Dừng một bước, tiến ba bước

Thứ ba, 20/12/2016 08:50

(Cadn.com.vn) - Dù không đạt được bước đột phá như mong muốn về vấn đề tranh chấp lãnh hải kéo dài hơn 70 năm qua trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Nhật vừa qua, nhưng cả hai nước đang từng bước hướng đến giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng cách tập trung vào một mục tiêu đầu tiên: phát triển chung.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe, Nga và Nhật đi đến một quyết định hiếm thấy: cùng khai thác hoạt động kinh tế chung trên quần đảo mà Moscow gọi là Nam Kuril còn Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc có tranh chấp. Nhiều nước đang chăm chăm nhìn vào cú bắt tay lần này của Nga-Nhật. Bởi nếu có hiệu quả, nó có thể là mô hình cho các tranh chấp tương tự ở Châu Á.

Kể từ khi Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin lên cầm quyền, những lợi ích của Nga và Nhật ngày càng có nhiều sự ràng buộc, đưa hai nước xích lại gần hơn bao giờ hết sự hòa giải. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong vấn đề Ukraine làm bùng nổ cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, trong đó Nhật đứng về phía phương Tây tham gia trừng phạt Nga. Sau một thời gian, cả hai nhà lãnh đạo, vì lý do chiến lược, nhìn thấy lợi thế trong việc hợp tác trước tiên về kinh tế và tiếp tục nói về quyền sở hữu và kiểm soát các đảo.

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, Moscow và Tokyo liên tục tìm cách cải thiện quan hệ, với hy vọng có thể hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có chung lợi ích như an ninh, đầu tư, năng lượng và cán cân quyền lực tại Đông Á. Và thỏa thuận này được xem là thành quả trong nhiều năm nỗ lực của cả hai nước về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ, để có thể từ đó tiến đến chính thức kết thúc Thế chiến II giữa hai bên. Bên cạnh đó, mặt trận trừng phạt Nga của phương Tây bắt đầu có sự rạn nứt. EU đang có nguy cơ bị chia rẽ sâu sắc. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có xu hướng xích lại gần Nga và dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Moscow.

Có thể nói, thỏa thuận Nhật-Nga có thể trở thành hình mẫu hiệu quả. Hiện tại, Moscow và Tokyo đang tìm kiếm những lĩnh vực có chung lợi ích để từ đó hai bên có thể bắt đầu gây dựng quan hệ, trong khi vẫn sẵn sàng để ngỏ cánh cửa cho những cuộc thương lượng rộng hơn sau này. Sự phát triển chung sẽ mang nhân dân hai nước xích lại gần nhau, giúp đỡ nuôi dưỡng niềm tin hướng đến một hiệp ước hòa bình. Đây là điều quan trọng. Bởi Moscow và Tokyo chưa bao giờ chính thức chấm dứt sự thù địch kể từ Thế chiến II do vấn đề tranh chấp lãnh hải này.

Thanh Văn