiến hành những cải cách khi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997 xảy ra. Daewoo đã trải qua vụ phá sản lớn nhất thế giới vào thời điểm Hàn Quốc đang vật lộn với khủng hoảng và phải nhờ đến sự giải cứu lớn nhất của IMF. Đây được cho là một bài học xương máu đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khác. Daewoo, từng là nơi làm việc của hơn 300.000 người trên toàn thế giới, đã bị chia rẽ. Mặc dù một số bộ phận vẫn hoạt động dưới quyền của chủ sở hữu mới.

Từ con số 0 trở thành anh hùng

Ông Kim lớn lên ở đông nam Hàn Quốc, khu vực được biết đến với các triều đại chính trị cánh hữu hùng mạnh. Cha ông được cho là có mối quan hệ với cố Tổng thống Park Chung-hee, người đã tiến hành cuộc đảo chính năm 1961 để lên nắm quyền và sau đó đã đưa ra nhiều chính sách mới thúc đẩy công nghiệp hóa Hàn Quốc.

Mô hình kinh tế của cố Tổng thống Park phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp tư nhân hơn là các doanh nghiệp quốc hữu hóa. Dưới thời của ông, ba tập đoàn đã vươn lên dẫn đầu, đó là Samsung, bắt đầu dưới chế độ thực dân Nhật Bản, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Hyundai, ra đời trong giai đoạn hậu chiến, chuyên sửa chữa phương tiện và xây dựng phục vụ cho quân đội Mỹ. Daewoo bắt đầu trong ngành dệt may, trước khi ông Kim sử dụng mối liên hệ của mình với tổng thống Park để mua lại một loạt các doanh nghiệp thua lỗ và xoay chuyển chúng, lập ra tập đoàn.

Daewoo được các ngân hàng nhà nước cung cấp các khoản vay đặc quyền. Họ xây dựng năng lực bằng cách sao chép, thay đổi kỹ thuật và thuê chuyên gia nước ngoài. Dù được ươm tạo tại Hàn Quốc dưới sự bảo trợ của các chính sách bảo hộ, khả năng cạnh tranh của họ cũng được mài giũa ở nước ngoài. Ông Park khuyến khích tập đoàn thâm nhập thị trường toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, nơi Hàn Quốc được hưởng nhiều ưu đãi thương mại. Chính sách này đã được chứng minh một mô hình rất thành công. Trong thập niên 1980, Hàn Quốc được công nhận là “con hổ châu Á” và Daewoo đã phủ sóng nhiều lĩnh vực, từ dệt may và xây dựng đến điện tử, xe hơi, tàu thủy và hóa dầu.

Ông Kim hành động giống như một “chú lính chì dũng cảm”. Là một người nghiện công việc, ông đi khắp thế giới, thực hiện các giao dịch. Daewoo là một trong những chaebol đầu tiên bắt tay làm ăn với Nga. Cuốn tự truyện về ông, “Mỗi con đường được lát bằng vàng: Con đường dẫn đến thành công thực sự”, giới thiệu các chiến lược, những bí quyết, và những câu chuyện đơn giản nhưng tuyệt vời trong sự nghiệp kinh doanh đáng chú ý của ông Kim trên thế giới.

Từ anh hùng trở về con số 0

Với chính sách tìm kiếm quy mô hơn là lợi nhuận, Daewoo đã gánh khoản nợ lớn để tài trợ cho đế chế của tập đoàn. Cuối năm 1997, một cơn bão tài chính nổ ra tại Đông Nam Á đã tấn công Hàn Quốc. Niềm tin đã giảm mạnh và trị giá đồng won so với đồng USD giảm hơn một nửa. Sau khi nên nắm quyền, chính phủ của Tổng thống Kim Dae-jung phải chấp nhận gói cứu trợ trị giá 58 tỷ USD của IMF để đổi lại các cải cách. Daewoo được lệnh giảm bớt các năng lực cốt lõi thông qua các giao dịch hoán đổi của Cty. Các đơn vị không có lợi nhuận đã được thoái vốn để tăng lượng tiền mặt. Các Cty con sa thải bớt lao động. Một khung pháp lý tài chính mới đã được áp dụng.

Nhưng ông Kim đã xem nhẹ cuộc khủng hoảng tài chính, như thể tiền không quan trọng trong kinh doanh. Ông vẫn tiếp tục mô hình kinh doanh thông thường của mình, mở rộng các chi nhánh của Daewoo vào năm 1998. “Ông ấy đã tích cực thực hiện các vụ mua lại, mỗi khi một doanh nghiệp quan trọng thất bại, ông ấy lập tức xuất hiện. Đó là cách ông ấy phát triển một số Cty lớn trong tập đoàn”, Hank Morris, một cố vấn của Erudite Risk cho biết. Mặc dù các tập đoàn hạng hai được thành lập ngày một nhiều, nhiều người cho rằng các “ông lớn” như Daewoo không thể thất bại. Nhưng không, Daewoo - với lỗ hổng 50 tỷ USD trong tài khoản - đã sụp đổ ngoạn mục vào năm 1999. Ông Kim, bị buộc tội gian lận và biển thủ, đã bỏ trốn. Phá sản, các Cty con của tập đoàn được chào bán cho bất kỳ nhà thầu nào.

Trong khi đó, cải cách đã mang lại những bước tiến mới. Tình trạng mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu đã dẫn đến một sự đột biến. Các chaebol tại Hàn Quốc thoát khỏi nguy hiểm. Đất nước đã trải qua quá trình phục hồi siêu nhanh. Về mặt kinh tế vĩ mô, chương trình cứu trợ của IMF được đánh giá tích cực. Ngoài việc phục hồi siêu tốc, động lực cải cách thể hiện rõ ở tính bền vững quốc gia và Hàn Quốc đã không phải chịu một cuộc suy thoái nào kể từ năm 1998. Việc mở cửa thị trường đã đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa tại Hàn Quốc. Nhập khẩu tiêu dùng, từ ô-tô đến thuốc lá, trở nên phổ biến.

Sự sụp đổ của Daewoo có tác dụng cảnh tỉnh các chaebol khác. “Tôi nghĩ rằng điều đó đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa các tập đoàn của họ theo thứ tự tài chính hợp lý”, ông Morris nói. Các tập đoàn còn sống sau đó tập trung phát triển các lĩnh vực cốt lõi của họ. Samsung, LG chuyên về đồ điện tử, Hyundai tập trung lĩnh vực xe hơi và tàu thủy. Tất cả được phát triển thành thương hiệu toàn cầu.

Daewoo tan biến

Thất bại, ông Kim trốn khỏi đất nước và có tin đồn rằng ông đã trốn ở một khách sạn sang trọng ở Pháp. Ngoài việc bị Interpol truy nã, ông cũng bị một nhóm công nhân từng bị sa thải trước đây truy lùng. Năm 2005, ông Kim trở về Hàn Quốc và năm 2006, ông bị kết án 10 năm tù. Ông được trả tự do nhờ sự ân xá của tổng thống vào năm 2007. Những năm cuối đời, ông sống chủ yếu ở Việt Nam và lãnh đạo các tổ chức từ thiện.

Mặc dù Daewoo sụp đổ, phần lớn các bộ phận của tập đoàn này vẫn hoạt động. Lĩnh vực xe hơi của Daewoo được General Motors mua lại và tòa nhà trụ sở của tập đoàn được Morgan Stanley sử dụng, trong khi lĩnh vực điện tử được chuyển qua tay của nhiều người mua. Tài sản lớn nhất của tập đoàn, Cty Đóng tàu và Kỹ thuật Hàng hải (DSME) đã bị quốc hữu hóa. Nó tiếp tục đánh vào túi tiền của người đóng thuế Hàn Quốc, khi đã “nuốt chửng” hơn 6 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2017 sau một vụ bê bối. Hồi tháng 1 vừa qua, Cty công nghiệp nặng Hyundai đã tìm cách mua lại DSME trong một vụ sáp nhập sẽ tạo ra Cty đóng tàu lớn nhất thế giới, với thị phần toàn cầu 21%.

AN BÌNH