Đừng để "ăn bám" người nghèo

Thứ ba, 22/04/2014 10:07

(Cadn.com.vn) - Nhân ngày nghỉ cuối tuần, tôi tranh thủ ghé thăm người bạn chí cốt lâu nay ít gặp. Ngồi chưa ấm chỗ, bạn tôi vốn là bộ đội phục viên, nhấp xong ngụm trà rồi kéo tôi lại gần thì thầm:

-Này, lão Sinh ở bên kia đường cùng tổ dân phố với tôi, nhà cửa đâu đến nỗi nào mà mấy năm nay luôn được xếp vào hộ nghèo?

Biết bạn rất bộc trực như bản tính người lính, tôi tranh thủ khai thác thêm thông tin:

-Thì đã sao nào?

Bạn tôi trợn mắt phán luôn:

-Sao là sao thế nào, kẻ ăn không hết người lần không ra, biết bao nhiêu hộ gia đình trong tổ này đúng nghèo luôn, mà có được hưởng một tí nào sự hỗ trợ của địa phương, của các ngành, các cấp. Này nhé, cái nhà lão Sinh tường xây vững chắc, mái lợp tôn loại xịn, các phương tiện sinh hoạt trong nhà không thiếu thứ gì, nhà lão còn có đến 3 chiếc xe máy đắt tiền, mấy con nhà lão cứ gầm rú ra vô suốt ngày...

- Thế tại sao không họp tổ dân phố, xét gia đình lão đã thoát nghèo thì đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương, kiến nghị đưa các gia đình đang thật sự nghèo vào danh sách hộ nghèo cho cấp trên phê duyệt? Tôi tiếp tục kích.

Bạn tôi gạt phăng:

-Xét với duyệt, ai dám đưa những trường hợp như gia đình lão Sinh ra duyệt với xét, không khéo lại tai bay vạ gió, mấy đứa con của lão ấy bặm trợn coi trời bằng vung, chớ dại mà đụng vào... coi chừng ném đá vỡ đầu nhau ra ấy chứ.

Giờ thì đến lượt tôi "nổi nóng":

-Vậy là cứ hằng năm thực hiện chủ trương rà soát lại hộ nghèo cũng có làm, mà làm cho có chuyện thôi à?

Bạn tôi thở dài:

-Ở đâu không biết, chớ ở chỗ tôi thì phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mới được 25% thôi.

Tôi thắc mắc:

-Được 25% thôi là sao?

-Tức là tới đoạn "dân biết" mà thôi, còn chuyện bàn, chuyện cùng làm, chuyện kiểm tra thì luôn..."treo". Bạn tôi lý giải.

Đến đây tôi cũng đã rõ được chuyện bức xúc của bà con khu dân cư xoay quanh câu chuyện người nghèo. Đi tìm hiểu thêm một số nơi khác, thì tình trạng "ăn bám" người nghèo như trường hợp xảy ra ở tổ dân cư bạn tôi là không hiếm. Có nhiều kẽ hở để những người tham lam "ăn bám", nhưng có một lý do có tính quyết định là cấp ủy, chi bộ khu dân cư, tổ dân phố, UBND trực tiếp của khu dân cư đã vừa thiếu sâu sát, vừa không kiên quyết trong việc rà soát hộ nghèo hằng năm, để điều chỉnh kịp thời theo đúng chuẩn nghèo quy định. Do đó, câu chuyện "kẻ ăn không hết, người lần không ra" như anh bạn tôi ví von là điều dễ hiểu. Người viết bài này chỉ mong làm sao để những người nghèo, hộ nghèo được hưởng đủ sự hỗ trợ cưu mang của chính quyền và cộng đồng xã hội, theo truyền thống "tương thân tương ái" quý báu của người Việt Nam ta. Đồng thời cũng kiên quyết lên án, dẹp bỏ những thói hư, tật xấu của những người tham lam, ăn chặn bớt xén những vật chất hỗ trợ mà xã hội dành cho người nghèo, dứt khoát đừng để tình trạng "ăn bám" người nghèo tồn tại mãi.

Mai Mộng Tưởng