Đồ xưa không cũ (3)
* Kỳ 3: Người sưu tầm bình dân
(Cadn.com.vn) - Người đam mê sưu tầm đồ xưa không phải ai cũng khá giả. Tại Đà Nẵng có phân nửa anh em sưu tầm đồ xưa là những người dân lao động hoặc làm nghề kinh doanh tự do. Họ "đi xứ" (từ của giới chơi đồ xưa dùng để chỉ việc đi tìm kiếm những món đồ xưa ở khắp nơi) rồi trao đổi, mua bán để kiếm thêm thu nhập nhưng luôn giữ lại món hàng hiếm hoặc thứ mình chưa có để bộ sưu tập được đầy đủ, phong phú.
Đồ xưa… nay đâu?
Trong giới chơi đồ xưa Đà thành, anh Anh Ngô Viết Tiến (1976) là người năng nổ, tâm huyết. Anh chia sẻ: "Hồi trước, tôi không biết gì về đồ xưa, nhưng thời thanh niên, tập tành hút thuốc nên mê bật lửa Zippo. Dần dần, tìm được vài cái bật lửa Zippo thời trước thấy hay hay rồi tiếp xúc với các anh em đam mê, với chú Bạch Lộc, tự nhiên thú chơi đồ xưa thấm vô mình lúc nào không hay". Anh kể, lúc mới đến chơi nhà chú Bạch Lộc, thấy nhà chú nhiều đồ xưa xưa, cổ cổ, cũng thấy hay hay nhưng còn hờ hững.
Anh Ngô Viết Tiến giới thiệu một chiếc bật lửa Zippo độc đáo. |
Rồi chú Lộc hỏi về quê có nhìn thấy cái gáo múc nước hay mấy cái chén dĩa bằng sành hồi xưa ông bà hay dùng có còn không. Sưu tầm là kiếm lại mấy thứ đó để giữ lại... Từ cuộc nói chuyện ngắn ngủi đó mà anh Tiến nhận ra rằng nói chi thời ông bà mình cho xa xôi, có nhiều thứ thời mình còn nhỏ như cái xe đạp, cây bút kim tinh... giờ tìm mãi không thấy. Những món đồ xưa đó, nó làm mình nhớ tới một thời quá khứ, thời ông bà mình nghèo khó, thời cha mẹ mình chắt chiu để lo lắng, chăm sóc cho mình... Thế là trong anh bắt đầu nhen nhóm niềm đam mê đồ xưa và sưu tầm đủ thứ mình thích.
Ban đầu là những đồng xu, vài vật dụng trong chiến tranh, sau đó là bình rượu hình củ tỏi, đến chiếc lư đồng rồi bộ chóe đựng rượu cần của người Tây Nguyên... Từ một người bộc trực, nóng nảy tới 10 phần, gia đình anh phải công nhận, từ khi sưu tầm đồ xưa, bây giờ tính anh thay đổi hẳn. Anh nói, chơi đồ xưa phải kiên trì, và nếu không có tâm, không có duyên sẽ khó mà tìm được những món đồ tưởng như đã không còn nữa trong cuộc sống quanh mình.
Anh Tiến miệt mài với việc sửa chữa chiếc bật lửa Zippo trong thời chiến. |
Ngọn lửa từ quá khứ
Mỗi người sưu tầm thường chọn cho mình một dòng riêng với thế mạnh riêng. Nhiều năm qua, anh Tiến chủ yếu tìm kiếm các loại bật lửa Zippo với đủ thập niên, kiểu dáng và xuất xứ từ nhiều nước trên thế giới. Anh nói: "Tôi mê lửa, vì vậy dù từng làm nhiều công việc khác nhau, thì bây giờ công việc mưu sinh hàng ngày của tôi cũng gắn liền với sở thích, đó là sửa chữa bật lửa Zippo. Hầu như chưa có loại bật lửa nào của khách hư hỏng mà tôi không sửa được". Nhà anh trong con hẻm nhỏ đường Điện Biên Phủ có rất nhiều bật lửa Zippo độc đáo: chiếc thì được thiết kế như hộp đựng thuốc lá, chiếc giống như cây đèn trang trí, chiếc giống như bộ đồ chơi Goal, chiếc có kèm công dụng chặn giấy.
Và hàng trăm chiếc bật lửa Zippo khác có những họa tiết, chất liệu đặc sắc, nhưng cái rời nắp, cái hư hỏng bộ phận đánh lửa, cái bị móp méo... được anh tìm mua lại từ nhiều nguồn phế liệu để sửa chữa, hoàn thiện trở lại. Anh Tiến tâm sự, có một thời gian, một số người làm giả bật lửa Zippo xưa trong thời kỳ chiến tranh để bán cho khách du lịch, vì vậy mà làm mất niềm tin của du khách. Thật giả, xưa nay lẫn lộn... vì thế chỉ những người yêu thích bật lửa Zippo thực sự mới tìm đến anh để mua những món đồ lạ và độc. Mong mỏi của anh là có được một sân chơi bài bản để những người chơi đồ xưa nghiệp dư, bình dân như anh có thể trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và có nhiều điều kiện phát triển. Hiện tại, anh Tiến cùng một số anh em trong nhóm Chợ phiên Đà thành đã làm hồ sơ xin gia nhập Chi hội Sưu tầm cổ vật thuộc Hội Di sản Việt Nam.
Hàng ngày, công việc của anh Tiến là sửa chữa bật lửa. Thời gian rỗi anh tỉ mẩn nắn chỉnh lại từng chỗ móp méo, góp nhặt từng phụ kiện các bật lửa hư hỏng để bổ sung cho những cái khác cùng loại, cùng thập kỷ, rồi đánh bóng, lau chùi... để mỗi chiếc bật lửa xưa cũ có thể nguyên vẹn như thuở ban đầu, sáng lên ngọn lửa như nối quá khứ với hiện tại...
Phạm Quỳnh Nam
(còn nữa)