Đằng sau vụ thất bại của Mỹ trong cuộc chiến với Huawei

Thứ ba, 18/02/2020 15:45

Các đồng minh chủ chốt của Mỹ đều bác đề nghị của Tổng thống Donald Trump về việc không làm ăn với gã khổng lồ công nghệ 5G của Trung Quốc.

Văn phòng Huawei ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Bị mất mặt bởi việc Anh cho phép Tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei của Trung Quốc tham gia vào kế hoạch phát triển mạng di động 5G thế hệ mới của nước này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra những biện pháp mới nhằm ngăn chặn Huawei, nhưng triển vọng thành công là không mấy khả quan.

Phản ứng của Mỹ bao gồm việc truy tố Huawei theo đạo luật Các tổ chức Tham nhũng và Ảnh hưởng của Xã hội đen(RICO), được soạn thảo để chống tội phạm có tổ chức. Mỹ cũng đưa ra các quy định về việc dừng bán linh kiện của Mỹ cho Huawei và ZTE, Cty viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc. Washington cũng đề xuất cấm bán động cơ phản lực cho máy bay chở khách dân sự mà General Electric và Saf Safran của Pháp đã bán cho Trung Quốc kể từ năm 2014.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Robert OBrien, trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hôm 12-2 cho biết Mỹ đã phát hiện ra một cửa hậu bí mật trong thiết bị Huawei cho phép Cty Trung Quốc theo dõi thông tin liên lạc của phương Tây. Huawei đã bác cáo buộc này, yêu cầu Mỹ công khai dữ liệu làm bằng chứng.

Tại hội nghị an ninh thường niên cuối tuần qua ở Munich, các quan chức Mỹ gồm Bộ trưởng Quốc phòng Mike Esper và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã cảnh báo các nước Châu Âu nên tránh xa Huawei. Tuy nhiên, theo tờ Politico, Châu Âu dường như “bị điếc” trước các cảnh báo của Mỹ về mạng 5G của Trung Quốc.

“Gậy ông đập lưng ông”

Động thái này của các đồng minh là cú đánh mạnh vào uy tín của Mỹ cũng như dẫn đến những rủi ro lớn đối với các Cty chủ chốt của nước này. Nếu Mỹ thực hiện tốt những đe dọa chẳng hạn như đình chỉ các chuyến hàng động cơ phản lực đến Trung Quốc, ngăn chặn hiệu quả chương trình phát triển máy bay chở khách dân dụng tự chế tạo của Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ diễn ra hoàn toàn theo cách khác. Safran của Pháp là một tài sản an ninh quốc gia và Cty Pháp sẽ đẩy Paris về phía Bắc Kinh. Thiệt hại tiềm tàng đối với các Cty hàng đầu của Mỹ, bao gồm cả Boeing - bán 1/4 số máy bay của mình cho Trung Quốc - cũng như các nhà thiết kế chip hàng đầu của Mỹ có thể sẽ bị phá sản.

Các biện pháp này của Mỹ là chưa có tiền lệ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Việc áp dụng bắt nguồn từ sự thất vọng ở Washington sau khi gần như tất cả các đồng minh - ngoại trừ Israel, Nhật Bản và Australia – đều phớt lờ các yêu cầu nghiêm ngặt của Mỹ nhằm ngăn chặn Huawei khỏi việc triển khai mạng di động băng thông rộng 5G.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã công khai chỉ trích Thủ tướng Anh Boris Johnson về quyết định cho phép Huawei xây dựng một phần mạng 5G và đích thân Tổng thống Trump đã can thiệp. Tờ Thời báo Tài chính đưa tin hôm 6-2 rằng ông Trump đã lớn tiếng trong cuộc gọi với ông Johnson. Hôm 14-2, ông Johnson đã hoãn chuyến thăm Nhà Trắng theo kế hoạch.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã từ chối đề xuất của Bộ Thương mại về việc áp đặt quy tắc hạ thấp ngưỡng xuất khẩu xuống 10% đối với việc bán linh kiện cho Huawei và ZTE, để ngăn các Cty nước ngoài sử dụng công nghệ Mỹ bán cho các Cty Trung Quốc. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói với tờ Wall Street Journal hôm 4-2 rằng ông ủng hộ sự phản đối của Lầu Năm Góc, bởi vì “chúng tôi không muốn các Cty lớn của mình không thể hoạt động”. Nhưng hôm 12-2, các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin Lầu Năm Góc đã thay đổi quyết định và hiện ủng hộ lệnh cấm nghiêm ngặt hơn đối với việc xuất khẩu linh kiện cho Huawei.

Các Cty sẽ chuyển đi nơi khác

Một số Cty Mỹ sẽ rời khỏi nước này. Hôm 16-2, tờ New York Times đưa tin, Quỹ RISC-V -một tổ chức phi lợi nhuận đã tạo ra một tiêu chuẩn phần mềm nguồn mở cho các chip cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác-  thừa nhận họ đã quyết định chuyển Cty từ Delaware (Mỹ) đến Thụy Sĩ khi các thành viên lo ngại về các quy định nghiêm ngặt hơn ở Mỹ. “Nếu chính quyền Mỹ tiến hành theo quỹ đạo hiện tại, chúng ta sẽ thấy nhiều hơn sự đào tẩu của các Cty, của các nhà khoa học. Họ có thể chuyển đi nơi khác, và các nền kinh tế khác sẽ là người hưởng lợi”, ông Scott Jones, một chuyên gia của Trung tâm Kích cầu cho biết.

Qualcomm, Nvidia và các Cty sản xuất chất bán dẫn khác của Mỹ kiếm được phần lớn doanh thu ở Châu Á. Nếu họ không được phép bán cho Trung Quốc, họ sẽ mất một phần lớn lợi nhuận. Thậm chí tệ hơn: Huawei hiện sản xuất các chipset điện thoại thông minh như dòng Kirin cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm Qualcomm, và bộ xử lý Ascend cho máy chủ cạnh tranh với Nvidia. Theo một nhà phân tích Trung Quốc, Huawei có thể giảm 30% giá chipset của họ trong cuộc chiến giá cả với người Mỹ, đẩy họ ra khỏi thị trường Châu Á. Nhà phân tích này cho biết, trong trường hợp đó, Nvidia sẽ hết tiền sau 18 tháng và Qualcomm sẽ phá sản sau 24 tháng, buộc họ phải ngừng nghiên cứu và phát triển. Điều đó sẽ đánh dấu việc chấm dứt vai trò của Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn mà chính nước này đã tạo ra.

Được biết, lệnh cấm bán động cơ phản lực cho Trung Quốc sẽ được thảo luận tại cuộc họp nội các ngày 28-2 tới tại Washington. General Electric và các Cty khác của Mỹ đang vận động hành lang chống lại đề xuất này. Đề xuất này sẽ được cho là một nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc phát triển một công nghệ thông thường. Kết quả có thể dẫn đến việc Trung Quốc thay đổi đơn đặt hàng máy bay, từ Boeing chuyển sang Airbus. Điều này khiến Boeing, vốn đang đối mặt với những khó khăn tài chính sau sự sụp đổ của chương trình 737 Max, càng rơi vào thế khó.

Thất bại thảm khốc

Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra những tín hiệu mâu thuẫn về ý định của họ đối với Huawei, chẳng hạn như việc thiếu tính nhất quán tại Lầu Năm Góc về đề xuất các hạn chế đối với việc bán các linh kiện Mỹ cho Huawei. Nhà Trắng tin rằng, họ có thể khiến chính phủ Anh từ chối Huawei nhưng Washington thậm chí còn không nắm bắt được những gì đã xảy ra ngay cả sau khi London đưa ra quyết định bắt tay với Cty Trung Quốc. Điều này cho thấy sự thất bại thảm khốc về mặt tình báo của Mỹ.

Không những bán các thiết bị viễn thông chất lượng cao, giá rẻ cho các nhà cung cấp điện thoại di động của Anh, Huawei còn làm nhiều hơn thế. Cty này đã trở thành một phần của kết cấu kỹ thuật viễn thông của Anh bắt đầu từ năm 2011, khi họ thuê Giám đốc An ninh Thông tin của chính phủ Anh, John Suffolk, làm người đứng đầu doanh nghiệp tại Anh. Một giám đốc điều hành cấp cao của Huawei cho biết, mối quan hệ của Cty với Anh là tốt nhất trong số các quốc gia phương Tây. GCHQ, đối tác của Cơ quan An ninh Quốc gia Anh, thường yêu cầu những cải tiến và Cty Trung Quốc luôn kịp thời thực hiện.

Năm 2012, Thủ tướng Anh khi đó David Cameron đã hoan nghênh việc Huawei tuyên bố sẽ đầu tư 1,3 tỷ bảng tại Anh. Một báo cáo của Huawei cho thấy, năm 2018, Cty đã đầu tư 112 triệu bảng vào nghiên cứu và phát triển, sử dụng hơn 300 nhà nghiên cứu ở Anh. Huawei cũng hợp tác với 35 trường đại học và viện nghiên cứu của nước này. Huawei sử dụng 50.000 người nước ngoài, hầu hết là các nhà nghiên cứu, trong 20 trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới và trợ cấp cho hàng ngàn người khác. Đây là Cty đầu tiên của Trung Quốc tham gia vào giới tinh hoa khoa học và kỹ thuật của phương Tây và với sự giúp đỡ của họ, Cty đã trở thành mặt trận tiên phong về công nghệ.

Mỹ đã không nhìn thấy những điều này. Washington cũng không nhận thấy Trung Quốc đã đủ lực phát triển chất bán dẫn để sản xuất chip cao cấp của riêng mình và chẳng hề hấn gì với lệnh cấm xuất khẩu của Washington. Ông Trump rõ ràng đã phớt lờ những thách thức từ Trung Quốc cho đến khi quá muộn để ngăn chặn nó. Kết quả là Mỹ đang rơi vào thế bối rối có nguy cơ dẫn đến gián đoạn kinh tế nghiêm trọng.

AN BÌNH