Dầu mỏ - trò chơi chính trị của Saudi Arabia
(Cadn.com.vn) - Saudi Arabia đang chơi trò chơi chính trị với dầu, buộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) duy trì mức sản xuất hiện tại ở 30 triệu thùng/ngày, từng bước khiến giá dầu giảm xuống.
Hiện giá dầu giảm 35%, xuống còn 66 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 5-2010. Câu hỏi đặt ra là tại sao Saudi Arabia khiến các thành viên OPEC khác rơi vào nguy hiểm, đồng thời làm suy yếu tổ chức và loại bỏ khả năng sử dụng nó trong tương lai phục vụ lợi ích. Đó là trò chơi về lâu dài sẽ gây ra một số tác hại đối với Saudi Arabia, nhưng đó không phải là vấn đề họ nghĩ tới.
Kể từ những cú sốc dầu đầu tiên sau Chiến tranh Trung Đông năm 1973, Saudi Arabia hiểu rõ vai trò trong các vấn đề khu vực và trên thế giới bằng cách mở hay bật các van dầu. Nhưng gần đây, khi Mỹ tăng mức sản xuất dầu, nhiều người cho rằng, Saudi Arabia sẽ cắt giảm nguồn cung dư thừa để duy trì cán cân cân bằng. Nhưng Riyadh làm điều ngược lại.
Căng thẳng với Iran
Nhiều chuyên gia nói về cuộc chiến tranh lạnh giữa Saudi Arabia và Iran, bởi trong mọi vấn đề của khu vực, sức mạnh của quốc gia Hồi giáo được xem là thất bại của Riyadh.
Trong bối cảnh Mỹ và Châu Âu đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran nhằm đạt thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, điều này khiến Saudi Arabia lo lắng. Đối với “ông vua dầu mỏ”, Tổng thống Hassan Rouhani “ôn hòa” là biểu hiện thân thiện của chế độ đang tìm cách thống trị Trung Đông, và đang cố gắng để được thế giới chấp nhận. Tầm với của Iran trên khắp khu vực Trung Đông khiến Riyadh lo lắng, thậm chí còn nhiều hơn chương trình hạt nhân.
Tình hình tồi tệ ở biên giới nam và đông Saudi Arabia, phiến quân Shitte ở Yemen, và những người biểu tình ở Bahrain, càng cho thấy, Riyadh đang bóp nghẹt bởi sức mạnh của Iran từ tất cả các bên.
Saudi Arabia vẫn đứng vững dù giá dầu giảm. Ảnh: Wochit |
Phản công
Trong bối cảnh hỗn loạn mà từ đó dường như Iran đang có lợi thế rất lớn, Saudi Arabia quyết định phải phản công. Không muốn bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu quân sự với Iran, Riyadh tìm kiếm những cách khác để đối đầu với Iran.
Cách dễ dàng nhất có thể làm là tấn công vào túi tiền của Tehran. Nền kinh tế của Iran là phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ - chiếm khoảng 60% doanh thu xuất khẩu và cung cấp 25% tổng GDP vào năm 2013. Lún sâu vào cuộc chiến ở Syria và Iraq, Iran đang chi hàng triệu USD/tháng để duy trì hoạt động ở 2 quốc gia, trong khi vẫn nỗ lực xoa dịu tình trạng bất ổn tiềm tàng trong nước.
Ngoài ra, Riyadh còn có cơ hội đối phó Nga, đồng minh của ông Assad, bằng cách hạ giá dầu và làm tổn thương nguồn doanh thu dầu mỏ của Moscow, trụ cột chính đang chống đỡ nền kinh tế run rẩy. Giá dầu giảm khiến giá trị của rouble của Nga cũng giảm mạnh 35% kể từ tháng 6.
“Giết chết 2 con chim với 1 hòn đá” có vẻ là chính sách thông minh, đặc biệt là đối với Saudi Arabia, vốn tránh những đụng độ quân sự không mong muốn.
Nguồn tiền dự trữ lớn
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào Saudi Arabia có thể tiếp tục chơi trò này? Nếu giá dầu tiếp tục giảm, họ có thể phải suy nghĩ lại chiến lược của mình.
Tuy nhiên, vương quốc này đang có 741 tỷ USD dự trữ tiền tệ và công bố thặng dư 15 tỷ USD vào cuối năm tài chính vừa qua, do đó Riyadh có thể bù được khoản thâm hụt ngân sách trong vài năm. Bên cạnh đó, các hợp đồng mua vũ khí gần đây được hoàn thành và chi tiêu quốc phòng của Saudi Arabia được dự báo sẽ giảm trong 2-3 năm tới. Riyadh có dư tiền để làm những việc khác. Mặc dù vậy, “vũ khí dầu” không thể đảo ngược một số vấn đề quan trọng mà khu vực đang đối mặt.
An Bình
(Theo BBC)