Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017: Đại diện Việt Nam nói gì?

Thứ tư, 08/11/2017 14:59

Trong khuôn khổ các hoạt động Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Diễn đàn Tiếng nói tương lai là "sân chơi" của 180 sinh viên, thanh niên đến từ 17 nền kinh tế thành viên APEC. Riêng với các bạn trẻ Việt Nam, được tham gia Diễn đàn thực sự là một vinh dự, niềm tự hào lớn, bởi đơn giản để được lựa chọn, họ phải vượt qua rất nhiều thử thách, các bước sàng lọc "khắc nghiệt" cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Vì thế, đến với "Tiếng nói tương lai", các bạn trẻ Việt Nam sẽ nói gì?

Sinh viên Việt Nam trao đổi với bạn bè quốc tế. 

Tích cực quảng bá hình ảnh Việt Nam

Diễn ra từ ngày 6 đến ngày 10-11, với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", 17 sinh viên, thanh niên đại diện cho Việt Nam tham gia Diễn đàn đang ấp ủ nhiều hoài bão cống hiến. Khi được hỏi cảm xúc như thế nào khi vinh dự được tham gia Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017, Tăng Minh Thúy, sinh viên năm 3, khoa Tài Chính (trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), thú thực rằng: "Em cảm thấy rất vui và hãnh diện".

Thúy cho biết đây chính là cơ hội để em cũng như các bạn Việt Nam bày tỏ suy nghĩ, tiếng nói, sự hiểu biết của mình đến bạn bè quốc tế. "Để hội nhập thì sinh viên, tuổi trẻ Việt Nam phải có vốn hiểu biết, kiến thức về các nền kinh tế, phải có vốn ngoại ngữ, giao tiếp tốt để có thể giao lưu, kết bạn. Đặc biệt, phải có bản sắc riêng, phải giữ được văn hóa của người Việt Nam để có thể mang văn hóa, quảng bá các giá trị Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây cũng là dịp để tuổi trẻ Việt Nam hội nhập".

Nguyễn Thùy Trinh, sinh viên năm 3, khoa Quản trị Kinh doanh (Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội) chia sẻ, đến với Diễn đàn, em đã chủ động đặt ra cho mình những câu hỏi, những vấn đề mà em đặc biệt quan tâm. Cụ thể là những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. "Bởi em thấy, bản thân sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC được tổ chức tại Đà Nẵng không may lại rơi vào những ngày mưa bão. Điều này cũng tạo nên một số khó khăn, cản trở cho công tác tổ chức. Vấn đề thứ hai mà em quan tâm là bình đẳng giới. Bình đẳng ở đây có thể là bình đẳng về giới tính và bình đẳng về mức độ phát triển. Đây là hai vấn đề mà em rất quan tâm, chắc chắn em sẽ có tiếng nói khi tham gia sự kiện lần này", Thùy Trinh khẳng định.

Đồng quan điểm với Minh Thúy, Thùy Trinh cho biết "đây là cơ hội tốt để em bày tỏ, thể hiện suy nghĩ của mình đối với tương lai của giới trẻ Việt Nam nói chung và cá nhân em nói riêng. Em rất vinh hạnh khi được là một trong những người đại diện cho Việt Nam nói lên tiếng nói của mình".

Cũng như các bạn Việt Nam, Đặng Thị Thanh Hương (Trường ĐH Kinh tế Huế) cho biết, để chuẩn bị cho Diễn đàn Tiếng nói tương lai lần này, Hương không những phải trang bị cho mình về mặt kiến thức, về văn hóa mà còn rất chú trọng về kỹ năng ngoại giao, ngoại ngữ để có thể trao đổi, tương tác với các bạn nước ngoài. "Ngoài ra, tranh thủ thời gian tham gia Diễn đàn, em sẽ chia sẻ những thông tin, quảng bá hình ảnh của một Việt Nam thân thiện, mến khách đến với các bạn quốc tế; đồng thời tiếp nhận các thông tin mới từ các bạn để cùng nhau chia sẻ và thảo luận về tương lai".

Sinh viên, thanh niên đến từ các nền kinh tế APEC thăm  làng Hòa Bình (xã Tam Đàn, H. Phú Ninh).

Thành lập hệ thống trường đại học "chuẩn APEC"

Với đề xuất nêu trên của mình tại Diễn đàn, bài phát biểu của Đặng Thị Thanh Thương, đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam đã nhận được nhiều tràng pháo tay tán thưởng của các bạn bè trong nước cũng như quốc tế.

Mở đầu bài phát biểu của mình, Thương đặt vấn đề, rằng trong thời điểm thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều những căng thẳng chính trị, xã hội và quá trình toàn cầu hóa, dù có những thuận lợi nhưng những thách thức đối với giới trẻ cũng không hề nhỏ. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, nền kinh tế khu vực và toàn cầu tăng trưởng rất chậm và cần một động lực mới. "Vì vậy, đòi hỏi thế hệ trẻ chúng ta cần đối mặt với những thách thức để xây dựng một tương lai chung", Thương nói. Đồng thời đưa ra 2 giải pháp, đó là phát triển nhân lực trong thời đại công nghệ cùng với chính sách khởi nghiệp, đổi mới và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Thương, về vấn đề phát triển nhân lực trong thời đại công nghệ, việc thiếu cơ hội và công bằng giữa thanh niên của các nền kinh tế là vấn đề gây tranh cãi. Nêu ví dụ về việc ứng tuyển một công việc ở nước ngoài, Thương cho rằng rất khó khăn "bởi những vấn đề về visa và chính sách nhập cư". "Ví dụ nếu tôi muốn làm việc ở Mỹ, thậm chí tôi đã được một công ty ở nước này mời đi làm, nhưng vẫn còn rào cản như việc công ty yêu cầu tôi phải chứng minh được sẽ cống hiến gì cho họ. Quá trình này rất phức tạp, đắt đỏ dù tôi có đồng ý với một mức lương thấp", Thương nêu vấn đề.

Để giải quyết nó, Thương kiến nghị cần xây dựng hệ thống trường Đại học APEC được chuẩn hóa bởi APEC. "Các trường học này phải cam kết đáp ứng được các tiêu chuẩn giáo dục của APEC và phải cam kết cung cấp cho sinh viên cơ hội trao đổi trong phạm vi hệ thống. Chúng tôi cũng kiến nghị tạo một cơ sở dữ liệu giúp sinh viên có thể dễ dàng tìm kiếm những công việc ở nước ngoài. Chúng tôi tin rằng nhờ công nghệ số, dù có ở trong nhà thì chúng tôi vẫn có thể tạo ra lợi nhuận", Thương nói. Cùng với đó, Thương cho rằng nên thành lập hệ thống đánh giá lao động APEC để đánh giá năng lực từng người, qua đó sẽ giúp những người đủ điều kiện dễ dàng được các công ty thuộc cộng đồng APEC tiếp nhận...

Dẫn lại câu nói "nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, còn nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau", Thương kết thúc bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Tiếng nói tương lai APEC 2017, rằng: "Chúng ta, thế hệ trẻ với sự năng động, có thể xây dựng tương lai của tôi, của bạn, của chúng ta thịnh vượng hơn".

D.Hùng - X.Đương

----------------------------------------------------------------------------------------------

Trong khuôn khổ Diễn đàn, ngày 7-11, 180 thanh niên, sinh viên đến từ các nền kinh tế APEC đã có các hoạt động xã hội, tham quan, trải nghiệm tại làng Hòa Bình (H. Phú Ninh), làng Bích họa Tam Thanh (TP Tam Kỳ), làng gốm Thanh Hà (TP Hội An)...

----------------------------------------------------------------------------------------------