Động lực để phát triển từ chính quyền đô thị
(Cadn.com.vn) - Ngày 18-9, UBND TP tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Đề án chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP Đà Nẵng sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội, các trường đại học... trên địa bàn.
Điều kiện đã chín muồi
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết đề cập việc nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển CQĐT là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền TP, phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của CQĐT, đồng thời góp phần phát triển KT-XH và nâng cao chất lượng đời sống của người dân TP.
Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết phát biểu tại Hội thảo. |
Hầu hết các ý kiến nêu ra tại hội thảo đều cơ bản đồng tình với việc xây dựng CQĐT và cho rằng việc xây dựng CQĐT tại Đà Nẵng là tất yếu, tạo ra một đơn vị hành chính thống nhất cơ bản hoàn chỉnh và có phân quyền tự chủ cũng như tự chịu trách nhiệm, sẽ là động lực phát triển mạnh mẽ cho TP. TS Huỳnh Năm, nguyên Chủ tịch UBND TP cho rằng, việc xây dựng CQĐT là cần thiết và phù hợp, ở Đà Nẵng là TP có điều kiện chín muồi nhất. TS Huỳnh Năm đưa ra một số lý do: tốc độ đô thị hóa ở Đà Nẵng cao nhất cả nước (trên 90%);hệ thống hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, hệ thống truyền tải, cấp điện cấp nước... thuộc diện tốt nhất cả nước. Vì vậy, thời cơ, cơ hội đã tới mà không nhanh chóng xây dựng CQĐT thì sẽ có tội với nhân dân.
Đặc biệt, đây cũng là trách nhiệm chính trị của các cấp chính quyền TP khi được trung ương giao lập đề án thí điểm. TS Huỳnh Năm cũng đồng ý CQĐT chỉ 2 cấp là cấp thành phố và cấp xã phường, trong thời kỳ quá độ này nên duy trì cấp quận huyện và xem cấp quận huyện chỉ là cơ quan ủy nhiệm của cấp thành phố để thực hiện một số công việc trên địa bàn về lâu dài thì không có cấp quận, huyện. Đồng quan điểm, ông Phạm Kiều Đa, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũng cho rằng, đến thời điểm này duy nhất chỉ có TP Đà Nẵng là địa phương thực hiện một bước CQĐT, phải tiếp tục “thay áo mới” tức là tiến thẳng lên CQĐT hiện đại nhất...
Quan trọng vẫn là con người
TS Huỳnh Năm gợi ý, bộ máy CQĐT phải tinh gọn hiệu quả, hiệu lực của CQĐT đại khái như một địa chỉ thì một trách nhiệm. Cụ thể, đối với các sở ngành của thành phố thì sẽ nâng cao trách nhiệm của các sở ngành là cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không phải là cơ quan tham mưu như trước đây với mục tiêu để Đà Nẵng phát triển nhanh bền vững và phục vụ tốt hơn, theo yêu cầu cho người dân. TS Huỳnh Năm đề nghị trong Đề án CQĐT nên bỏ từ đội ngũ cán bộ phải “mẫn cán” với công vụ mà thay vào đó là tiêu chí cán bộ phải có tâm, có tầm và có tài. Khi không còn cấp quận huyện, cấp phường xã là cấp quan trọng nên cần được phân quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; các sở, ban, ngành phải phân cấp cho quyết định những vấn đề có liên quan, chuyển từ cơ quan tham mưu sang cơ quan hành động tự quyết định và chịu trách nhiệm truớc các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình quản lý; tăng cường tính chuyên nghiệp, giải quyết nhanh công việc nên không nên để cán bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Về đại biểu HĐND, phải thực sự chuyên trách đối với từng lĩnh vực, từng đại biểu phải xuống từng xã, phường, từng lĩnh vực để nghe ngóng thông tin về phản ánh. Ông Lê Diên, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP cũng nhấn mạnh, hiện tại tình trạng cán bộ nhũng nhiễu còn nhiều, do đó bộ máy CQĐT cần phải được đào tạo nâng cao chất lượng đạo đức, cần phải thanh tra, kiểm tra, phải có cơ chế giám sát nhân dân thông qua mặt trận từ dưới phường trở lên để tránh phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, cần thiết phải tăng cường đại biểu HĐND cấp TP có nhiệm vụ chuyên trách, chú ý chất lượng, cán bộ phải có bản lĩnh, có tâm, có thực tiễn trong cuộc sống...
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đề nghị lãnh đạo TP cần phải chuẩn bị lực lượng cán bộ cho CQĐT trong tương lai, phải tiến hành phân loại, đào tạo, bồi dưỡng một cách đàng hoàng, bài bản cán bộ cho CQĐT. Theo PGS-TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, cán bộ công chức phải chuyên nghiệp hóa, phải phân định rõ chức năng nhiệm vụ của mình để tránh sự trùng lặp, cần có phương án sắp xếp đào tạo con người ở các cấp CQĐT, bởi nếu lắp cán bộ hiện nay vào CQĐT mới là không ổn. Bộ máy cán bộ của CQĐT đòi hỏi phải lột xác. PGS – TS Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần có 1/3 đại biểu HĐND chuyên trách để xuống dân nhiều hơn, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân. Đồng quan điểm PGS-TS Phan Văn Hòa-Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, CQĐT thì phải có bộ máy con người mới, mà bộ máy là con người, phải bắt tay vào xây dựng ngay con người, và người dân sẽ được hưởng lợi ngay từ bộ máy này. Con người là yếu tố quyết định, mô hình có đẹp đến đâu, hay tới đâu mà con người vô cảm, nhũng nhiễu, không có nụ cười với nhân dân thì khó thành CQĐT của dân do dân vì dân!
Liên quan đến các ý kiến góp ý tại hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết đúc kết, việc xây dựng CQĐT của TP Đà Nẵng đã chín muồi, thực hiện mô hình CQĐT chỉ có 2 cấp, phải rút ngắn giai đoạn 1 để triển khai nhanh hơn trong giai đoạn 2...
Xuân Đương