“Địa ngục” chế biến tôm tại Thái Lan

Thứ hai, 21/12/2015 11:34

(Cadn.com.vn) - Một cuộc điều tra của AP mới đây cho thấy, tôm đông lạnh bán ra tại các siêu thị toàn cầu được chế biến từ bàn tay các lao động nô lệ bị giam cầm trong các nhà máy bẩn thỉu tại Thái Lan.

Cứ vào lúc 2 giờ sáng, họ nghe tiếng đá cửa và lời đe dọa: dậy hoặc bị đánh. Trong 16 giờ tiếp theo, công nhân số 31 và vợ làm việc trong nhà máy với hai bàn tay đau buốt trong nước đá. Họ bóc ruột, đầu, đuôi và vỏ tôm sau đó đóng gói. Số tôm này được chuyển đến các thị trường nước ngoài, bao gồm cả các cửa hàng tạp hóa và tất cả các nhà hàng trên khắp nước Mỹ.

Sau khi bị bán cho nhà máy Peeling Gig, Tin Nyo Win và vợ bị mắc kẹt cùng với gần 100 người Myanmar di cư khác. Tại mọi thời điểm, luôn có người theo dõi họ. Tên của các lao động này không được sử dụng, họ được ông chủ cấp cho một số hiệu. Tin Nyo Win có số 31. Tin Nyo Win và vợ được đưa đến Peeling Gig vào tháng 7 khi vượt biên giới Myanmar vào Thái Lan mà không có thị thực hoặc giấy phép lao động.

Tại Peeling Gig, lương được trả theo năng lực. Tin Nyo Win và vợ bóc khoảng 80kg tôm một ngày song chỉ được trả 2,65 bảng Anh, ít hơn một nửa những gì họ được hứa. Người quản lý thường cắt giảm tiền lương mà không có lời giải thích. Sau khi mua găng tay, ủng cao su, và trả “chi phí vệ sinh” hàng tháng bên trong nhà kho, họ gần như không còn gì.

Sau khi bị hành hung thô bạo và 5 tháng bị giam cầm họ, Tin Nyo Win và vợ quyết định bỏ trốn. Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ sau đó, vợ Tin Nyo Win bị bắt tại một khu chợ. Anh nhìn theo một cách bất lực khi cô bị kéo đi. Sau khi bị bắt, cô bị đưa đến đồn cảnh sát. Nhưng thay vì được đối xử như một nạn nhân buôn người, cô bị bắt trở lại làm việc ở một nhà máy chế biến cá. Trong một cuộc đột kích của cảnh sát, Tin Nyo Win và vợ bị giam giữ vì tội nhập cư bất hợp pháp. Họ được thả 10 ngày sau đó và hiện đang sống tại một nơi trú ẩn dành cho các nạn nhân buôn người.

Một nhà máy chế biến tôm sử dụng nô lệ lao động tại Thái Lan. Ảnh: Guardian

Điều tra của AP

Tình trạng buôn người phổ biến biến Thái Lan thành một trong những nhà cung cấp tôm lớn nhất thế giới.

Mặc dù các doanh nghiệp và chính phủ nhiều lần hứa làm trong sạch ngành công nghiệp xuất khẩu thủy sản trị giá 4,6 tỷ bảng Anh, một điều tra của AP cho thấy, Thái Lan đang sử dụng nô lệ thời hiện đại để bóc vỏ tôm xuất khẩu. Trong năm nay, hơn 2.000 người bị mắc kẹt được cứu thoát nhờ loạt các cuộc điều tra của AP về nô lệ lao động trong ngành thủy sản Thái Lan. Các báo cáo đã dẫn đến một chục vụ bắt giữ và đề xuất luật mới của liên bang.

Tôm là hải sản được yêu thích tại Mỹ. Thái Lan nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và hiện đang xuất khẩu gần một nửa nguồn cung sang nền kinh tế số 1 thế giới. Một số quốc gia ở Đông Nam Á là một trong những trung tâm buôn người tồi tệ nhất thế giới. Liên minh Châu Âu (EU)  mới đây ban hành cảnh báo sẽ tăng gấp 3 lần mức thuế nhập khẩu thủy sản, và dự kiến sẽ quyết định áp đặt lệnh cấm hoàn toàn vào tháng tới.

Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan cho biết, có khoảng 50 nhà máy chế biến tôm trong cả nước. Tuy nhiên, ở Samut Sakhon, khu vực chế biến tôm chính của đất nước, có hàng trăm nhà máy. Nơi đây thu hút lao động nhập cư từ Campuchia, Lào và Myanmar đến làm công việc lột vỏ tôm. Lạm dụng lao động phổ biến ở Samut Sakhon. Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính, khoảng 10.000 trẻ em di cư trong độ tuổi từ 13-15 làm việc tại thành phố này.

Tuy nhiên, buôn người ở Thái Lan vượt ra ngoài ngành thủy sản. Đầu năm nay, Bangkok triệt phá một tổ chức buôn lậu liên quan đến hàng chục nghìn người Hồi giáo Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar. Hàng chục nạn nhân bị giết trong rừng rậm Thái Lan vì không thể trả tiền chuộc.

An Bình

(Theo Guardian)