Đức tìm cách “ve vuốt” Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ sáu, 03/02/2017 10:05

(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Recep Erdogan và Thủ tướng Binali Yildirim của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực kéo Ankara lại gần hơn với  Berlin và cả Liên minh Châu Âu (EU).

Thủ tướng Đức Angela Merkel có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2-2, bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến nước này kể từ sau vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Recep Erdogan hồi tháng 7-2016. Nhiệm vụ đặt trên vai nhà lãnh đạo Đức trong chuyến công du này là khá nặng nề: tìm cách giữ và lấy lòng đối tác quan trọng này cho Berlin và cả EU sau loạt các cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm lục địa già.

Đức là nhà của khoảng 3 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, di sản của một chương trình “lao động hợp đồng” khổng lồ trong thập niên 1960-1970. Tuy nhiên, những tranh cãi về cuộc đàn áp sau cuộc đảo chính của Thổ Nhĩ Kỳ giáng đòn mới vào mối quan hệ hai bên.

Thủ tướng Đức Merkel (trái) lần đầu tiên đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính
bất thành lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan (phải) vào tháng 7-2016. Ảnh: AFP

CĂNG THẲNG SAU ĐẢO CHÍNH

Mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO này rơi vào tình trạng “căng như dây đàn” trong những tháng cuối cùng của năm 2016 với hàng loạt vấn đề gây tranh cãi sau vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan hồi tháng 7-2016.

Berlin nhiều lần tỏ rõ sự khó chịu về mức độ các cuộc trấn áp của chính phủ Tổng thống Erdogan khi có đến 43.000 người bị bắt giữ vì liên quan đến cuộc đảo chính, trong khi lệnh tình trạng khẩn cấp vẫn có hiệu lực cho đến nay. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan trút sự bực tức lên Đức vì Berlin không chấp thuận yêu cầu dẫn độ hàng trăm nghi phạm liên quan đến cuộc đảo chính hay lực lượng chiến binh người Kurd.

Hiện, Ankara muốn Berlin dẫn độ cựu Tổng biên tập tờ báo Cumhuriyet, Can Dundar – nhân vật đã trốn sang Đức sau cuộc đảo chính. Tuy nhiên, tại Đức, ông Dundar được các quan chức, trong đó có Tổng thống Joachim Gauck, tiếp nhận như một vị khách danh dự. Ông này thậm chí đã lập một cổng thông tin mới chống ông Erdogan mang tên Ozguruz (Chúng ta tự do).

NHIỆM VỤ KHÓ NHẰN

Qua chuyến đi này, Thủ tướng Merkel muốn thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thực hiện thỏa thuận đã ký với EU – thỏa thuận cho đến nay đã giúp giảm dòng người nhập cư vào Châu Âu. Tổng thống Erdogan đã đe dọa sẽ không thực hiện cam kết nếu EU không nhanh chóng áp dụng chính sách miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ. “Chuyến đi này diễn ra vì chúng tôi tin rằng, điều cần thiết là phải giữ liên lạc liên tục với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác và là một người hàng xóm quan trọng của EU”, người phát ngôn Thủ tướng Merkel Steffen Seibert nói đồng thời nhấn mạnh, “Đây là thời điểm rất quan trọng để đàm phán”.

Tham vọng đặt ra cho chuyến đi lần này của bà Merkel là rất lớn. Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Merkel diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm khi Tổng thống Erdogan chuẩn bị cho kế hoạch trưng cầu dân ý vào tháng 4 về việc thay đổi hiến pháp, theo đó tăng quyền hạn cho tổng thống, vụ việc đang gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ khắp nước này.

Có thể thấy, với cuộc trưng cầu hiến pháp cực kỳ gây tranh cãi đang hiện ra lờ mờ trong tháng 4 cùng với “bóng ma” đảo chính vẫn đang ám ảnh, chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Đức không được chào đón tại Thổ Nhĩ Kỳ. Lãnh đạo phe đối lập Kemal Kilicdaroglu nói rằng, ông rất thất vọng về Thủ tướng Đức và không ngừng chỉ trích bà Merkel.

Khả Anh