"Đỏ mắt" chờ mẫu mái che vỉa hè

Thứ ba, 31/05/2016 08:29

(Cadn.com.vn) - Năm 2015, các hộ dân trên nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng tự nguyện tháo dỡ bạt quay, mái che để thực hiện mục tiêu văn hóa, văn minh đô thị. Thế nhưng, sau hơn 1 năm người dân vẫn chưa thể lắp đặt mái che mới, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và kinh doanh.

Theo chủ trương của thành phố Đà Nẵng, mỗi quận, huyện chọn một vài tuyến đường chính, vận động người dân tháo dỡ mái che cũ, để lắp đặt mái che đồng bộ. Tuy nhiên, các quận huyện lại vận động rầm rộ chủ trương này trên khá nhiều tuyến đường khác nhau. Từ tháng 1-2015 đến 3-2015, có hơn 5.000 dù bạt, mái che được các quận huyện vận động người dân tháo dỡ. Và hẳn nhiên, khi chưa có mái che mới thì cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng không nhỏ vì nắng nóng và mưa gió.

Nắng rọi vào trong cửa hàng nên nhiều hộ kinh doanh trên đường Lê Duẩn phải dùng màn che chắn. 

Ông Lê Văn Tư (trú P. Tân Chính, Q. Thanh Khê) mở quán cà-phê nhỏ trên đường Lê Duẩn (Đà Nẵng) kể, khi địa phương vận động tháo dỡ mái che để cải thiện bộ mặt đô thị thì ông thực hiện ngay. "Sau khi tháo dỡ thì địa phương nói sẽ có mẫu mái che đồng bộ để thay thế nhưng chờ đến bây giờ vẫn chưa thấy đâu. Không có mái che, nắng rọi vào nên ít khách vào uống nước", ông Tư than. Ông Tư cho biết thêm, cách đây 6 tháng, UBND P. Tân Chính đã lấy ý kiến người dân về mẫu mái che mới, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì về việc triển khai lắp đặt mái che mới.

Không riêng gì ông Tư, rất nhiều hộ dân khác trên tuyến đường Lê Duẩn cũng gặp phải nỗi khổ tương tự, khi nắng rọi, mưa tạt vì thiếu mái che. Trong khi đó, tuyến đường Lê Duẩn vừa được chỉnh trang nên chưa có nhiều bóng cây xanh, càng khiến cho nhu cầu về mái che của người dân thêm bức thiết. Để chống lại thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhiều hộ dân và các cơ sở kinh doanh trên các tuyến đường trung tâm thành phố sử dụng rèm, màn và cả mền để che nắng... trông chẳng mỹ quan. Phản ánh với chúng tôi, nhiều hộ kinh doanh trên đường Lê Duẩn cho biết buộc lòng phải che chắn tạm thời. Bởi thời tiết nắng nóng như hiện nay nếu không che chắn thì sẽ khiến hàng hóa bị ảnh hưởng, khách hàng cũng ngại đến mua bán.

Trước thực trạng trên, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Xây dựng thiết kế bạt che theo quy chuẩn để người dân thực hiện đồng bộ trên các tuyến đường. Sở Xây dựng đã dự kiến 2 mẫu thiết kế, tuy nhiên cả 2 mẫu mái che này đã không nhận được sự đồng tình của người dân khi được lấy ý kiến. Hiện tại, Q. Hải Châu đã có công văn gởi UBND thành phố đề xuất thí điểm mẫu mái che do quận nghiên cứu.

Thiếu mái che, buộc lòng người dân phải dùng nhiều biện pháp để chống nắng nóng.

Ông Lê Ngọc Cường, Phó phòng Quản lý đô thị Q. Hải Châu, cho biết, UBND Q. Hải Châu đã chọn một vài điểm trên 7 tuyến đường không yêu cầu đòi hỏi cao về kiến trúc, mỹ quan đã được vận động tháo dỡ bạt quay, che vào năm ngoái, gồm: Lê Lợi, Phan Châu Trinh, 2 Tháng 9, Hoàng Diệu, Quang Trung, Trưng Nữ Vương để thực hiện lắp đặt lại mái che theo mẫu truyền thống.  "Những mái che này yêu cầu phải đồng bộ về màu sắc, độ cao, độ vươn. Chúng tôi đã có công văn trình Sở Xây dựng và đang chờ câu trả lời. Trong khi đó, các tuyến đường có yêu cầu về cảnh quan cao như: Bạch Đằng, Lê Duẩn, Trần Phú và Nguyễn Văn Linh thì vẫn chờ thành phố ban hành mẫu mái che mới", ông Cường cho biết.

Những bức xúc của người dân về lắp đặt mái che đồng bộ, đảm bảo mỹ quan đô thị là việc rất cấp thiết. Thiết nghĩ các địa phương và cấp ngành thành phố Đà Nẵng cần nhanh chóng đưa ra được mẫu mái che mới, chấm dứt tình cảnh chờ mái che của nhiều hộ dân như hiện nay.

H. Anh