Để hào khí Cư Drăm mãi còn vang

Thứ tư, 03/07/2019 13:18

Nằm cách xa trung tâm tỉnh lỵ Đăk Lăk 90 km về phía đông nam, những con người của núi rừng Krông Tul ngày ấy, xã Cư Drăm (H. Krông Bông) ngày nay, đã để lại bao dấu ấn về những chiến tích của một thời máu lửa, cùng với sự đổi thay sau 32 năm thành lập xã.

Ký ức hào hùng

Năm 1960, mặc dù sống trong vùng địch hậu, nhưng đồng bào Cư Drăm đã bất chấp mọi hiểm nguy, che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, xây dựng hoàn thành Trạm giao liên T3 (ở Yang Hăn), nối liền tuyến hành lang chiến lược Trường Sơn - Khánh Hòa, tạo bước ngoặc để Đảng bộ Tỉnh lãnh đạo phong trào đồng khởi ở vùng 4B5 giành thắng lợi . Ngày 13-2-1961, Cư Drăm là một trong 3 xã thuộc vùng 4 B5 đứng lên "diệt ác phá kìm", giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất ở phía nam tỉnh Đăk Lăk. Kể từ đó cho đến ngày thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ B5 (H9-Krông Bông sau này) Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Cư Drăm đã vượt qua muôn trùng khó khăn, đương đầu với cuộc chiến tranh hủy diệt tàn khốc nhất trong lịch sử, xây dựng và bảo vệ vững chắc vùng căn cứ địa cách mạng...

Ông Y Mươi Byă ở buôn Cư Drăm nhớ lại: Năm 1965, sau nhiều lần dồn dân vào ấp chiến lược bất thành, địch đã dùng máy bay thả bom thảm sát hơn một nửa số dân thường, nhưng đồng bào vẫn nêu cao khẩu hiệu lúc bấy giờ là: "Giang sơn chuyển mình, Krông Năng dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương". Còn ông Ama Khoát ở buôn Chàm cho biết: Từ năm 1962 đến năm 1972 với quy mô từ cấp đại đội đến tiểu đoàn, địch tổ chức hàng chục trận càn quét vào trong buôn, đi đến đâu chúng đốt sạch, phá sạch hết nhà cửa, nương rẫy của đồng bào, khi rút quân chúng gài mìn, lựu đạn làm nhiều dân thường bị vướng chết hoặc thương tật suốt đời, nhưng với khát vọng "độc lập, tự do", đồng bào đã vượt 20km đường rừng sơ tán vào sâu trong chân núi Yang Hăn, lập làng chiến đấu, tiếp tục sản xuất và chi viện ra tiền tuyến.

Những người con núi rừng Cư Drăm còn viết vào trang sử vẻ vang của dân tộc với những cái tên như: ông Y Dhung Niê du kích bắn rơi 1 máy bay vận tải (tháng 9-1969) và bắn bị thương 1 máy bay trực thăng (tháng 8-1971), ông Ama Rué dùng tên tẩm thuốc độc bắn chết 1 tên Mỹ (1962), cả 2 ông được Tỉnh tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua, dấu ấn đó còn được ghi lại từ những trận chống càn, điển hình như: tháng 3-1971 địch đi càn vào buôn Cư Drăm, suốt 3 ngày đêm chiến đấu, lực lượng du kích đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, khiến chúng phải dùng 4 máy bay trực thăng để tải thương, hoặc trận đánh hồi tháng 8-1971 ở Tơng Riêng (suối Ea Bar) địch bị thương vong nhiều phải dùng 5 máy bay trực thăng tải thương... Dù vẫn còn phải "lấy rễ tranh làm muối, lấy củ rừng thay cơm" nhưng đã có 2 gia đình đóng góp 2 con voi cho cách mạng để vận chuyển lương thực, vũ khí...

Dấu ấn đổi thay

Kết thúc chiến tranh, bước vào công cuộc tái thiết quê hương Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Cư Drăm đứng trước biết bao khó khăn, thử thách. Với xuất phát điểm rất thấp, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lại ảnh hưởng tập quán "phát, đốt, chọc, tỉa", cơ sở hạ tầng thiết yếu hoàn toàn không có, ốm đau, dịch bệnh, thiếu đói giáp hạt vẫn thường xảy ra. Nhưng với quyết tâm chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, cùng với sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, Đảng bộ xã đã tích cực vận động bà con định canh, định cư, xóa bỏ tập tục canh tác lạc hậu, hoạch định từng chương trình mục tiêu cụ thể. Đến năm 1988, xã đã hoàn thành công tác định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Từ một xã chủ yếu sản xuất trên nương rẫy, đến nay đã có 3 công trình thủy lợi tưới cho 223ha ruộng nước 2 vụ, thiết chế văn hóa, hạ tầng cơ sở nông thôn từng bước được xây dựng; bình quân thu nhập đầu người đạt 17 triệu đồng/năm, tăng gấp 11 lần so với năm 1987.  Ngoài ra, số nhà ở kiên cố và bán kiên cố chiếm 70%, đến nay có 98% số hộ dân thuộc 12/12 thôn, buôn sử dụng điện lưới quốc gia, đời sống nhân dân từng bước cải thiện, an sinh, xã hội được bảo đảm. Thành quả đó, không chỉ ấn tượng về con số tăng trưởng kinh tế mà đến với Cư Drăm hôm nay, là sự khởi sắc của một vùng quê. Từ những ngôi trường khang trang, đường làng được bê tông có điện thắp sáng ban đêm đến việc hoàn thành tuyến đường tỉnh lộ nối với H. MĐrăk là động lực thúc đẩy sự phồn thịnh của Cư Drăm trong tương lai.

Còn đó những trăn trở

Bà Niê Thanh Trang - Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Drăm chia sẻ, tuy nhiều đổi thay là thế nhưng vẫn còn đó nhiều điều trăn trở. Tình trạng gia tăng dân số quá nhanh năm 1987 khi  thành lập xã chỉ có 971 khẩu đến 2019 tăng lên 9.741 khẩu, dân di cư ngoài kế hoạch đến xã vẫn chưa dừng lại, năm 1996 chỉ có 689 người, nhưng đến nay đã tăng lên 5.060 người. Hầu hết họ cư trú ở những nơi xa xôi hẻo lánh, nhiều thôn cách xa trung tâm xã  từ 15 đến 22km, nên việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hạ tầng cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người tăng lên nhưng khoảng cách chênh lệch giữa các vùng còn cao, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 41,72%. Trên địa bàn xã chưa có nhà máy, xí nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua hàng hóa nông sản cho người dân, thanh niên lớn lên không có đủ việc làm, phải đi nơi khác làm công kiếm sống. Con đường tỉnh lộ dẫn đến trung tâm xã lại đang xuống cấp từng ngày, đó chính là những rào cản, khiến cho việc triển khai thực hiện "mỗi địa phương, một sản phẩm" còn lắm gian nan. Vì vậy, để tạo động lực cho Cư Drăm "cất cánh" xứng tầm là trung tâm cụm 3 xã căn cứ của huyện, rất cần Nhà nước có những cơ chế đặc thù để xã thu hút đầu tư trong thời gian đến.

Mai Viết Tăng