Đông Nam Á trước mối nguy từ IS

Thứ năm, 21/04/2016 09:05

(Cadn.com.vn) - Indonesia, Philippines và đặc biệt là Malaysia đang trở thành những mục tiêu tấn công khủng bố tiềm tàng theo cảnh báo của nhóm Hồi giáo cực đoan IS.

Hiện trường vụ tấn công của IS ở thủ đô Jakarta, Indonesia hồi tháng 1. Ảnh: EPA

Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố, nhóm khủng bố IS đang dần thất thế, các chuyên gia khẳng định, điều này rõ ràng không đúng đối với cả thế giới, chẳng hạn như ngay tại Châu Âu và Đông Nam Á.

Thật vậy, IS có thể đang bị thất thế ở Iraq và Syria khi bị tấn công dồn dập, nỗ lực tuyển dụng và thiếu tiền. Tuy nhiên, nhóm này đã kịp vươn vòi ra ngoài Trung Đông để đến với phần còn lại của thế giới. Đó là Châu Âu với những vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ở Paris (Pháp) và Brussles (Bỉ). Đó là Đông Nam Á với vụ khủng bố Jakarta (Indonesia) và những cảnh báo tấn công mới nhất nhằm vào Malaysia, Philippines.

Mới đây, tờ New Straits Times dẫn nguồn tin từ tạp chí Dabiq - nơi chuyên tuyên truyền bằng tiếng Anh của IS - cho biết, nhóm khủng bố này đã lên danh sách các nước dễ dàng bị tấn công, trong đó có Algeria, Iraq, Afghanistan, Libya, Somalia, Tunisia, Pakistan, Bangladesh, Ai Cập, Yemen, Indonesia, Malaysia và Philippines. Ngoài những cái tên Trung Đông và Nam Á quen thuộc, danh sách lần này có 3 cái tên ở Đông Nam Á.

Trong đó, Malaysia là mục tiêu tấn công lớn nhất. Người đứng đầu bộ phận chống khủng bố của Malaysia Ayob Pitchay cho biết, nguyên nhân là do IS xem những nước thực hiện dân chủ và tiến hành bầu cử theo Hiến pháp là các quốc gia bội giáo (Taghut) và máu của người dân những quốc gia này sẽ phải đổ xuống theo giới luật Hồi giáo.

Trong khi Malaysia mới chỉ nằm trong tầm ngắm của IS, Indonesia đã từng bị tấn công kinh hoàng. Hồi tháng 1, thủ đô Jakarta hứng chịu loạt khủng bố đẫm máu khiến 7 người chết. IS thừa nhận đứng sau loạt tấn công này và cho biết đã lên kế hoạch từ thủ phủ IS ở Syria và do “các chiến binh” thực hiện nhằm chống lại “liên minh thập tự chinh”, ám chỉ liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS ở Syria và Iraq.

Nỗi ám ảnh từ vụ tấn công này cùng với cảnh báo mới nhất của IS gieo rắc nỗi lo khủng bố khắp Indonesia và các nước có đông người Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á. Thiên đường du lịch Bali - nơi từng hứng chịu vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử Indonesia vào năm 2002 - được cho có khả năng trở thành mục tiêu tiếp theo.

Hồi cuối tuần trước, chính phủ Indonesia đã chấp nhận đề xuất của Cơ quan Chống khủng bố (BNPT), tăng 50% ngân sách, tương đương 62,5 triệu USD vào năm 2017 nhằm phục vụ các chương trình chống khủng bố. Hôm 20-4, tướng Tito Karnavian, người đứng đầu BNPT cho biết, cơ quan này sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác quốc tế để giúp đỡ trong cuộc chiến chống khủng bố vì nó đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Sau vụ khủng bố Jakarta, tại Philippines, Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố, cơ quan tình báo nước này có thể sẽ đề nghị các đối tác ở Trung Đông giám sát nguy cơ cực đoan hóa trong cộng đồng người Philippines ở khu vực này, vốn hơn 2 triệu người. Và giờ đây, mối lo “những con sói đơn độc” trở về Philippines tấn công đây đang ngày càng hiện rõ.

Rõ ràng, những kẻ khủng bố IS có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chết người bên ngoài căn cứ của chúng và khả năng này đang ngày càng gia tăng. “IS rõ ràng đã vươn vòi ra ngoài Iraq và Syria, ở những nơi như Libya, bán đảo Sinai ở Ai Cập, và gần đây nhất là ở Nam Á và Đông Nam Á”, chuyên gia Colin P. Clarke cho biết.

Giới phân tích cho rằng, điều này đặt ra nhiều thách thức với liên quân do Mỹ đứng đầu và cả Nga cũng như các quốc gia nằm trong mục tiêu tấn công, trên con đường “tiêu diệt tận gốc” IS. Như trường hợp của Libya. Quốc gia này hiện trở thành một trong những thành lũy của IS bên ngoài các căn cứ ở Iraq và Syria. Washington đang cân nhắc các lựa chọn cho các nước Bắc Phi chiến tranh tàn phá, nhưng điều đáng lo ngại là Nhà Trắng cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.

Khả Anh

Chiến binh IS đến từ hơn 70 quốc gia trên thế giới

AFP ngày 20-4 dẫn báo cáo phân tích dữ liệu từ nhóm IS cho biết, các chiến binh của hơn 70 quốc gia đã gia nhập nhóm thánh chiến này.

Kho tài liệu trên là của một kẻ đào ngũ IS - người đã bàn giao khoảng 11.000 hồ sơ các tay súng IS cho mạng lưới truyền hình Mỹ NBC, mặc dù hơn một nửa trong số này chỉ là bản sao. NBC sau đó gửi 4.600 tài liệu đến Trung tâm chống khủng bố (CTC) tại West Point. Bản phân tích của CTC cho thấy, độ tuổi tuyển mộ trung bình của IS là 26 hoặc 27, song các đối tượng được tuyển mộ có độ tuổi khá cách xa, từ 12 đến gần 70. Quốc gia đứng đầu trong danh sách những chiến binh mới của IS là Saudi Arabia với 579 người. Tiếp đến trong danh sách top 5 là Tunisia (559), Morocco (240), Thổ Nhĩ Kỳ (212), Ai Cập (151) và Nga (141).

T.Linh