Điệp khúc “trồng- chặt”

Thứ ba, 29/03/2016 09:07

(Cadn.com.vn) - Lại bài toán “trồng cây gì? nuôi con gì?” phải không Tư Tây Nguyên?

- Thì NXD thấy đấy, được xem là vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp nhưng cứ trồng- chặt, chặt - trồng miết ri thì làm răng “cho nó hiệu quả!”.

- Nghe Tư nói, NXD chợt nhớ mấy năm trước, “phong trào” trồng cao su tiểu điền diễn ra ở Tây Nguyên khiến 15.000 ha cây điều bị đốn hạ để trồng cao su. Trớ trêu thay, nhà máy chế biến, xuất khẩu của Cty TNHH OLAM Việt Nam tại Gia Lai thu mua hạt điều toàn vùng Tây Nguyên lại thiếu nguyên liệu trầm trọng, đành phải nhập hạt điều từ... Châu Phi.

- Đó là chuyện mấy năm trước. Vấn đề thời sự bây chừ là hàng chục, hàng trăm nghìn héc-ta cao su được trồng giờ đành bỏ không dám cạo vì giá xuống thấp kỷ lục. Và lần này, “vàng đen” đang lên ngôi nên hàng nghìn ha cao su, cà-phê ở Tây Nguyên lại bị chặt bỏ để trồng hồ tiêu...

- Ồ ạt trồng rồi đến lúc “bội thực” hồ tiêu, có khi lại quay sang trồng... điều.

- Viễn cảnh đó rất khả dĩ! Bởi hiện tại, diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên đã vỡ quy hoạch. Tại Gia Lai hiện có hơn 13.000 ha hồ tiêu, nhưng theo quy hoạch đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020, diện tích cây hồ tiêu toàn tỉnh chỉ mới là 6.000 ha. Còn tại Đắc Lắc, quy hoạch đến năm 2020 là 15.000 ha hồ tiêu nhưng đến nay đã tăng lên đến 16.000ha...

- Nếu hồ tiêu rơi vào khủng hoảng thừa, hạ giá, hàng chục nghìn nông dân ở Tây Nguyên sẽ lâm vào cảnh khốn đốn.

- Chưa hết, trên Tây Nguyên còn thêm điệp khúc “được mùa, mất giá” hay có khi là “mất mùa, mất luôn giá” đối với loại cây trồng ngắn ngày như dưa hấu, ớt, chanh dây...

- Chính quyền không định hướng cho người dân hay sao?

- Chính quyền làm đủ mọi cách từ khuyến cáo, tuyên truyền, vận động nhưng ngặt nỗi đất của người dân, người dân cứ chạy theo phong trào, theo lợi nhuận trước mắt. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thế nên thị trường này giảm sức mua, giá hạ thì nông dân vẫn là người lãnh đủ.

- Câu chuyện nông sản, sản phẩm cây công nghiệp của Tây Nguyên rơi vào điệp khúc “trồng - chặt” chưa hề có những giải pháp căn cơ, liên hoàn, dù được chính quyền, ngành chức năng các cấp mổ xẻ từ nhiều năm nay. NXD thiết nghĩ, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, định hướng thị trường, bao tiêu sản phẩm cũng như phát triển một nền nông nghiệp bền vững thì người nông dân vẫn luẩn quẩn với việc trồng- chặt!

Một diện tích cao su tại H. Chư Sê (Gia Lai) bị chặt bỏ để trồng tiêu.

N.X.D