Đi tìm sự thật về “chứng bệnh điên” của Vua George III

Thứ năm, 18/04/2013 00:00

(Cadn.com.vn) - Vua George III (1738 – 1820) của nước Anh nổi tiếng trong sử sách là “vua điên”. Bắt đầu từ năm 1788, nhà vua bị rối loạn chuyển hóa hành hạ, ảnh hưởng hệ thống thần kinh. Đến năm 1810, ông vĩnh viễn mất trí. Mù lòa và tật nguyền. Vua George III dành 10 năm cuối cùng trị vì dưới sự nhiếp chính của con trai, Thái tử George IV lúc đó. Từ khi ông qua đời, việc tìm hiểu nguyên nhân khiến ông bị điên làm tốn không ít công sức của các chuyên gia. Hiện nay, y học hiện đại có thể giúp chúng ta khám phá phần nào những lý do thực sự đằng sau hành vi thất thường Vua George III.

Các nghi vấn về bệnh tật

Từ trước đến nay, các sử gia tin rằng “bệnh điên” của Vua George III là do chứng rối loạn máu di truyền Porphyria. Triệu chứng bao gồm đau nhức, nước tiểu màu xanh.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ về giả thiết này. Hồ sơ y học của vị vua này cho thấy, ông dùng loại thuốc có chứa gentian. Loại thảo dược này có hoa màu xanh đậm, hiện vẫn được sử dụng như một chất bổ nhẹ. Tuy nhiên, người sử dụng sẽ có nước tiểu màu xanh. Vì vậy, có thể không phải “sự điên loạn” của nhà vua là do rối loạn chuyển hóa Porphyria gây ra. Một giả thiết khác cũng được đưa ra hồi năm 2005, khi giáo sư M.Warren tại Đại học Kent (Australia) cùng các đồng nghiệp Anh cho biết, bệnh này có thể liên quan đến thạch tín.

 Vua George III trị vì nước Anh 60 năm.

Sau khi tiến hành phân tích, các nhà khoa học cho biết, có một lượng thạch tín tập trung rất lớn (tới 17 phần triệu) trên mẫu tóc của vị vua này. Giới khoa học nghi ngờ Vua George III bị nhiễm thạch tín trong những lần chữa bệnh bởi trong các đơn thuốc kê cho ông có ghi một loại cao gây nôn mửa, vốn có chứa thạch tín. Từ những phát hiện trên, các chuyên gia cho rằng, vua George III có thể phải uống từ 3,6 tới 9 milligram loại chất độc này mỗi ngày.

Tuy nhiên, một dự án nghiên cứu mới do Đại học London thực hiện kết luận, Vua George III thực sự bị bệnh tâm thần. Với những bằng chứng về hàng ngàn lá thư viết tay của ông, Tiến sĩ Peter Garrard và Tiến sĩ Vassiliki Rentoumi phân tích việc sử dụng ngôn ngữ của ông. Họ phát hiện, trong giai đoạn bị bệnh, câu từ của ông dài hơn nhiều so với lúc bình thường. Ngoài ra, ông cũng thường nhắc đi nhắc lại chính bản thân mình, và dùng từ phức tạp hơn nhiều, sáng tạo và đầy màu sắc.

Đây là những triệu chứng mà y học ngày nay có thể nhìn thấy trong các lời nói và câu chữ của các bệnh nhân tâm thần hay trầm cảm. Biểu hiện bệnh của Vua George III cũng phù hợp với mô tả triệu chứng của căn bệnh này. Các nhân chứng cho biết, Vua George III “nói nhiều không ngừng” và có thói quen nói cho đến khi nước bọt chảy ra khỏi miệng. Đôi khi ông bị co giật và những người hầu cận phải ngồi lên người giữ ông nằm yên trên sàn nhà.

Hiện, Đại học London đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn dự án này bằng cách tìm hiểu bệnh tật của Vua George IV và các thành viên khác của gia đình Hoàng gia.

Một vị vua thành công

Mỗi khi mắc bệnh, ông Vua George III phải đến Cung điện Kew, gần Richmond để tĩnh dưỡng. Nhưng mỗi lần đến Kew, triều chính đều lâm vào khủng hoảng, vì không ai giải quyết công việc.

Con trai ông, Hoàng tử xứ Wales, có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với vua cha, muốn được nhiếp chính, và được giao toàn quyền. Tuy nhiên, cuộc tranh giành quyền lực đã không xảy ra. Điều này một phần là vì sức khỏe của Vua George III tiến triển tốt hơn và một phần vì giai đoạn này trong lịch sử nước Anh, ông là một vị vua lập hiến. Dù bệnh tật, Vua George III được đánh giá là vị quân chủ tốt và thành công.

Có thể nói, trong 60 năm trị vì đất nước, chính ông xây dựng nền tảng ổn định quan trọng để nước Anh đi lên quá trình công nghiệp hóa sau này.

An Bình

(Theo BBC)