Điện Biên Phủ - vang mãi khúc tráng ca! (4)

Thứ ba, 06/05/2014 08:25

* Bài 4:  Đại tướng trong lòng dân

(Cadn.com.vn) - Tại Bảo tàng Chiến thắng ĐBP, ngay giữa lối vào khu trưng bày là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang giao trọng trách nặng nề cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên dưới có dòng chữ: "Tổng tư lệnh ra mặt trận- Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh". Chính sự sáng suốt trong cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ người học trò ưu tú của Người cầm quân viết lên khúc tráng ca bất diệt với chiến thắng ĐBP "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"...

Cụm tượng đài tại công viên Chiến Thắng ở Mường Phăng. Ảnh: P.T

Nhà sử học Dương Trung Quốc, trong "Võ Nguyên Giáp và người thầy của mình" có viết: "... Chắc chắn nếu không có sự giao phó "vô tiền khoáng hậu" ấy, vào thời điểm mà phương châm tác chiến mang tính chất quyết định sống còn với kết quả trận đánh, Võ Nguyên Giáp sẽ không thể đưa ra được quyết định sáng suốt để chỉ đạo chiến dịch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Đúng là vào thời điểm ấy, mọi sự chậm trễ, mọi sự cân nhắc mang tính tập thể lại cũng có thể là mầm mối cho thất bại... Sự thật đã minh chứng không chỉ tài năng của Võ Nguyên Giáp mà còn bắt nguồn từ sự sáng suốt biết dùng người của người đứng đầu cuộc kháng chiến"...

Đại tá Nguyễn Duy Cù- nguyên Tiểu đoàn trưởng bảo vệ Đại tướng trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp- thay mặt đoàn cựu chiến sĩ Điện Biên và cựu chiến sĩ Việt Bắc
hành hương về thăm Sở Chỉ huy chiến dịch ĐBP tại Mường Phăng viết vào sổ lưu niệm.

Trong chuyến về Điện Biên, câu chuyện tôi được nghe các cựu chiến sĩ Điện Biên nhắc đến nhiều nhất chính là tài cầm quân thao lược của Đại tướng, nhất là quyết định thay đổi phương thức từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nhiều cựu chiến binh cho biết, vào thời điểm chiến dịch ĐBP đang bước vào giai đoạn mà ý chí chiến đấu của toàn quân, toàn dân ta cao hơn bao giờ hết, việc Đại tướng đưa ra quyết định, chuyển từ phương thức tác chiến từ "đánh nhanh giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" khiến không ít cán bộ, chiến sĩ hoang mang.

Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo từng đơn vị giải thích và từ thực tiễn tại chiến trường, họ nhận ra rằng, quyết định của Đại tướng là vô cùng sáng suốt. Bởi nếu như lúc ấy, ta không phát hiện việc "đối phương tập trung lực lượng ngày càng lớn mạnh tại ĐBP, xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với mưu đồ thu hút và đánh bại chủ lực của ta" cùng quyết định mang tính lịch sử của Đại tướng, thì có lẽ, trận chiến sẽ còn kéo dài, thương vong của quân và dân ta còn nhiều hơn nữa.

Trong tập ký sự của nhà báo Đoàn Hoài Trung "Hạnh phúc được gặp Đại tướng" có đoạn viết về tâm sự của Đại tướng trước khi ra quyết định khó khăn này: "Ngày 12-1-1954, tôi đến Sở Chỉ huy tiền phương ở hang Thẩm Púa thì khí thế và quyết tâm của anh em trong Bộ chỉ huy chiến dịch lúc đó rất cao, các cán bộ đến gặp tôi đều hân hoan nói cần tranh thủ đánh sớm, đánh nhanh khi địch còn đứng chân chưa vững. Tôi không tán thành phương án đó, nhưng vì đây là ý kiến của đa số các đồng chí trong Đảng ủy, lại được các cố vấn Trung Quốc đồng tình nên tôi phải tạm thời chấp nhận.

Từ đó, gần như đêm nào tôi cũng dậy từ 3 giờ sáng, nắm tình hình địch do trinh sát báo cáo về và tình hình công tác chuẩn bị của ta, đặc biệt là việc kéo pháo bằng sức người vào trận địa. Thực tế ngày càng chứng tỏ phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh" trong 3 ngày 2 đêm là mạo hiểm, sẽ không tránh khỏi thất bại. Tôi đã thức trắng đêm 25-1-1954 để cuối cùng đi đến quyết định thay đổi phương châm "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" thành "Đánh chắc, tiến chắc"...

Du khách tham quan Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP nơi Đại tướng làm việc.

Trên đồi A1, cụ Mông Đức Ngô (87 tuổi), cựu chiến sĩ Điện Biên, quê xã Phượng Tiến, H. Định Hóa (Thái Nguyên), hiện là Trưởng ban liên lạc chiến sĩ miền Bắc của Quân khu I, nhớ về Đại tướng: "Sáng 7-5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo các đơn vị: "Hôm nay, chúng ta có cái gì thì nấu ăn hết, chiều nay ta giải phóng Trần Đình!". Bộ đội ta thấy quân của nó vẫn còn đầy rẫy thế mà sao Đại tướng nói "ngon" như thế. Hóa ra, Đại tướng đã tính trước hết rồi...".

Hòa trong dòng người đang đổ về Điện Biên, tôi nghe rất nhiều câu chuyện ngợi ca về tài cầm quân thao lược, về sự tinh anh, tấm lòng thương dân, thương lính của Đại tướng. Về những bản làng vùng sâu vùng xa ở Điện Biên, tôi được nghe nhắc nhiều nhất là việc Đại Tướng luôn quan tâm, đau đáu đến đời sống của người dân ở các khu kháng chiến cách mạng, trong đó có Điện Biên. Đích thân Đại tướng đã viết thư kêu gọi các tổ chức, DN hỗ trợ xây trường học cho trẻ em nơi đây...

Tại khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP ngày 19-4-2014, tôi bồi hồi xúc động khi đọc những dòng tâm thư của một cựu chiến sĩ Điện Biên 90 tuổi hiện đang sinh sống tại Hải Phòng, theo đoàn cựu binh Điện Biên lên thăm chiến trường xưa:  "...với lòng thương tiếc vô hạn đối với Đại tướng, người anh cả của QĐND Việt Nam, để thực hiện "uống nước nhớ nguồn", anh em trong đoàn đã đoàn kết một lòng đóng bè tập phúc minh tướng, không quản ngại đường sá xa xôi, từ Hải Phòng về Điện Biên, mong sao đến Mường Phăng để được thắp nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình trước bàn thờ Đại tướng. Cầu mong Đại tướng phù hộ độ trì... cho đời con cháu mai sau có quân, có dân. Cầu mong vong linh hồn Đại tướng siêu thoát nơi vĩnh hằng. Thay mặt đoàn: Nguyễn Duy Cù- Tiểu đội trưởng bảo vệ Đại tướng suốt chiều dài cuộc chiến đấu chống Pháp xin hạ bút".

Hôm về lại Hà Nội, trên đường đưa tôi đến ngôi nhà 30-Hoàng Diệu để thắp hương cho Đại tướng, Đỗ Đức Hào- người em kết nghĩa, quê Đồng Hới, hiện đang làm việc tại Hà Nội- tâm sự: "Chiều nào đi làm về em cũng dừng xe trước ngõ nhà Đại tướng lạy vọng vào. Giá như chị có mặt ở đây trong ngày Đại tướng đi xa, chị sẽ hiểu hình ảnh Đại tướng trong lòng dân thế nào!".

Trung sĩ Nguyễn Hoàng Công- Lữ đoàn cảnh vệ 144-  canh gác tại nhà Đại tướng cho biết, với lòng ngưỡng mộ vô bờ, nhiều người dân ghé ngang qua nhờ gửi hoa, trái cây vào thắp hương cho Đại tướng. Hai bên lối vào nhà Đại tướng đặt nhiều chum vại với những bông hoa cúc vàng rực. Đón tôi ngay lối tam cấp vào phòng khách, nay trở thành nơi hương khói Đại tướng, anh Võ Hồng Nam khẽ nói: "Anh vừa từ Vũng Chùa về. Ngày kia, anh lại cùng gia đình lên Điện Biên để dự lễ đổi tên đường 7-5 thành đường Võ Nguyên Giáp...". Đứng lặng bên di ảnh của Đại tướng, nước mắt tôi giàn giụa...

Những ngày này, nhân dân cả nước lại về Vũng Chùa- Đảo Yến (Quảng Bình) để viếng mộ Đại tướng. Giữa núi hoa cao ngất ngào ngạt hương thơm, phóng tầm mắt nhìn ra ngoài kia là biển, chắc nhiều người tự hỏi, phải chăng trước lúc đi xa, Đại tướng vẫn đau đáu một nỗi niềm với Hoàng Sa, Trường Sa. "Văn lo vận nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn". Câu đối của nhà giáo Hồ Cơ như gói trọn cuộc đời của một danh tướng huyền thoại không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của cả  thế giới.

Bút ký: Phan Thủy
(còn nữa)