Đón tết ở vùng bão quét

Thứ năm, 09/01/2014 08:05

(Cadn.com.vn) - Mới tháng Chạp, cao su đã trơ cành, trụi lá. Phía dưới, cây gãy sau bão nằm thành đống, lên rêu. “Vàng trắng” teo lại, Tết cũng như muốn quắt theo.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT), Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại về cao su do bão số 10 – 2013 nặng nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ, với hơn 12 ngàn ha bị gãy đổ. Quảng Trị đứng liền sau với hơn 7 ngàn ha, tập trung ở H. Vĩnh Linh. Hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn “vàng trắng” trên đất gió Lào đã bay theo bão. Nhưng không dừng lại đó, thứ vàng trắng ấy vẫn tiếp tục teo lại từng ngày do ảnh hưởng sau bão.

Cụ Bát trong vườn cao su gãy đổ.

Chúng tôi trở lại vùng bão quét tại vùng biển Cửa Tùng (H. Vĩnh Linh, Quảng Trị). Cây cối bật gốc còn nghiêng ngả, nhiều đến mức không ai muốn dọn. Những vườn cao su kéo từ TT Cửa Tùng sang Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim rồi lên Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa... trơ trụi lá. Đang vào mùa thu hoạch mủ nhưng bát úp trên cây, vết cạo xỉn đen, lành miệng dường như đã lâu lắm. Trong cái rét cắt da, vợ chồng cụ Nguyễn Thị Bát (Thạch Trung, TT Cửa Tùng) vẫn cố ra vườn cao su vơ vội lá rụng để mang về rải ấm cho chú bê con. “Bình thường qua hết tháng Giêng thì mới rụng hết lá, lúc đó mới dừng lấy mủ. Năm ni do bão, cây đổ gãy đã đốn chặt, cây còn thì yếu hẳn, rụng lá sớm, mủ ít, thời gian thu hoạch cũng rút ngắn lại, thiệt đơn thiệt kép”, cụ Bát rầu rĩ.

Nhà cụ Bát trồng nửa héc-ta cao su từ năm 1998 (khoảng 250 cây), cho mủ hơn 10 năm nay. 5 người trong gia đình nương vào vườn cao su này. 5 năm trước, nhà cụ trồng thêm 60 cây. Bão số 10 ập đến, nay chỉ còn khoảng 110 cây. “Mủ ít, giá lại hạ, trước bão thu được từ 300 ngàn đồng/1 ngày bây chừ còn 70 ngàn đồng, nhưng bòn từng giọt cũng phải gắng thôi, nhiều gia đình chưa có cây thu hoạch đã gãy đổ hết thì nợ nần càng khốn khổ hơn”, cụ Bát nói thêm. Trong hơn 7 ngàn ha bị thiệt hại tại Quảng Trị thì hơn 4 ngàn ha không thể phục hồi. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND H. Vĩnh Linh cho biết tính đến sau cơn bão số 10 – 2013, tổng số dư nợ ở 3 ngân hàng để trồng cao su là 77,5 tỷ đồng. Khó khăn dồn dập đối với bà con trồng cao su tiểu điền.

Cao su rụng lá sớm khiến lượng mủ ít lại,
thời gian thu hoạch cũng ngắn hơn.

Trở lại Cam Lộ với vùng trồng cao su tiểu điền mới phát triển tại Cam Thanh và TT Cam Lộ. Bão xô đi xô lại, cao su mới thu hoạch năm đầu cũng lao đao theo. Ông Nguyễn Văn Minh (60 tuổi) có 1 ha cao su, trước bão thu được hơn 200 ngàn đồng/ 1 ngày lấy mủ, nay còn chừng 90 ngàn đồng. “Cạo năm đầu tiên nên dù ít mủ, dù rét mướt vẫn không thể bỏ được”, ông Minh vẫn hy vọng.

Ông Nguyễn Như Du, nông dân xã Vĩnh Thạch (H.Vĩnh Linh) cho biết, gia đình có 4 ha cao su, thu nhập có năm lên đến 300 triệu đồng, nhưng hai cơn bão số 10 và 11 năm 2013 đã khiến 60% diện tích gãy đổ. Mấy tháng qua, gia đình ông nỗ lực khắc phục và chăm sóc để khai thác mủ, đồng thời tính phương án trồng mới vào năm 2014 trên vùng đất cây đã gãy đổ 70%, không thể phục hồi. Theo ông Du, lý do vẫn tiếp tục chọn trồng cao su vì những lợi ích cây đưa lại trong thời gian qua, và hiện chưa có cây gì thay thế trồng cho cây cao su mà phù hợp với đất đai, hiệu quả kinh tế. Mong muốn này của ông Du cũng là của hàng ngàn người dân có hoàn cảnh tương tự. Dù trồng tiếp cao su hay loại cây mới, họ đều đang tập trung tiền bạc, sức lực cho sản xuất năm 2014. “Tết năm ni thì phải dè sẻn lại thôi và mong năm mới sẽ bớt khó khăn hơn”, người dân vùng bão đang hy vọng.

Bảo Hà