Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam: Chạy đua với thời gian để giao "mặt bằng sạch"

Thứ năm, 03/12/2015 11:32

* Bài 1: Những điểm bị ách tắc

(Cadn.com.vn) - Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam một lần nữa không hoàn thành tiến độ như cam kết với Bộ GTVT trước đó. Để giải quyết những tồn đọng trên, cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục làm việc với các địa phương và các ngành chức năng. Tại cuộc họp, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 21-12-2015. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ bàn giao mặt bằng của dự án trên? Qua loạt bài này chúng tôi sẽ đề cập các nguyên nhân của những tồn tại trên.

Lãnh đạo TP Tam Kỳ đến hiện trường vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân.

Từ "điểm nóng" Tam Ngọc

Dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (DACT ĐN-QN) qua địa bàn tỉnh Quảng Nam ảnh hưởng đến các huyện, TX, TP: Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành và Tam Kỳ. Đến nay hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình đã cơ bản giải quyết xong khâu mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Đặc biệt, tại TP Tam Kỳ, trên danh nghĩa địa phương này đã bàn giao "mặt bằng sạch" cho chủ đầu tư từ 2 năm qua, thế nhưng "sự cố" ngày 10-11 vừa qua đã khiến nhiều người "ngỡ ngàng". Ông Nguyễn Tiến Thành, Phó giám đốc BQL DACT ĐN-QN cho biết, về danh nghĩa, đoạn đường cao tốc qua TP Tam Kỳ đã được chính quyền địa phương này bàn giao "mặt bằng sạch" cho chủ đầu tư để thi công từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, khi nhà thầu đến thi công thì mới biết vẫn còn một số vướng mắc mà điển hình là sự việc người dân đưa quan tài đặt trên đường cao tốc cản trở thi công vào ngày 10-11 vừa qua.

Theo ông Thành, sự việc trên không ảnh hưởng quá nhiều đến tiến độ thi công dự án, nhưng lại gây thiệt hại lớn đối với nhà thầu. "Qua sự việc này cho thấy chính những bức xúc, phản ánh của người dân chưa được chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng và kịp thời. Đây là bài học đối với chủ đầu tư dự án, đặc biệt là những đơn vị làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng mà trực tiếp ở đây là Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ. Qua đây, không chỉ riêng Tam Kỳ mà đối với các địa phương khác cũng cần phải xem như một bài học, khi có những khiếu nại, phản ánh của người dân thì cần phải quan tâm giải quyết kịp thời"- ông Thành nói.

Liên quan đến "sự cố" trên, ông Nguyễn Ngọc Trai, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ, đơn vị trực tiếp đảm nhận nhiệm vụ GPMB dự án cao tốc cũng đã thừa nhận việc giải quyết quyền lợi cho một số hộ dân còn chậm và thiếu sót. Bà con dần cạn niềm tin vào lời hứa của cán bộ trong việc kéo dài thời gian chi trả các khoản tiền thưởng. Chính ông Trần Nam Hưng, Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cũng cho rằng UBND xã Tam Ngọc và các cơ quan chức năng còn chậm trong việc thẩm định, xét duyệt một số hồ sơ do nguồn gốc đất phức tạp, khiến người dân bức xúc. Trong khi đó, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ đưa văn bản để bà con ký nhận tiền nhưng thiếu thủ tục hồ sơ đóng dấu đỏ của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính pháp lý, dẫn đến nghi ngờ đáng tiếc; cấp cơ sở còn chưa sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có hướng dẫn khiếu nại, khiếu kiện phù hợp...

Trên danh nghĩa, TP Tam Kỳ đã bàn giao "mặt bằng sạch" cho chủ đầu tư từ 2 năm qua,
thế nhưng đến nay nhiều mồ mả như thế này vẫn chưa được di dời.

Nhiều điểm còn ách tắc

Theo báo cáo của BQL DACT ĐN-QN, đến cuối tháng 11-2015, dự án qua địa bàn H. Núi Thành (8 xã bị ảnh hưởng) chính thức bàn giao được 28,47km/30,78km. Hiện vẫn còn tồn tại một số điểm vướng mắc về GPMB, cụ thể như: Chưa đền bù hơn 130 thửa (trong đó 35 thửa đất ở; 39 thửa đất rừng và 56 thửa đất khác); còn khoảng 400 ngôi mộ vẫn chưa di dời; còn 64 lô TĐC chưa chi trả, trong số đó đã lập phương án 30 lô, còn lại 34 lô chưa lập phương án đền bù; Đặc biệt, trong số 7 xã có các hộ phải TĐC thì mới hoàn thành 2 xã (Tam Anh Nam và Tam Hiệp). Còn lại 5 xã chưa hoàn thành nên không thể bố trí đất cho dân, mặc dù các hộ này đã có phương án đền bù nhưng chưa nhận tiền do chưa có đất TĐC (18 hộ thôn Đa Phú 2, xã Tam Mỹ Đông; 11 hộ thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa; 14 hộ hai bên đường ĐH5, xã Tam Mỹ Tây).

Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, lập phương án đền bù tại các xã còn rất chậm. Hiện xã Tam Xuân 1 còn  4 hộ chưa di dời nhà (Bùi Xưng, Nguyễn Viết Trung, Bùi Kim Dung, Diệp Quang Hùng) và 4 hộ chưa cho thi công (Trần Hưng Ni, Trần Hưng Nên, Bùi Xưng, Bùi Kim Dung), 1 mộ xây và 1 miếu thờ chưa di dời; xã Tam Xuân 2 còn vướng 1,31km mặt bằng chưa thể thi công được. Tại xã Tam Hiệp còn 4 hộ tại vị trí nút giao Chu Lai vẫn chưa bàn giao mặt bằng (Nguyễn Văn Tê, Nguyễn Tê, Nguyễn Sinh, Lê Viết Thông). Xã Tam Mỹ Tây còn 45 hộ chờ tái định cư; 3 trường hợp khu vực TL617 chưa nhận tiền đền bù, 240m chưa có biên bản bàn giao. Xã Tam Nghĩa còn 9 thửa chưa có phương án đền bù, 0,75 km chưa được bàn giao. Ngoài ra, các công trình công cộng như 15 vị trí ảnh hưởng điện trung, hạ thế chưa được di dời; 3 vị trí đường nước sinh hoạt tại xã Tam Mỹ Đông, Tam Hiệp chưa di dời.

Trong khi đó, tại H. Phú Ninh chưa bố trí 13 lô đất TĐC, 5 suất đầu tư hạ tầng chưa chi trả, 5 mồ mả ở xã Tam Thái chưa di dời. Tại TX Điện Bàn, địa phương này đang "nợ" TĐC cho tổng cộng 75 hộ dân bị giải tỏa trắng, trong khi tiến độ thi công khu TĐC Phong Thử 1 chỉ đạt hơn 80% khối lượng... Bên cạnh đó, hiện vẫn còn nhiều hộ dân chưa thỏa mãn với giá trị đền bù, hỗ trợ. Tổng chiều dài mặt bằng 3 địa phương Điện Bàn, Phú Ninh, Núi Thành đã bàn giao được hơn 90%, nhưng phần còn lại rất khó giải quyết. Đơn cử như ở Điện Bàn, địa phương chưa thể vận động 25 hộ đồng tình nhận tiền đền bù. Trong đó, ngoài 1 nhà thờ đang chờ bố trí đất mới, xã Điện Thọ có 2 hộ yêu cầu bổ sung đất TĐC do tăng nhân khẩu, 22 hộ chờ giao đất TĐC và kiến nghị về giá bồi thường. Tại Phú Ninh, ngoài xã Tam Đại có 5 suất đầu tư chưa nhận tiền thì còn đến 46 hộ không đồng ý theo giá trị đã áp và phê duyệt. Huyện còn 96 gia đình chưa tháo dỡ nhà cửa (50 hộ nhận tiền)...

Trước tồn tại trên, Ban QLDACT ĐN-QN đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam quan tâm chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và các ban ngành liên quan phối hợp và giải quyết triệt để các vướng mắc đã đề cập góp phần thúc đẩy Dự án hoàn thành đúng tiến độ như yêu cầu của Bộ GTVT. "Các địa phương cần quan tâm tháo gỡ khó khăn đối với khu vực đang bị "nghẽn" trên. Vì các vị trí này là "nút thắt" của Nhà thầu trong việc tiếp cận đối với các đoạn đã có mặt bằng nhưng không có đường vào thi công"- ông Nguyễn Tiến Thành, Phó giám đốc BQL DACT ĐN-QN đề nghị.

B. Bình
(còn nữa)