Đừng để “vàng” rơi
(Cadn.com.vn) - Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Vấn đề dân số vô cùng quan trọng, không chỉ có ý nghĩa tác động đến ngày hôm nay mà có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước 30 - 50 năm nữa.
Năm 1961, Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương "sinh đẻ có hướng dẫn". Trải qua 52 năm, với nhiều giai đoạn, nhân dân cả nước đã coi việc sinh đẻ là vấn đề của quốc gia, là sự tồn vong của đất nước chứ không chỉ là câu chuyện của một gia đình riêng lẻ. Công tác dân số đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Việt Nam đã duy trì được tỷ suất sinh, đã đạt và giữ vững mức sinh thay thế trong nhiều năm. Từ năm 1960, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,3 – 6,4 con, đến năm 2012, con số này giảm xuống, chỉ còn 2,05 con. Việc duy trì mức sinh hợp lý, giúp Việt Nam có được cơ cấu dân số “vàng" và sẽ kéo dài đến năm 2049. Hiện nay, mặc dù chưa giàu về kinh tế, nhưng tuổi thọ người Việt Nam đã cao hơn. Nếu năm 1961, tuổi thọ trung bình là 40 tuổi thì năm 2012, con số này tăng lên 73 tuổi...
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu chiến lược về quy mô dân số giai đoạn 2012-2020: không quá 95 triệu người (năm 2015) và không quá 98 triệu người (năm 2020). Việt Nam đang trong thời kỳ “Dân số vàng”, nghĩa là số người trong độ tuổi lao động chiếm mức cao nhất, cứ 2 người trong độ tuổi lao động nuôi 1 người trong tuổi phụ thuộc. Tuy nhiên, song hành cùng thời kỳ “vàng” thì dân số Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn già hóa với số người cao tuổi tăng lên nhanh chóng.
TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết, số người trên 60 tuổi ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 10% dân số và khoảng 16-18 năm tới; dự báo con số này sẽ là 14%, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Theo các chuyên gia về dân số, cơ hội dân số “vàng” chỉ xuất hiện một lần với mỗi quốc gia. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Làm gì để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số “vàng”, phát triển đất nước. Mỏ vàng chưa khai thác thì còn, nhưng cơ cấu dân số “vàng” không tận dụng sẽ tự nó trôi qua.
Để cơ hội dân số “vàng” chỉ có một lần trong lịch sử không trôi đi một cách lãng phí, Nhà nước và xã hội cần tạo đủ việc làm cho lao động, lao động có năng suất cao, tránh được mức thu nhập trung bình, có thể đạt được khả năng “giàu trước khi già”. Trong bối cảnh nền kinh tế chung của đất nước, của khu vực và thế giới trong những năm tới chưa thuận thì tạo việc làm cho người lao động, lao động có năng suất chắc chắn là một thách thức.
GS-TS Nguyễn Đình Cử (Đại học Kinh tế quốc dân) khuyến nghị: Việc xây dựng các chính sách phát triển của Việt Nam (việc làm, y tế, giáo dục, an sinh xã hội...) cần tính đến sự thay đổi nhanh của các nhóm dân số theo độ tuổi để có chính sách thích hợp; yêu cầu này cần có tính pháp lý. Cần nâng cao ý thức tận dụng cơ hội dân số “vàng” thông qua chính sách khuyến khích đầu tư tạo việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, hạn chế tiêu dùng xa xỉ. Cần đầu tư vào giáo dục, đào tạo hướng nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhằm tận dụng số lượng lao động dồi dào một cách hiệu quả nhất.
Công Hải