Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung: Người dân chưa đồng tình mức hỗ trợ
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân xã Cam Thành Nam, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) luôn túc trực ở nhà để phản đối việc chủ đầu tư kéo đường dây điện 110kV đi qua nhà cửa, ruộng vườn của họ. Người dân yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường xong mới được kéo đường dây.
Người dân ngăn cản không cho đơn vị thi công đi vào phần đất của mình. |
* Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung có tổng công suất thiết kế 50MW đặt tại xã Cam An Bắc, H. Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Dự án có đường dây 110kV chạy từ xã Cam An Bắc qua xã Cam Thành Nam và P. Cam Nghĩa của TP Cam Ranh để đấu nối với trạm biến áp tại Cam Nghĩa. Đường dây này do BQL dự án Điện nông thôn miền Trung thực hiện, có chiều dài tuyến là 5,26km với 28 vị trí móng trụ điện, ảnh hưởng đến diện tích đất của 141 hộ và 1 tổ chức với tổng mức bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 2,676 tỷ đồng. Tính đến ngày 5-11, còn 7 hộ tại thôn Quảng Hòa chưa nhận đền bù, hỗ trợ. Riêng đối với khoản hỗ trợ của chủ đầu tư, đến ngày 5-11, còn 17/50 hộ tại xã Cam Thành Nam chưa nhận. |
Giá đền bù thấp?
Theo bà Phan Thị Lai, gia đình bà có gần 3.000m2 đất trồng cây hàng năm tại thôn Quảng Hòa, xã Cam Thành Nam. Giữa năm 2019, đường dây điện 110kV đi qua vườn nhà bà, diện tích đất bị ảnh hưởng hơn 1.960m2. "Dự án đường dây điện đi qua ảnh hưởng quá lớn đến diện tích đất nhà tôi. Vậy nhưng tôi chỉ được hỗ trợ, đền bù 12 triệu đồng là quá thấp", bà Lai nói.
Cạnh nhà bà Lai, nhà bà Nguyễn Thị Phúc Hảo có mảnh đất rộng 578,9m2, trong đó 60m2 là đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng cây lâu năm. Khi đường dây 110kV đi qua, diện tích đất nhà bà Hảo bị ảnh hưởng là 496,8m2. Theo quy định, toàn bộ diện tích đất trồng cây lâu năm của bà Hảo bị ảnh hưởng bởi dự án phải chuyển đổi sang cây hàng năm. Mặt khác, hầu hết diện tích đất ở của bà đều đã nằm trọn dưới đường dây dẫn điện. Trao đổi với chúng tôi, bà Hảo cho biết: "Sau này, nếu tôi xây nhà thì phải xây dưới đường dây điện cao thế. Nhà tôi phải đáp ứng rất nhiều điều kiện như mái lợp, tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy. Khoảng cách nóc nhà đến đường dây tối thiểu là 4m. Nhà tôi không được gây cản trở cho bên điện lực khi ra vào kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện… và rất nhiều quy định khác. Tôi đã bị hạn chế rất nhiều quyền sử dụng trên mảnh đất của mình nhưng chỉ được hỗ trợ, đền bù chưa đầy 18 triệu đồng". Chung cảnh ngộ, bà Võ Thị Phương ở thôn Quảng Hòa cho biết, diện tích đất nhà bà bị hạn chế quyền sử dụng đất là 918,1m2. Tuy nhiên, bà được đền bù với giá 45.000 đồng/m2 là quá thấp. Vì giá đất nông nghiệp ở khu vực này phổ biến từ 1 đến 2 triệu đồng/m2 .
Thuộc diện Nhà nước thu hồi đất?
Ngày 21-11-2018, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 3566 phê duyệt giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện đường dây 110kV thuộc dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung tại xã Cam Thành Nam và P. Cam Nghĩa, TP Cam Ranh. Quyết định này quy định mức giá bồi thường tại thôn Quảng Hòa là: đất ở 200.200 đồng/m2; đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở 55.800 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm và đất trồng cây hàng năm 45.000 đồng/m2.
Theo lãnh đạo UBND TP Cam Ranh, chính quyền địa phương đã áp dụng đúng và đầy đủ các quy định của Nhà nước khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ. Đây là hình thức bồi thường cho người dân do bị hạn chế khả năng sử dụng đất, chứ không phải Nhà nước thu hồi đất.
Tuy vậy, điều mà hầu hết những hộ tại thôn Quảng Hòa bức xúc là dự án có yếu tố kinh doanh. Chủ đầu tư phải thỏa thuận với dân về phương án đền bù, hỗ trợ, chứ không phải Nhà nước đứng ra áp giá đền bù. Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng, bà Võ Thị Phương cho rằng, chủ đầu tư là công ty TNHH một thành viên; ngành nghề kinh doanh chính là phân phối và mua bán điện. Dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung có vốn ngoài ngân sách. Trong quyết định của tỉnh cho doanh nghiệp thuê đất và giao đất để thực hiện dự án này, loại đất sau khi cho thuê là đất công trình năng lượng, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh. "Việc hạn chế quyền sử dụng đất của tôi không phải để Nhà nước xây dựng công trình công cộng thuần túy. Dự án này sử dụng vốn ngoài ngân sách và có yếu tố kinh doanh. Vì vậy, tôi yêu cầu nhà đầu tư phải thỏa thuận với dân về bồi thường, hỗ trợ", bà Phương nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, với những bức xúc của người dân, UBND TP Cam Ranh đã nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích cho người dân hiểu. Khi dự án đi qua phần đất của người dân, phía người dân chắc chắn chịu thiệt thòi. Phần lớn diện tích đất nơi đây đã ổn định nhiều năm. Nhiều hộ đã chuyển đổi thành đất thổ cư để chia lại cho con cái. Việc đường dây điện đi qua không chỉ ảnh hưởng đến diện tích trong vùng hành lang an toàn theo quy định, nó còn làm giảm giá trị của cả lô đất. Tuy nhiên, UBND TP Cam Ranh cũng đã áp dụng tối đa theo các quy định của pháp luật.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Duy Đoàn - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Cam Ranh cho biết: "Theo Luật Đất đai, dự án này thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Trong các năm 2017 và 2018, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án đường dây 110kv đấu nối thuộc dự án Nhà máy Điện mặt trời Điện lực miền Trung. Giá đất bồi thường, hỗ trợ đã được các sở, ngành điều tra, so sánh, phân tích và thống nhất trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Như vậy, các kiến nghị của người dân yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ là không có căn cứ pháp lý để xem xét".
Theo nhiều người dân, trong tương lai, ở Cam Lâm, Cam Ranh rồi sẽ có thêm các dự án điện mặt trời được đầu tư, đi vào hoạt động. Việc các đường dây truyền tải điện cao thế thay vì chạy theo những con đường, lại chạy tắt trên nhà cửa, ruộng vườn của người dân sẽ để lại nhiều hệ lụy mà ở đó, phần thiệt thòi thường nghiêng về phía người dân.
N.T