Đừng để sập bẫy “cán bộ điều tra hình sự”

Thứ bảy, 17/08/2019 12:40

Thời gian qua, mặc dù cơ quan Công an  tỉnh Quảng Nam đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội, nhất là tình trạng giả danh cơ quan điều tra để hù dọa những người cả tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng tội phạm thường phối hợp “dựng chuyện” về việc người dân có liên quan đến hoạt động phạm pháp rồi thay phiên “tung hứng” khiến người dân hoang mang, tưởng thật để rồi răm rắp thực hiện theo yêu cầu của chúng. Chỉ đến khi bị lừa mất tiền mới sực tỉnh vì đã quá cả tin...

Nhóm đối tượng người Đài Loan lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của bà P.

Dựng chuyện và “diễn sâu” như thật

Đầu tháng 7-2019, ông P.V.H (trú xã Bình Chánh, H. Thăng Bình, Quảng Nam) nhận được điện thoại của một phụ nữ có số ĐT: 02692219642 gọi đến tự xưng là “cán bộ Phòng điều tra hình sự Bộ CA”. Sau vài câu “xưng danh... ta là ai”, người nữ “cán bộ Phòng điều tra hình sự Bộ CA” bắt đầu tra vấn nhân thân gia đình, lai lịch, số ĐTDĐ và vấn đề tài chính của ông H. Và chốt cuộc điện thoại, nữ “cán bộ điều tra hình sự” thông báo ông H. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và yêu cầu ông H. “nghe lãnh đạo cấp trên nói chuyện”. Lúc sau, một người đàn ông có số ĐT 02692196422 gọi cho ông H. giới thiệu là “cấp trên” của “nữ điều tra hình sự” và cho hay, “Phòng điều tra hình sự” phát hiện vào ngày 12-11-2018, ông H. mở tài khoản ở ngân hàng để giúp một đường dây mua bán ma túy tiêu thụ tiền phi pháp và ông H. đã nhận từ đường dây này hơn 200 triệu đồng. Vì vậy, để phục vụ công tác điều tra và để khỏi bị truy tố, ông H. phải nộp lại số tiền này cho cơ quan CA để kiểm tra, xác minh.

Tiếp đó, vị “sếp điều tra hình sự” yêu cầu ông H. kết bạn Zalo với “Phòng điều tra hình sự” để nhận quyết định tạm giữ tài sản của “Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” đề nghị tạm giữ, niêm phong tài sản và thi hành án đối với ông P.V.H. Theo đó, ông H. phải chuyển vào tài khoản Ngân hàng Sài Gòn (SCB Bank) số 14581130001 mang tên Đoàn Hồng Hải tổng số tiền 255 triệu đồng. Do quá lo sợ và mất bình tĩnh, trong ngày 9 và 10-7-2019, ông H. đi vay, mượn và chuyển đủ số tiền 255 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của “Phòng điều tra hình sự”. Sau khi chuyển tiền, ông H. mới xem lại các “Quyết định” thì phát hiện ra mình bị lừa nên làm đơn tố cáo gửi CA tỉnh Quảng Nam để điều tra, xử lý.

Trước đó, tháng 6-2018, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CA tỉnh Quảng Nam cũng nhận đơn báo cáo của bà H.T.P (trú TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, Quảng Nam) về việc bị nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 2 tỷ đồng. Theo bà P. trình bày, có một người xưng tên Dương Ngọc Hải, công tác tại Tổng cục Cảnh sát tại TPHCM gọi điện cho bà P. từ điện thoại +6128113 thông báo tài khoản ngân hàng của bà P. có liên quan đến đường dây mua, bán ma túy xuyên quốc gia đang bị điều tra. Để đảm bảo tính bí mật, người này đề nghị bà P. không được tiết lộ thông tin điều tra với người thứ hai và chuyển hết tiền vào tài khoản của một người tên Đ.V.Q để đảm bảo, vì tài khoản của bà P. bị rò rỉ thông tin. Cả tin, bà P. rút hết số tiền gửi tại ngân hàng chuyển vào tài khoản trên số tiền gần 2 tỷ đồng. Sau khi tiếp nhận thông tin trên, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc điều tra và đã làm rõ thủ phạm chính là nhóm 6 đối tượng người Đài Loan câu kết với một số đối tượng người Việt Nam gây ra. Qua điều tra mở rộng, bằng thủ đoạn như trên, nhóm đối tượng trên đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại khác với số tiền hàng chục tỷ đồng.

Một quyết định giả mà đối tượng sử dụng để lừa ông H.

Cần truy ngược “cán bộ điều tra” giả mạo

Theo một cán bộ điều tra CA tỉnh Quảng Nam cho biết, cầm đầu đường dây tội phạm có tổ chức này thường là các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng trong nước hoạt động xuyên quốc gia. Tổ chức tội phạm này sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet, giả mạo số thuê bao (thường là hiển thị giả số điện thoại của Công an, Tòa án, Viện kiểm sát...), xưng danh là cán bộ điều tra các vụ án rửa tiền, vụ án ma túy để hù dọa người dân có liên quan trực tiếp đến vụ án. Những cuộc gọi trên đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối cuộc gọi liên thông bằng Internet.

Khi nạn nhân tiết lộ có những khoản tiền gửi tại ngân hàng, bọn chúng cho rằng đây là tiền do phạm tội mà có, được đồng bọn chuyển vào để “rửa tiền”, vì vậy yêu cầu nạn nhân phải chuyển ngay số tiền này vào tài khoản của “cơ quan điều tra” để phục vụ điều tra. Thực tế, đây là các tài khoản do bọn chúng mua từ các đầu mối Việt Nam hoặc tài khoản do người nước ngoài đứng tên chủ tài khoản, sau khi người bị hại chuyển tiền, nhóm đối tượng lừa đảo nhanh chóng thao tác chuyển số tiền qua nhiều tài khoản khác nhau bằng dịch vụ chuyển tiền qua mạng, sử dụng các thẻ ghi nợ quốc tế rút tiền tại các trụ máy ATM trong và ngoài nước để chiếm đoạt.

Với phương thức, thủ đoạn này, nhóm tội phạm không chỉ dễ dàng chiếm đoạt tiền, tài sản của người bị hại mà còn tạo dư luận xấu, gây nghi ngờ trong nhân dân, ảnh hưởng uy tín của cơ quan thực thi pháp luật. Qua đây, CA tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Trong trường hợp có người tự xưng là CA thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, phải gửi trực tiếp giấy mời hoặc giấy triệu tập để đến cơ quan, đơn vị đó làm việc.

Tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân. Hạn chế và cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân trên mạng Internet, nhất là các trang mạng xã hội, để tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo. Nếu gặp phải các đối tượng này, người dân cần báo ngay cho người thân trong gia đình và cơ quan CA nơi gần nhất để điều tra, làm rõ sự việc.

B.BÌNH - V.KIM