Dạy và học trực tiếp
Những ngày qua, một số địa phương đã cho phép học sinh tiểu học và THCS trở lại trường, một vài địa phương khác như Khánh Hòa, Bình Thuận cũng cho học sinh đến trường trong ngày 18-10. Nếu mưa lũ trên địa bàn không diễn biến xấu, Đà Nẵng cũng sẽ đồng ý cho học sinh tiểu học xã miền núi Hòa Bắc và học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương đến lớp trong những ngày tới.
Học sinh miền núi Quảng Ngãi đo thân nhiệt trước khi vào trường.
Đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ càng ngày càng có nhiều “vùng xanh”, học sinh có thể gặp lại thầy cô, bạn bè và được học hành đúng nghĩa. Đây cũng là “thời gian vàng” để đón học sinh trở lại trường trong bối cảnh cho phép bởi cũng là thời điểm chuẩn bị thực hiện kiểm tra giữa kỳ. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 cũng khiến không ít phụ huynh và chính quyền phân vân. Lần đầu tiên, các trường học trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) và Lâm Thao, Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) đã xuất hiện nhiều ca mắc COVID- 19 đồng thời chỉ trong thời gian ngắn đã gia tăng đến 2 con số.
Tại Quảng Nam, trước biến cố đáng lo này, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Thanh Quốc đã chủ trì họp trực tuyến với tất cả trường THPT và 18 phòng GD-ĐT trên địa bàn toàn tỉnh nhằm triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép để duy trì việc dạy học song song với việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học. Đặc biệt, với các trường tổ chức bán trú, nội trú, việc sinh hoạt ăn ở, học tập của học sinh phải đảm bảo chia theo khung giờ hợp lý, lớp cách ly lớp, phòng cách ly phòng; tăng cường công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm…
Tại địa bàn lân cận, tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép học sinh nhiều huyện miền núi đến trường. Trong số này, Trường Tiểu học Long Mai (huyện Minh Long) tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 27-9. Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Mai Nguyễn Thị Tuyền, trường đã tăng cường công tác vệ sinh, khử khuẩn trong trường học và tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh thực hiện nguyên tắc phòng dịch 5K. Tất cả học sinh sử dụng bình nước uống cá nhân. Trong suốt buổi học, giáo viên và học sinh đều mang khẩu trang.
Trường cũng chủ động đo thân nhiệt ngay tại cổng trường, bố trí thêm nhiều khu vực rửa tay sát khuẩn cho giáo viên và học sinh. Tại Trường PTDT Bán trú THCS Trà Sơn (huyện Trà Bồng), công tác phòng dịch được nhà trường thực hiện nghiêm ngặt. Thay vì 4 khối học cùng một buổi, trường chia làm 2 ca. Giáo viên ở ngoài huyện thực hiện 3 tại chỗ để dạy học. Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Trà Sơn Đỗ Thị Lệ chia sẻ: “Hằng ngày, nhà trường cử 4 giáo viên, nhân viên đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho học sinh ngay tại cổng trường. Trường cũng cấp khẩu trang, kính chống giọt bắn cho học sinh, phân luồng học sinh khi đến trường và giờ ra về”.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 6 huyện triển khai dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, vào ngày 11-10, huyện Mộ Đức đã xuất hiện các ca F0 trong trường học nên chuyển sang dạy học trực tuyến, còn 5 huyện miền núi đang là “vùng xanh” vẫn duy trì việc dạy học trực tiếp.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Tâm, Sở này luôn bám sát diễn biến tình hình dịch COVID- 19 để phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kịp thời trong công tác dạy học. Riêng khối tiểu học và THCS giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố nắm sát tình hình, có chỉ đạo cụ thể với các trường học trên địa bàn. “Với những địa phương mà tình hình dịch ổn định thì tiếp tục cho học trực tiếp. Địa phương có nguy cơ thì dừng ngay việc học trực tiếp để chuyển sang học trực tuyến”, ông Tâm nói.
Dịch bệnh COVID- 19 ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, địa bàn miền Trung không nằm ngoài thực tế ấy, nhất là khi đông đảo người dân làm ăn tại TPHCM và các tỉnh phía Nam trở về quê. Chính vì vậy, việc quyết định cho học sinh trở lại học trực tiếp cần được cân nhắc kỹ, khi đã đủ các điều kiện và phương án phòng chống dịch xâm nhập vào môi trường giáo dục, nơi tập trung số lượng lớn công dân ở độ tuổi chưa tiêm vaccine ngừa COVID. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm phòng chống dịch trong các trường học không chỉ riêng ngành Giáo dục, mà phải là của chính quyền các cấp, của phụ huynh. Cần thiết, phải bố trí cán bộ y tế có chuyên môn hỗ trợ. Có như vậy công tác phòng chống dịch trong cộng đồng nói chung, trong trường học nói riêng mới triệt để, đảm bảo thầy trò các trường yên tâm dạy và học.
T.S