Điều ước dành cho Ánh Nguyệt
(Cadn.com.vn) - Không giống như các lễ trao học bổng vượt khó mà tôi vẫn thường được dự, buổi trao học bổng chiều 17-10 tại Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng thuộc ĐH Đà Nẵng có chưa đến 20 người dự, kể cả phóng viên báo đài. Vậy nhưng, không vì thế mà không khí buổi lễ kém đi phần ấm áp, trân trọng, chứa chan tình thương yêu và sự sẻ chia. Tất cả đều có chung một cảm xúc, đều lặng đi khi nghe chuyện kể về cuộc đời của Nguyễn Thị Ánh Nguyệt - SV năm 2 lớp 14SH ngành Công nghệ Sinh học Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng…
Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (thứ 5 trái sang) tại buổi trao học bổng. |
Nhân vật chính của buổi lễ trao học bổng vượt khó đặc biệt ấy là cô gái có dáng người dong dỏng cao, gương mặt sáng như trăng rằm với đôi mắt to, lúm đồng tiền xinh xinh. Suốt cả buổi, Ánh Nguyệt chỉ khóc và khóc, nhất là khi em nghe chính Bí thư Đoàn trường - Chủ tịch Hội SV Trường CĐ Công nghệ Phạm Thị Tú Phương thay lời giới thiệu lý do của buổi trao học bổng bằng việc kể về cuộc đời lắm nỗi đau thương của Nguyệt. Ngồi phía dưới, ai cũng lặng đi vì xúc động.
Không xúc động sao được khi cuộc đời của em từ lúc sinh ra đến giờ chưa có lấy một bữa ăn ngon. Nguyệt kể rằng, món ăn mà em và các thành viên trong nhà thường hay ăn là khoai mỳ độn cơm. Nhà Nguyệt ở thôn Phước Hòa, xã Bình Trị, một vùng quê nghèo khó của H. Bình Sơn, Quảng Ngãi. Em là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh em. Trong ký ức tuổi thơ đầy nhọc nhằn, vất vả của mình, Nguyệt nhớ hình như quãng thời gian gắn bó với ngôi nhà tranh vách đất - tài sản giá trị nhất của gia đình em - rất ngắn ngủi. Nhưng rồi, ngôi nhà ấy cũng buộc phải đem bán đi để lấy tiền chữa bệnh nan y cho cha (bị ung thư máu). 4 chị em Nguyệt được gửi về ngoại nuôi, còn cha mẹ thì về tá túc, nương nhờ nhà bà nội.
Nguyệt nhớ lại: "Năm em 8 tuổi thì ba mất. Lúc đó, em đang chăn bò ở ngoài đồng, nào có hay biết. Một cô trong xóm đi ngang qua, thấy em đang chăn bò nên báo tin dữ. Em vội lùa lùa bò về rồi chạy bộ sang nhà nội, cách đó chừng 3 cây số, đến nơi thì ba đã… qua đời rồi, đâu nghe được lời ba dặn dò…". Từ ngày ba qua đời, cuộc sống 5 mẹ con Nguyệt như mất đi điểm tựa lớn. Với đồng lương công nhân quét dọn vệ sinh và sự cưu mang, giúp đỡ của gia đình ngoại, nội, mấy chị em Nguyệt ai nấy đều học hành nên người. Một thời gian sau, nhờ sự tằn tiện tích cóp, mấy mẹ con Nguyệt cũng cất được căn nhà. Thương mẹ vất vả, chị gái đầu của Nguyệt học xong chương trình phổ thông thì vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân để thay mẹ chăm lo các em ăn học, người anh kế Nguyệt thi đỗ vào ngành cơ khí tàu thủy Trường ĐHBK Đà Nẵng năm 2009, mới ra trường đầu năm 2014, đến nay vẫn chưa có việc làm…
Nhưng tai ương như vẫn chưa chịu buông tha cho gia đình Nguyệt. Ngày 12-2-2014 - đúng sinh nhật đầu tiên đời sinh viên của Nguyệt cũng là ngày anh trai em ra lại Đà Nẵng để nhận bằng tốt nghiệp, thì họ nhận được hung tin: Trên đường đi làm về, mẹ em bị tai nạn giao thông, buộc phải cưa đi một chân để tránh hoại tử. Càng đau lòng hơn, khi người gây nên tai nạn lại cư xử thiếu tình người. Kể từ đó, Nguyệt rơi vào trạng thái tâm lý bi quan, trầm cảm, có ý định bỏ học.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn này của Nguyệt, Bí thư Đoàn trường - Chủ tịch Hội SV Trường CĐ Công nghệ chia sẻ: "Năm đầu tiên, khi Nguyệt vào học tại trường, không ai biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn. Nguyệt chưa một lần nào tâm sự, kể khổ về hoàn cảnh gia đình mình. Không những học tốt, Nguyệt còn tích cực tham gia công tác đoàn thể, làm công tác tình nguyện, xã hội rất tốt. Em là một trong những cán bộ đoàn tiêu biểu của phong trào tình nguyện Mùa hè xanh. Cho đến khi mẹ em bị tai nạn, Nguyệt bỗng thay đổi hẳn. Em trở nên bi quan, sống khép mình, u buồn và có ý định bỏ học. Tôi phải tìm mọi cách mới khiến em mở lòng, kể cho nghe về hoàn cảnh gia đình mình. Nghe xong, tôi thương không chịu được. Hoàn cảnh khó khăn từ bé như vậy, nhưng em sống đầy nghị lực, luôn biết chia sẻ khó khăn với nhiều mảnh đời khó khăn khác...".
Nguyễn Thị Ánh Nguyệt rưng rưng xúc động tri ân những tấm lòng hảo tâm. |
Qua Bí thư Đoàn trường, được biết, ngoài việc động viên em không được bỏ học, cuối năm 2014, Nguyệt được Quỹ thắp sáng ước mơ của Đoàn Thanh niên- Hội SV ĐH Đà Nẵng tặng suất học bổng 1 triệu đồng; Phòng Công tác HSSV của trường cũng tặng em một suất học bổng 3 triệu đồng. Những khoản tiền này đã giúp em nộp học phí kỳ 2 của năm học 2014-2015, còn lại một ít gửi về cho mẹ.
Khi bước chân vào sinh viên, Nguyệt đã đi làm thêm để trang trải cuộc sống, dành dụm tiền gửi về quê. Tuy nhiên, do công việc làm thuê về quá khuya, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học nên mới đây Nguyệt xin nghỉ. Hiện tại, em được chị Lê Thị Hạnh - một phụ nữ tốt bụng cho ở chung nhà trọ với mình (không mất tiền). Toàn bộ chi phí sinh hoạt của Nguyệt đều trông chờ vào số tiền do chị gái làm công nhân gửi cho. Thương nhất là mùa tuyển sinh vừa qua, em trai út của Nguyệt là Nguyễn Đức Tính đạt 22,5 điểm (đủ điểm để vào học một ngành tại Trường ĐHBK Đà Nẵng) nhưng vì hoàn cảnh đã quyết định xếp bút nghiên, đón xe vào TP Hồ Chí Minh xin đi làm công nhân.
Nói về mẹ, nước mắt Nguyệt lại chực trào ra: "Giờ mẹ không làm được việc gì, chỉ quanh quẩn vào ra chăm sóc ngoại thôi. Anh trai cháu sau một thời gian xin việc không được đã khăn gói ra Hà Nội, vừa đi làm thêm vừa đi học tiếng Nhật để xin đi xuất khẩu lao động...".
Trước nguy cơ Nguyệt có thể bỏ học trong năm 2 này, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Trường CĐ Công nghệ và Tạp chí điện tử Thông tin & truyền thông đã thông qua các kênh tuyên truyền, kêu gọi các Mạnh Thường Quân, bạn bè giúp đỡ hỗ trợ cho Nguyệt. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã kêu gọi sự giúp đỡ với tổng số tiền gần 40 triệu đồng, trong đó có 15.600.000 đồng gửi trực tiếp, 15 triệu đồng do một người bạn của Bí thư Đoàn trường Phạm Thị Tú Phương sẽ gửi trong thời gian tới và Hội Đồng hương Quảng Ngãi hỗ trợ cho Nguyệt 2 năm, mỗi tháng 500.000 đồng…
Chiều 17-10, khi nhận số tiền 15.600.000 đồng từ những tấm lòng hảo tâm, Nguyệt khóc như mưa. Cô bé cho biết: "Từ nhỏ đến giờ, em chưa bao giờ được ai giúp đỡ cho số tiền lớn như vậy. Có nằm mơ em cũng không dám nghĩ là mình được nhận số tiền mà các thầy cô, các cô chú, các nhà hảo tâm cho em nhiều đến vậy. Em không dám giữ vì sợ lỡ không may làm mất thì sẽ ra sao với những tấm lòng đã dành cho em. Em xin gửi lại cho chị Phương giữ giúp… Trong giờ phút này em không biết nói gì hơn ngoài lời biết ơn chân thành nhất. Em hứa sẽ cố gắng học tập để không phụ tấm lòng tri ân của mọi người đã dành cho em…".
Bên lề hành lang buổi trao học bổng, Nguyệt chia sẻ ước mơ của mình là sau khi ra trường mong sớm có việc làm để phụng dưỡng mẹ và ngoại, đồng thời dành dụm tiền làm cho mẹ cái chân giả. Nhìn những giọt nước mắt của Nguyệt lặng lẽ rơi trên đôi má xinh xắn, thốt nhiên, mắt tôi cũng cay xè.
Con đường phía trước của Nguyệt còn dài, nhưng từ buổi trao học bổng vượt khó của buổi chiều 17-10, tôi tin, Nguyệt sẽ vững tin hơn để bước tiếp trên con đường đời phía trước. Bởi em không hề cô độc. Bên em luôn có những con người luôn biết đồng hành, sẻ chia.
P.Thủy