Đi tìm đồng đội ở Biệt khu 24

Thứ bảy, 16/07/2016 11:01

(Cadn.com.vn) - 44 năm sau trận đánh vào TX Kon Tum, đặc biệt là Biệt khu 24 năm 1972, nhiều thân nhân, đồng đội của liệt sĩ vẫn day dứt nỗi đau. Liệu các liệt sĩ có được quy tập và an táng vào nghĩa trang hay còn đâu đó dưới lớp đất sâu?

Bi tráng Biệt khu 24

Sinh thời, Thượng tướng AHLLVTND Nguyễn Chơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN mỗi lần nhắc đến trận đánh ở TX Kon Tum thường rơm rớm nước mắt. Thượng tướng cũng luôn nhắc nhở chỉ huy Sư đoàn 2 thường xuyên hương khói các liệt sĩ ở Kon Tum. Đây là trận trên cương vị Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, ông đã trực tiếp chỉ huy cùng với các đơn vị của Mặt trận B3. Biệt khu 24 cũng được ông suy ngẫm trong các cuốn sách của mình về bài học kinh nghiệm chiến trường. Theo Thiếu tướng Phan Thanh Dư, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141, thuộc Sư đoàn 2, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 579 thì nguyên nhân ta không thắng dứt điểm ở Biệt khu 24 là đã hết yếu tố bất ngờ. Do dừng lại để diệt Pleicần, rồi tiếp tục mở đường để đưa xe pháo vào chiến đấu thị xã đến gần một tháng sau nên lợi dụng cơ hội này, địch đã kịp củng cố lại thế trận phòng thủ của chúng ở Kon Tum, đổi quân và tăng cường hỏa lực, đặc biệt là dùng B.52 với tần suất dày đặc rải thảm. Thiếu tướng Phan Thanh Dư nhớ lại: "Theo mệnh lệnh của Mặt trận, Trung đoàn 1 và các tiểu đoàn trực thuộc đánh hướng chủ yếu vào Biệt khu. Trung đoàn 141 chúng tôi đánh vu hồi, có nhiệm vụ chiếm bờ nam sông Đắc Blà, khu hành chính sau đó đánh thọc sâu chiếm sân bay Kon Tum. Nhưng mới chiếm được 2/3 sân bay thì bị xe tăng ngụy chặn lại. B.52 rải bom không ngớt. Sau 6 ngày chiến đấu ác liệt, giằng co, Trung đoàn được lệnh rút ra ngoài. Đơn vị tôi bị thương 200 người, hy sinh gần 100 CBCS...".

CCB Trương Văn Minh, nguyên trinh sát Trung đoàn 1, hiện ở xã Tam Hiệp, H. Núi Thành (Quảng Nam) kể: "Chúng tôi đi cùng đại đội B72 (hỏa tiễn tầm thấp) tiến vào phía đông Biệt khu 24 với nhiệm vụ dọn đường. Nhưng tối đó lực lượng bị lộ. Bom B.52 thả trúng ngay đội hình, gần 30 chiến sĩ ngã xuống. Anh em khiêng các liệt sĩ chôn ở Đồi Dù 3 hàng dài, cách nơi hy sinh khoảng 600-700 m. Tổn thất đầu tiên này làm chậm bước tiến của Trung đoàn 1. Ngày 26-5, đơn vị đánh vào cửa mở phía đông bắc Biệt khu, nơi đây có 9 lớp rào bố trí mìn dày đặc. Đại liên địch từ lô cốt đầu cầu bắn ra tới tấp. Đại đội 1 của Tiểu đoàn 1 hy sinh gần hết. Một số đồng chí tiếp tục vượt lửa đạn tiến vào mở đường cho cả Trung đoàn tràn lên. 5 chiếc xe tăng của ta cũng bắt đầu xung trận nhưng do lòng hào nhiều đồng chí ta hy sinh, có đoạn chồng thành lớp buộc phải dừng lại để vén xác lên các thành hào mới có thể đi tiếp nên hiệu suất không cao. Chúng tôi lọt vào Biệt khu 24 và quần nhau với địch từ các hầm hào hàng tuần liền, chủ yếu là đánh ban đêm. Đã bắt đầu mùa mưa, nước xâm xấp, nhiều thương binh trong hầm hy sinh vì bị nhiễm trùng. Đầu tháng 6, Trung đoàn 66 tham gia tiến công Biệt khu nhưng cũng không dứt điểm được. Sau đó ta dùng nghệ thuật thông tin đánh lừa địch và bí mật rút vào đêm ngày 5-6. Thương binh được đưa về tuyến sau cứu chữa, có số hy sinh ngay trong trạm phẫu thuật".

Mộ liệt sĩ có tên của Sư đoàn 2 ở Nghĩa trang tỉnh Kon Tum.

Đi tìm đồng đội sau chiến tranh

Theo CCB Trương Văn Minh, tháng 6-1976, một năm sau ngày giải phóng, Sư đoàn 2 đã thành lập đội quy tập với quân số tương đương một trung đội đi tìm liệt sĩ ở Kon Tum. Phía Sư đoàn có đồng chí Bân, Chủ nhiệm Hậu cần, Trung đoàn 1 có đồng chí Chất, Cầu, Minh và nhiều chiến sĩ khác ở các đơn vị Sư đoàn. Những người đi cất bốc đều đã trải qua chiến đấu ở TX Kon Tum nên nắm khá rõ từng vị trí bộ đội hy sinh. Đội chuẩn bị vải, túi ni-lon, dụng cụ rà mìn. Mọi người quy tập từ vùng ven thị xã rồi đi sâu vào trong Biệt khu, miệt mài cả tháng trời, cất bốc bằng hết. Một số liệt sĩ có tên được đội giữ gìn cẩn  thận. Có những hầm, anh em không cầm được nước mắt khi thấy các bộ hài cốt đều trong tư thế chết ngồi. Mỗi liệt sĩ được gói vào một mét vải và một mét ni-lon chứ không có hòm quách. Kết thúc đợt công tác, vì lúc này chưa có nghĩa trang tỉnh, nên đơn vị làm việc với TX Kon Tum (hiện nay là thành phố), xin khu đất không xa Biệt khu 24 và chôn cất các liệt sĩ. Tính ra có chừng 400- 500 bộ hài cốt được an táng ở đây. CCB Trương Văn Minh khẳng định con số như vậy và khắc ghi suốt hơn 40 năm qua, dù không ghi vào sổ sách. Thời gian đã lâu, ông không nhớ cụ thể người đã nhận bàn giao trông coi khu mộ để có thể nêu tên chính xác.

Tại Sở LĐ-TB & XH tỉnh Kon Tum, ông Phạm Châu Tuệ, Trưởng phòng Người có công của Sở và nhân viên của Sở rất tận tình giúp chúng tôi tác nghiệp. Ông Tuệ cho biết, nghĩa trang tỉnh Kon Tum được xây dựng sau ngày giải phóng, hiện có 2.075 mộ có tên và vô danh, trong số này có  Sư đoàn 2. Bản chép tay từ năm 1998 được viết rất cẩn thận của cơ quan chính trị Sư đoàn 2 do Thượng tá Nhâm Gia Thát ký về số CBCS Sư đoàn 2 hy sinh ở tỉnh Kon Tum thể hiện khá rõ tên, năm sinh, nguyên quán, cha, mẹ, ngày hy sinh và hy sinh trong từng hoàn cảnh. Lọc trong đó, số hy sinh ở TX Kon Tum tính từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 là 575 liệt sĩ. Họ hy sinh trên đường hành tiến, đánh trung tâm Biệt khu 24, khu hành chính, phía bắc sân bay, trên đường rút lui và ở hậu cứ. Riêng số liệt sĩ của Quân đoàn 3 do nằm rải rác trong nhiều bộ danh sách nên chúng tôi không thống kê chính xác được.

Đối chiếu với số liệt sĩ của Sư đoàn 2 hy sinh ở TX Kon Tum được lưu trên giấy tờ và lời kể sau chuyến quy tập của CCB  Trương Văn Minh là có cơ sở. Tuy nhiên điều các CCB và người thân liệt sĩ chiến đấu trận này băn khoăn là liệu số hài cốt đội quy tập của Sư đoàn chôn cất ở thành phố Kon Tum năm 1976 có được dời hết vào nghĩa trang tỉnh hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Cao Cường nguyên cán bộ chính sách lâu năm (nay đã nghỉ hưu) của Sở LĐ-TB & XH tỉnh Kon Tum nói rằng, khi nghĩa trang Kon Tum được thành lập, tỉnh đã cất bốc hết mộ ở các phường trong thị xã về. Dù không trực tiếp chứng kiến sự kiện bốc mộ của Sư đoàn 2, nhưng ông tin rằng tất cả đã được đưa vào nghĩa trang. Nếu không thì không thể có tên 100 liệt sĩ ở đây được (chúng tôi đã có trong tay bản danh sách này). Còn CCB Hoàng Trọng Cầu, nguyên Chính trị viên Thị đội Kon Tum thì khẳng định rằng suốt thời gian ông làm chỉ huy ở Thị đội thì không thấy khu mộ của Sư đoàn 2 nữa, điều này cho thấy mộ đã được di dời sớm.

Chúng tôi đến P. Duy Tân, TP Kon Tum thăm nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ do tỉnh xây dựng từ tháng 4-1997 để tưởng nhớ các liệt sĩ đánh TX Kon Tum. Nơi đây khắc tên 250 liệt sĩ hy sinh từ ngày 15-5 đến 3-6-1972, cao điểm nhất là ngày 26-5. Có lẽ con số này chưa đầy đủ do người cung cấp chưa nắm hết. Khu mộ bằng đá Granite 100 liệt sĩ Sư đoàn 2 ở nghĩa trang tỉnh Kon Tum nằm lô 11 được ghi khá tỉ mỉ tên, tuổi, nguyên quán, chức vụ, đơn vị và ngày hy sinh. Đó là nhờ trước đây mỗi trường hợp hy sinh đều được đồng đội liệt sĩ ghi thông tin vào lọ penixilin, hoặc trên miếng gỗ, tôn. Năm 1976,  những người làm công tác quy tập đã dùng đinh khắc thông tin cũ trên tôn hột mè cắm vào các mộ, nhờ thế tên tuổi không bị mất. Xung quanh khu 11 rất nhiều mộ vô danh. Có thể hàng trăm chiến sĩ của Sư đoàn 2 chưa có tên đã được nằm trong các bia mộ ấy.

44 năm đã trôi qua, chúng tôi thiết nghĩ nên có các hoạt động tri ân anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở TX Kon Tum và các cuộc hội thảo về trận đánh hoặc tổ chức giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ bằng các hình thức ý nghĩa. Đặc biệt, cần tạo điều kiện hơn nữa để các gia đình liệt sĩ biết đầy đủ về trận đánh và công tác hậu phương quân đội sau trận đánh để Biệt khu 24 không bao giờ bị lãng quên trong tâm thức người còn sống.

Hồng Vân