Đôi điều về giá trị mỗi con người
(Cadn.com.vn) - Chỉ còn vài ngày nữa là bước qua năm mới. Thường vào những lúc thế này, mỗi người sẽ đặt câu hỏi về thành công, thất bại, thụ hưởng, cống hiến, niềm vui, nỗi buồn... trong năm, trong đời. Biết đâu đấy, có đôi người, nhất là bạn trẻ, sẽ tự vấn về giá trị của mình trong cộng đồng xã hội?
Câu hỏi “ta là ai?” là một mệnh đề “xưa như trái đất”, từ cổ chí kim đã có nhiều học thuyết, tư tưởng, tôn giáo cố gắng trả lời, nhưng tôi đồ rằng chưa bao giờ câu hỏi ấy được giải đáp tròn vành rõ nghĩa. Người ta chỉ có thể nói về con người ở những khía cạnh khác nhau - con người sinh học, con người xã hội, con người tôn giáo... Dù vậy, trong khía cạnh nào cũng có mẫu số chung: Giá trị con người; và, dù có nhiều thước đo, cách thức để xác định giá trị của mỗi con người nhưng không thước đo, cách thức nào tách cá nhân ra khỏi cộng đồng xã hội họ tồn sinh.
Giá trị của mỗi người chỉ có thể do chính tập thể những người xung quanh, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, rộng hơn nữa là cộng đồng dân cư, đồng bào, đồng loại... ghi nhận và đánh giá. Có những người đem lại giá trị vật chất nhưng cũng có người đem lại giá trị về tinh thần, về văn hóa... cho những người khác hoặc cho tập thể, cộng đồng xung quanh. Tất cả mọi giá trị tốt đẹp, nhân văn hướng về người khác để quan tâm, chăm sóc hay phục vụ... đều rất đáng được trân trọng và phát huy.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao cùng là con cái, anh chị em ruột thịt sinh ra trong một gia đình nhưng mỗi người con lại có những giá trị khác nhau trong mắt cha mẹ và các anh chị em của mình? Thiển nghĩ, sự “bất công” chính trong gia đình – ngôi đền thiêng của sự công bằng - hẳn là có lý do của nó. Phải chăng, trong mắt cha mẹ, chỉ có người con nào biết hiếu thảo, biết yêu thương, giúp đỡ anh chị em, chăm ngoan, học giỏi, là niềm tự hào của cả gia đình với họ hàng, xã hội... thì mới là người con có giá trị cao nhất trong gia đình; và ngược lại...
Từ gia đình-hạt nhân của xã hội, ra những thang bậc không gian rộng hơn – nhóm bạn, cơ quan, tổ chức, khu vực, địa phương, đất nước và sau cùng là cộng đồng nhân loại, giá trị của mỗi con người sẽ trở nên rõ ràng hơn, mà ở đó người nào luôn biết tươi cười, quan tâm, chia sẻ, nhiệt tình giúp đỡ, sống đẹp, thân thiện, hào phóng với mọi người, hay tiên phong sáng kiến, nghĩ ra nhiều ý tưởng, trò chơi, hoạt động ấn tượng, thiết thực cho cả nhóm... chắc chắn sẽ là người có giá trị cao hơn. Người nào sống thờ ơ, lạnh nhạt, hay nói xấu, chia rẽ, gây gổ, mất đoàn kết, keo kiệt... thì cũng sẽ có cái giá của riêng mình – tất nhiên sẽ không cao.
Đối với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, khi đi xin việc ở các đơn vị, doanh nghiệp... mỗi bạn sẽ có một giá khác nhau, đó chính là mức lương, thu nhập do người chủ doanh nghiệp trả, người này được trả lương cao, người khác lại bị trả lương thấp hơn. Vì sao vậy? Đó là vì giá trị của mỗi em luôn khác nhau trong con mắt của nhà tuyển dụng, cũng như do giá trị của chính mỗi em đem lại cho tập thể phòng ban hay doanh nghiệp đó như thế nào. Khi mới làm việc tại các đơn vị, các bạn trẻ không nên ảo tưởng mình có 1-2 bằng đại học là sẽ có nhiều giá trị hơn những bạn khác chỉ có bằng cao đẳng, trung cấp hoặc chưa có bằng đại học. Bởi vì, các đơn vị, nhất là các doanh nghiệp luôn có sẵn các thang điểm và các cơ chế khoán để đánh giá hiệu xuất lao động của mỗi nhân viên, họ sẽ chỉ lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh cuối cùng do bạn đem lại để đánh giá về giá trị của bạn cao hay thấp trong tập thể đó...
Mỗi người cũng như một doanh nghiệp, một tổ chức bất kỳ, khi sở hữu và phát huy được giá trị của thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hay uy tín sản phẩm, dịch vụ của mình thì chắc chắn giá trị đó sẽ luôn lan tỏa, tồn tại lâu bền trong niềm tin, tình cảm, sự đồng thuận sử dụng, hợp tác, giúp đỡ để phát triển của cả cộng đồng.
Điều đáng quý nhất trong cuộc đời của mỗi người chính là những nghĩa cử tốt đẹp đối với người khác - những nghĩa cử nhỏ bé, không tên mà chính người đó đã quên đi. Chỉ cần một cái ôm thật chặt, một sự im lặng cảm thông, một cái chạm tay thân thiện, một đôi tai biết lắng nghe là bạn có thể chia sẻ với tất cả mọi người. Lòng tốt, sự quan tâm chia sẻ, đồng cảm là ngôn ngữ đặc biệt mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được! (trích Đắc nhân tâm).
Người viết bài này cũng đã đôi chút va đập với cuộc sống, thương trường, tích lũy đôi điều tự thấy là hữu ích, chẳng dám khuyên nhủ chi nhiều, chỉ là chia sẻ nghĩ suy trong lúc giao mùa này, mong được nói với các bạn trẻ rằng, hãy không ngừng rèn luyện trí lực, tài lực, sống chân thành, đàng hoàng với mọi người ở mọi nơi, mọi lúc để có thể tạo ra nhiều giá trị của riêng mình trong xã hội – đó là cách thức tồn sinh và tự định giá mình không hề tệ một chút nào!
Nguyễn Hồng Sơn