Động đất, sóng thần ở Indonesia: “Thời hạn chót” tìm kiếm nạn nhân sống sót

Thứ năm, 04/10/2018 10:39

Số người thiệt mạng trong thảm họa kép động đất-sóng thần ở Indonesia đã vượt qua 1.400 người (cho đến ngày 3-10), trong bối cảnh thời gian cho chiến dịch tìm kiếm những nạn nhân sống sót đang cạn dần. Trong khi đó, LHQ ra cảnh báo về thảm họa thiếu lương thực thực phẩm và nước uống ở đây.

Một người đàn ông mang theo bao tải chứa thức ăn nhặt được từ một nhà kho bỏ hoang bị hư hại sau động đất-sóng thần ở Palu, Indonesia hôm 3-10.   Ảnh: AP

CƠ HỘI TÌM KIẾM GIẢM XUỐNG GẦN NHƯ BẰNG KHÔNG

Khi những người sống sót nhặt những tàn tích còn lại trong khu phố của họ, số người chết vẫn tiếp tục tăng. Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN có trụ sở tại Indonesia cho biết, các lực lượng nỗ lực dọn dẹp nhiều túi đựng thi thể các nạn nhân vì lo ngại làm bùng nổ ổ dịch bệnh.

Phát ngôn viên của cơ quan thiên tai quốc gia Sutopo Purwo Nugroho cho biết, đến ngày 3-10, số người chết tăng lên 1.407 ở 4 khu vực xung quanh thành phố biển Palu bị tàn phá. 519 thi thể đã được chôn cất. Các nỗ lực cứu hộ bị cản trở bởi việc thiếu máy móc hạng nặng trong khi các hệ thống liên kết giao thông bị cắt đứt và quy mô thiệt hại quá lớn. Nhà chức trách ở đây đưa ra thời hạn chót dự kiến vào thứ 6 cho công cuộc tìm kiếm những người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Và lúc đó, một tuần sau thảm họa tàn phá, cơ hội tìm kiếm những người sống sót sẽ giảm xuống gần như bằng không.

Nhân viên cứu hộ của chính phủ đang tập trung vào hơn 10 địa danh chính quanh thành phố - Hotel Roa-Roa, nơi có tới 60 người vẫn bị chôn vùi, một trung tâm mua sắm, một nhà hàng và khu vực Balaroa, nơi vẫn bị chôn vùi trong đống bùn lầy. Có ít nhất 150 người vẫn bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Theo văn phòng nhân đạo của LHQ, gần 200.000 người cần giúp đỡ khẩn cấp, trong số đó có hàng chục ngàn trẻ em, với khoảng 66.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc bị hư hại. Mặc dù chính phủ Indonesia kêu gọi các đội cứu hộ nước ngoài “rút lui” vì họ có khả năng xử lý cuộc khủng hoảng, những người dân ở các làng hẻo lánh như Wani ở tỉnh Donggala nói rằng, họ hầu như không nhận được sự giúp đỡ và ngày càng cạn kiệt hy vọng. “12  người trong khu vực này vẫn chưa được tìm thấy”, một cư dân tên Mohammad Thahir Talib nói với AFP.

Trong động thái nhắc nhở khác về khả năng dễ bị tổn thương bởi thiên tai của Indonesia, ngọn núi lửa Soputan trên đảo Sulawesi bắt đầu phun trào hôm 3-10, chỉ vài ngày sau khi hòn đảo này phải hứng chịu thảm họa động đất kèm sóng thần khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Sau nhiều tháng tăng cường hoạt động địa chấn, núi lửa Soputan đã phun hơi nước, tạo ra cột tro bụi cao 4.000m. Nhà chức trách đã đưa ra cảnh báo núi lửa phun trào cấp độ 3. Hiện vẫn chưa có thông tin về thương vong hay thiệt hại.

INDONESIA BỊ CHỈ TRÍCH VÌ PHẢN ỨNG CHẬM CHẠP

Tại Geneva, LHQ bày tỏ sự thất vọng với tốc độ phản ứng chậm chạp của Indonesia. Jens Laerke thuộc văn phòng nhân đạo của LHQ cho biết, vẫn còn nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất chưa nhận được sự cứu hộ cứu trợ, nhưng cũng cho biết, các đội đang thúc đẩy nỗ lực làm những gì có thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, trên khắp Donggala, khoảng 310.000 người bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Những người sống sót đang chiến đấu với cơn khát và đói vì thiếu thức ăn và nước sạch, trong khi các bệnh viện địa phương tràn ngập những người bị thương.

Các quan chức địa phương cho biết, trong khi chính phủ đang kêu gọi sự trợ giúp, vẫn không có “cơ chế thực hiện việc này”.  Sân bay Palu vẫn nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Indonesia và dự kiến sẽ mở cửa cho các chuyến bay thương mại từ sáng 4-10. Cảng Palu, một điểm trung chuyển viện trợ chính, đã bị hư hại. Dấu hiệu của sự tuyệt vọng đang gia tăng khi cảnh sát buộc phải bắn cảnh cáo những người hôi của và ngăn chặn người dân đập phá lục soát các cửa hàng đồ ăn. 6 trong số hàng chục xe tải chở đầy đồ tiếp liệu của chính phủ đã bị cướp khi trên đường đến Palu. Trên con đường chính ở phía bắc thành phố, một nhà báo AFP nhìn thấy các thanh niên chặn đường và yêu cầu “đóng góp” để dọn đường.

Tuy nhiên, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, vốn sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử vào năm tới, khẳng định, quân đội và cảnh sát đã hoàn toàn kiểm soát vấn đề. “Không có chuyện cướp bóc”, ông nói trong chuyến thăm Palu.

KHẢ ANH