Đang xây dựng các trường nghề chất lượng cao
(Cadn.com.vn) - Trao đổi với báo giới, ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Đến ngày 1-7-2015, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, chỉ tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp là rất cao. Nếu mục tiêu nói chung cho đào tạo nhân lực, giáo dục nghề nghiệp chiếm tới hơn 80%, đại học chỉ chiếm hơn 10%.
P.V: Việc ra đời của Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ giúp cải thiện về chất lượng lao động Việt Nam như thế nào trong thời gian tới?
Ông Dương Đức Lân: Chất lượng lao động là vấn đề quan trọng. Rất nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao thí sinh Việt Nam đi thi tay nghề có kết quả cao mà năng suất lao động lại thấp? Năng suất lao động do nhiều yếu tố quyết định (chất lượng lao động, môi trường làm việc, cơ chế...). Phần lớn lao động Việt Nam chưa qua đào tạo dẫn đến năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố giúp năng suất lao động cao phải nói đến đó là kỹ năng nghề. Chất lượng đào tạo hết sức quan trọng cần được đẩy mạnh nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với khu vực và quốc tế. Để tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng lao động là hết sức quan trọng. Chất lượng lao động quyết định năng suất lao động.
Đảng, Nhà nước ta đã xác định giai đoạn từ nay đến năm 2020 là đột phá chất lượng nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được hiểu ở đây không phải là nhân lực có bằng cấp cao mà nhân lực có chất lượng cao, bởi chất lượng cao và bằng cấp cao là hai câu chuyện khác nhau.
Thực hiện Quyết định 761 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, Tổng Cục Dạy nghề đang triển khai xây dựng các trường nghề chất lượng cao với 6 tiêu chí thách thức. Đồng thời, Tổng Cục Dạy nghề cũng đang chuyển giao 12 giáo trình đào tạo của Australia về. Sinh viên Việt Nam được đào tạo theo giáo trình này, khi tốt nghiệp sẽ được hai bằng chứng nhận của Việt Nam và Australia - điều này bảo đảm cho sự cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực. Đây là những bước đi đang dần được triển khai hướng đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập.
P.V: Trong bối cảnh đến cuối năm 2015 sẽ hình thành cộng đồng chung ASEAN, theo Tổng Cục trưởng, những nghề nào của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực?
Ông Dương Đức Lân: Cuối năm 2015, ASEAN trở thành cộng đồng chung, từ 10 thị trường sẽ trở thành một thị trường, dẫn đến sự di chuyển của lao động các nước và sự công nhận lẫn nhau về kỹ năng nghề. Các nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng của Việt Nam thời gian qua luôn ở top đầu và đã được các nước khác công nhận. Một số nghề khác phải kể đến như: cơ điện tử, xây gạch... Việt Nam hoàn toàn có thế mạnh cạnh tranh với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, một số nghề như nghề hàn, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng Việt Nam còn gặp khó khăn khi cạnh tranh với Thái Lan. Những nghề có khả năng di chuyển lao động trong khu vực là những nghề được tổ chức thi tại các Kỳ thi ASEAN. Đây cũng là thế mạnh của Việt Nam bởi nước ta có đội ngũ lao động trẻ, dồi dào.
P.V: Trân trọng cảm ơn Tổng Cục trưởng!
Phúc Hằng
(thực hiện)