Đến lượt Nhà Trắng nổi sóng

Thứ bảy, 17/12/2016 14:19

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Mỹ sẽ trả đũa vụ Nga tấn công mạng sau khi Nhà Trắng cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công này nhằm gây ảnh hưởng kết quả bầu cử Mỹ. Tất nhiên, Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

Nhà Trắng ngày 16-12 đã đụng độ với nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump xung quanh những cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ để mang về chiến thắng cho ông Trump.

Những tuyên bố bác bỏ mạnh mẽ của Tổng thống đắc cử Trump đối với cáo buộc của Cục Tình báo Trung ương (CIA) nhằm vào Nga đánh động mạnh mẽ đến Nhà Trắng, gây ra những rạn nứt giữa hai chính quyền chuyển đổi ngay tại thời điểm nhạy cảm như thế này. Và còn nguyên nhân khác khiến Nhà Trắng lớn tiếng về vấn đề này: đảng Dân chủ chỉ trích Nhà Trắng phản ứng quá chậm trước những cuộc tấn công mạng từ Nga trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và người chuẩn bị kế nhiệm Donald Trump bùng nổ tranh cãi gay gắt quanh cáo buộc Nga tấn công mạng để thay đổi kết quả bầu cử Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong tuyên bố cho thấy sự giận dữ và khó chịu trước sự việc này, Tổng thống Obama nhấn mạnh, Mỹ sẽ trả đũa hành động tấn công mạng của Nga. Trước đó, Nhà Trắng chỉ rõ, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan trực tiếp đến các vụ tấn công mạng trên. Tổng thống Obama dự kiến sẽ trả lời các câu hỏi về vụ việc này tại cuộc họp báo vào chiều 16-12 (sáng 17-12, giờ Việt Nam) trước khi đi nghỉ tại Hawaii.

Chính quyền ông Trump sẽ mềm mỏng với Israel?

Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 16-12 đã chọn ông David Friedman, nhân vật chỉ trích gay gắt giải pháp hai nhà nước Israel-Palestine, là đại sứ tiếp theo của Mỹ tại Israel.

Theo BBC, ông Friedman là người cố vấn chiến dịch cho ông Trump trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ. Ông là người ủng hộ đặt Đại sứ quán Mỹ tại Israel ở Jerusalem và mạnh mẽ ủng hộ việc mở rộng các khu định cư tại khu Bờ Tây bị Israel chiếm đóng. Vị luật sư 57 tuổi này còn mạnh mẽ chỉ trích mục tiêu lâu nay của Mỹ về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Giới quan sát cho rằng, việc lựa chọn ông Friedman cho thấy khuynh hướng bắt tay thân thiết hơn với Tel Aviv của chính quyền ông Trump sau thời gian dài hai nước căng thẳng dưới thời Tổng thống Barack Obama.

T.Nguyên

Ông Ben Rhodes, Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Obama cũng khẳng định, Tổng thống Putin là người chịu trách nhiệm chính thức cho những hành động của chính phủ Nga. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cũng làm leo thang những tranh cãi trong thời kỳ chuyển giao khi cho rằng, rõ ràng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ để mở ra cơ hội chiến thắng cho ông Trump. Ông Earnest bác bỏ phản ứng của Tổng thống đắc cử về báo cáo tình báo của CIA và cho rằng, ông Trump khuyến khích Nga tấn công mạng nhằm vào đối thủ bởi vì ông tin điều đó sẽ có lợi cho mình.

Cho đến nay, Tổng thống đắc cử Trump vẫn kiên quyết bác bỏ những cáo buộc chống lại Nga của tình báo Mỹ. Moscow cũng bác bỏ những cáo buộc  này. Ngày 16-12, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã gửi đến người đồng cấp Mỹ Obama “một phản hồi thực sự rõ ràng” về cáo buộc của Washington. Trước đó, Tổng thống Putin cũng cho rằng, Mỹ đưa ra những cáo buộc này nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nóng bỏng ở nước này.

Những tranh cãi về cáo buộc Nga tấn công mạng đang đẩy hai phe “ra-vào” Nhà Trắng trở lại cuộc chiến đầy cay đắng mà ông Obama tìm cách né tránh. Mâu thuẫn leo thang, vượt xa những diễn biến căng thẳng giữa nhóm chuyển giao của ông Obama và chính quyền Tổng thống George. W. Bush vào năm 2008. Diễn biến này càng gây nhiều lo ngại bởi nó bùng nổ trong bối cảnh Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama tuyên bố tìm cách duy trì mối quan hệ thân thiện với ông Trump để không gây ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của người kế nhiệm.

Kể từ sau cuộc bầu cử mang lại chiến thắng cho ông Trump, Tổng thống Obama và các trợ lý cẩn thận tránh lặp lại bi kịch thời kỳ chuyển giao năm 2008, nhấn mạnh sự chuyển giao quyền lực chuyên nghiệp và không thiên vị chính trị. Cùng với những tranh cãi quanh cáo buộc về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử vừa qua, ông chủ Nhà Trắng hiện nay và một số phụ tá hàng đầu được cho là bị kích thích khi có tin cho rằng, ông Trump sẽ quay lưng lại với tất cả những di sản của người tiền nhiệm Obama, nhà lãnh đạo vẫn không muốn làm mếch lòng người kế nhiệm khi ông tiếp tục tham vấn qua điện thoại với ông Trump.

Những cuộc điện đàm giữa ông Obama và ông Trump vẫn diễn ra, trong đó nhấn mạnh các công việc thực tế trong quá trình chuyển giao quyền lực. Nhưng những tranh cãi bùng lên cho thấy sự chia rẽ sâu sắc và đáng lo ngại tại cửa ngõ Nhà Trắng.

Khả Anh