Dấu hiệu vàng, cơ hội vàng

Thứ sáu, 17/06/2016 10:49

(Cadn.com.vn) - Sau 2 năm vắng bóng với cảm giác giống như một sự tẩy chay, các nhà lãnh đạo Châu Âu và những giám đốc điều hành các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu đang rục rịch trở lại Nga.  Theo các nguồn tin, họ háo hức đến Nga để tham dự hội nghị kinh tế hàng đầu của nước này - Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg - (bắt đầu vào ngày 16-6), để tận dụng cơ hội này trở lại làm ăn với các đối tác Nga.

Mỹ và Châu Âu đổ lỗi cho Nga trong việc bán đảo Crimea sáp nhập về với Moscow hồi tháng 3-2014 và cáo buộc Điện Kremlin hỗ trợ cho phiến quân nổi dậy ở miền đông Ukraine. Mượn cớ này, phương Tây đã áp đặt trừng phạt kinh tế và đá Nga ra khỏi nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G8 (hiện nay chỉ còn lại G7).

Tuy nhiên, khi Nga đang ngày càng chứng tỏ vị thế địa chính trị quan trọng của mình và sức hấp dẫn của nền kinh tế, Châu Âu dường như cảm thấy tiếc nuối. Diễn đàn Kinh tế St Petersburg - hay còn gọi là - diễn đàn Davos của Nga - gợi cho các nhà lãnh đạo Châu Âu cảnh tượng đau đớn trong hơn 2 năm qua: các nhà lãnh đạo Châu Âu và người đứng đầu của các tập đoàn lớn từng có những dự án sinh lợi lâu dài tại nước Nga nhưng giờ đã mất hút.

Việc giới lãnh đạo chính trị và các tập đoàn đang đổ xô đến Nga trong năm nay là dấu hiệu rõ ràng về sự nổi lên của một phong trào trong EU muốn nới lỏng các lệnh trừng phạt Nga. Bởi những biện pháp chế tài này không chỉ tác động đến nền kinh tế Nga, mà còn dẫn đến những biện pháp trả đũa của Moscow, theo đó cấm nhập khẩu thịt, rau quả và các sản phẩm từ sữa từ EU, gây tổn hại nghiêm trọng đến những quốc gia phụ thuộc vào nông nghiệp như Hy Lạp.

Đáng chú ý là việc Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Italia Matteo Renzi sẽ có bài phát biểu tại sự kiện trên vào ngày 17-6. Ông Jean-Claude Juncker là quan chức EU cao cấp nhất đến thăm Nga kể từ khi sau vụ sáp nhập Crimea. Trên thực tế, Moscow đang tìm cách duy trì mối quan hệ tốt với Rome. Trong khi Tổng thống Putin hầu như bị đối xử khá lạnh nhạt ở các nước Châu Âu khác, ông được chào đón đến Italia, hội đàm với các nhà lãnh đạo Italia và Đức Giáo hoàng Francis. Trong cuộc họp vào tháng 10-2015, Thủ tướng Renzi đón Tổng thống Putin và gọi ông "nhà lãnh đạo thân yêu" của Nga và cũng không chỉ trích Nga về vấn đề Ukraine.

Moscow đang nỗ lực để chứng tỏ cho các chính trị gia Châu Âu thấy rằng, họ đã thất bại trong việc thuyết phục các doanh nghiệp để phá vỡ mối quan hệ với Nga. Moscow đang thành công khi để những nước tự áp đặt các biện pháp trừng phạt, phải tự quyết định những gì cần phải làm để phá vỡ tình trạng bế tắc do chính họ tạo ra. Và thật sự, nhiều nước Châu Âu cũng đã quá mệt mỏi với các biện pháp xử trừng phạt nhằm vào Moscow của EU.

Thanh Văn