Đất thiêng Côn Đảo

Thứ hai, 15/05/2017 11:10

* Bài 1: Mê đắm sắc hoa anh đào nhiệt đới

(Cadn.com.vn) - Ngày bé, ba tôi hay kể về người chú của tôi là chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và đày ra Côn Đảo từ những năm 1969-1970. Lúc ấy trong hình dung non nớt của tôi, Côn Đảo là một nơi xa xôi, mịt mù, thâm u, ảm đạm lắm, chắc có lẽ chẳng bao giờ có thể đến được. Sau đó, chú tôi được trao trả về đất liền, tiếp tục chiến đấu và hy sinh trước ngày miền Nam giải phóng. Cách đây vài năm, vì không sắp xếp được công việc, tôi đành lỡ hẹn với một người bạn chuyến ra Côn Đảo. Tôi cứ nghĩ Côn Đảo mãi vẫn trong dự định nếu không có may mắn được đi cùng đoàn cán bộ phụ nữ Công an TP Đà Nẵng đến vùng đất linh thiêng này trong dịp tháng 4 lịch sử vừa qua...

Những con đường Côn Đảo đẹp như tranh vẽ và vẻ đẹp mê đắm của hoa anh đào nhiệt đới.

Sau 50 phút cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), chuyến bay OV 8059 của Công ty bay dịch vụ hàng không Vasco (Vietnam Airlines)  đưa chúng tôi đến với Côn Đảo. Từ trên cao nhìn xuống, Côn Đảo hiện ra như một bức tranh tuyệt đẹp với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, xanh mướt, xung quanh là mặt biển lấp lánh những vệt trắng như được dát bạc khiến nhiều người lầm tưởng là những đàn cá lớn  đang bơi lội chấp chới. Máy bay hạ dần độ cao rồi tiếp đất ở đường băng ngay sát bờ biển. Những vệt sáng trên mặt biển bây giờ đã hiện rõ là những gợn sóng trắng nhấp nhô, đuổi nhau mải miết. Đường băng ở đây ngắn, chỉ chạy được một đoạn là đã lại ra đến... biển nên máy bay phải vòng lại một nửa quãng đường mới vào đến sân bay Côn Đảo. Sân bay khá nhỏ, trên đường băng lúc này có một máy bay khác đang chuẩn bị cất cánh nên nhiều chị trong đoàn muốn nán lại để  chụp ảnh kỷ niệm nhưng đều được các nhân viên sân bay nhắc nhở phải nhanh nhanh để đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Sân bay Côn Đảo còn có tên khác là sân bay Cỏ Ống, bởi ở gần đó có làng Cỏ Ống, là nơi có cư dân sinh sống đầu tiên ở Côn Đảo, thành lập cách đây hơn 200 năm, khi Nguyễn Ánh đem khoảng 50 hộ dân đi khai hoang vùng đất này.

Đón chúng tôi ở sân bay và đảm nhận vai trò là hướng dẫn viên trong suốt hành trình ở Côn Đảo là cô gái trẻ Nguyễn Thị Huỳnh Chi. Gia đình Chi sinh sống ở Côn Đảo đến nay đã là thế hệ thứ 4. Chi cũng sinh ra ở đây, lớn lên vào đất liền học ngành du lịch rồi quay lại đảo làm hướng dẫn viên Khu du lịch Sài Gòn-Côn Đảo (thuộc hệ thống Saigontourist). Ô-tô chạy khoảng 20 phút đưa chúng tôi về khách sạn ở trung tâm huyện Côn Đảo, cách sân bay khoảng 15km qua con đường độc đạo và cũng là đường đẹp nhất, dài nhất chạy từ đầu đảo đến cuối đảo dài 30km mang tên Tôn Đức Thắng. Đường vào trung tâm càng lúc càng đẹp với những hàng cây bàng đang khoe vẻ đẹp khỏe khoắn, mạnh mẽ bằng những lớp lá biếc xanh, chấp chới cùng với gió biển mơn man như chào đón du khách. Bàng ở đây rất nhiều, có cây mới trồng nhưng nhiều cây đã hàng trăm năm tuổi. Đặc sản của Côn Đảo mà du khách thường mang về đất liền là món mứt bàng, được làm từ nhân của hạt bàng. Huỳnh Chi cho biết, trước đây người dân thường đi nhặt quả bàng về đập lấy hạt làm mứt nhưng nay vì nhu cầu đặc sản nhiều nên người ta chọc cả quả tươi từ trên cây xuống chứ không đợi nó rụng.

 Ở Côn Đảo chỉ có một cấp hành chính duy nhất là huyện, không có cấp phường, xã. Đi đến bất cứ nơi nào trên đảo người dân cũng không cần phải gửi xe, Huỳnh Chi bảo nghề trông giữ xe ở đây bị thất nghiệp. Dọc đường đi, thỉnh thoảng nhiều người trên xe lại thốt lên ngạc nhiên khi bắt gặp một cây hoa rực rỡ bất ngờ xuất hiện. Cây hoa có dạng thân gỗ, cao đến vài mét, hoa màu tím phớt rất đẹp, có cây thấy toàn là hoa, lá ít hoặc không có. Huỳnh Chi giới thiệu với chúng tôi đó là hoa Anh đào nhiệt đới hay còn có tên khác là hoa đậu đào, thường nở rộ vào độ tháng 3 dương lịch. Sau khi lớp hoa này rụng thì đậu đào sẽ cho những chùm quả rất đẹp. Côn Đảo có tổng cộng 16 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 76.000km2, cách Vũng Tàu 97 hải lý, cách TP Hồ Chí Minh 230km. Ngoài cách đi bằng máy bay, du khách còn có thể đến Côn Đảo bằng tàu biển tại cảng Cát Lở, TP Vũng Tàu. Ngày biển êm nếu đi tàu từ đất liền ra Côn Đảo mất khoảng 12 tiếng, ngày biển động mất khoảng 14 tiếng, có khi hơn. Khó khăn là thế nhưng với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", du khách trong và ngoài nước đến với Côn Đảo mỗi năm càng tăng lên, đặc biệt là trong những ngày tháng Tư lịch sử, bước chân du khách muôn nẻo lại tìm về với Côn Đảo, mảnh đất đã ghi dấu bao đau thương của nhiều thế hệ người dân Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh.

K.T (còn nữa)