Đường ra biển rộng – đường đến lòng dân

Thứ tư, 17/01/2018 07:22

Cách đây vài năm từng nghe câu chuyện không mấy vui: người dân ở phố biển mà vẫn nhớ... biển. Rằng mỗi khi đi trên đường ven biển, nhất là ở đoạn thuộc Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thì chỉ nghe tiếng sóng dội về chứ không thấy biển, và trên đoạn đường rất dài, hiếm khi có được con đường ra biển.

Khi đã tìm được lối xuống biển rồi, có nơi người dân không được mon men tới những bãi cát vàng ở cạnh khách sạn, villa, resort nào đó. Nhìn những ông tây bà đầm nằm lim dim mắt thưởng ngoạn không khí trong lành của biển cả, người dân ít nhiều mang mặc cảm như vừa đánh mất thứ gì đó vô cùng quý giá, thậm chí có cảm giác lạc lõng ngay chính trong ngôi nhà mình vậy...

Đôi lần có nghe lãnh đạo chính quyền TP nhắc tới chuyện này, nhưng tiếng nói không mạnh mẽ, cách làm cũng không quyết liệt để có thể xoay chuyển được thực trạng. Lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường cho biết: riêng Q. Ngũ Hành Sơn có 12 km bờ biển thì đã có 33 dự án du lịch, hầu hết dự án giao đất trước năm 2006, người dân muốn ra biển thì bị ngăn cách bởi các dự án và resort. Còn theo lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư: Việc quy hoạch tuyến đường ven biển, chúng ta chỉ mới mở lối rất nhỏ xuống biển giữa các dự án, đáp ứng được việc có lối đi cho dân chứ không có ý nghĩa gì. Các lối đi cần kết nối với không gian công cộng thì mới phát triển...

Nói vậy để thấy việc tìm đường ra biển ở Đà Nẵng thời điểm hiện nay không phải chuyện dễ. Nhưng không phải nói không dễ để không làm. Và nếu không làm quyết liệt bây giờ thì còn thời điểm nào nữa?

Trong các cuộc làm việc gần đây với lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu chỉ đạo cặn kẽ 2 vấn đề chính: phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí tiềm năng của TP và những quyền lợi chính đáng mà người dân được thụ hưởng. Ngày 10-1, trong buổi làm việc với lãnh đạo Q. Ngũ Hành Sơn, ông Trương Quang Nghĩa đã dành sự quan tâm đặc biệt, đặt thẳng thắn vấn đề mở đường thông ra biển: “Chúng ta phải nghiên cứu mở lối ra biển, bởi Ngũ Hành Sơn mà không có biển thì không ra cái gì cả. Bờ biển phải là của chung, của cộng đồng, chứ không của một nhà đầu tư, resort nào hết”. Sau đó, tại cuộc họp báo cuối năm 2017 do UBNDTP tổ chức ngày 11-1, Chủ tịch UBNDTP Huỳnh Đức Thơ cho biết: TP đã tích cực thương lượng với các chủ đầu tư các dự án ven biển để mở thêm nhiều lối đi xuống biển cho người dân và du khách. Ngoài việc đã mở lại được một số con đường có chiều rộng từ 5-10m dọc theo các dự án, chính quyền đang tính toán mua lại quyền sử dụng đất của dự án để mở con đường nối công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn thẳng ra biển”.

Thêm một giải pháp khác thiết nghĩ cũng cần phải hướng tới: đó là vận động các chủ đầu tư dự án ven biển hiến một phần đất để làm đường xuống biển. Lâu nay, việc dân hiến đất làm đường, xây trường học, công trình phục vụ cộng đồng ở nhiều nơi trong cả nước từng làm nức lòng bao người, vậy thì chúng ta có niềm tin khi được động viên, chủ đầu tư dự án sẽ tích cực tham gia để thể hiện tấm lòng, trách nhiệm với cộng đồng, trong đó chính doanh nghiệp hiến đất cũng sẽ được hưởng lợi khi dịch vụ du lịch phát triển. TP nên có chương trình vận động và vinh danh những doanh nghiệp hưởng ứng chủ trương này. Mặt khác, đối với các chủ đầu tư các dự án ven biển sai nội dung giấy phép, cố tình lấn chiếm đất công, bãi biển..., chính quyền TP cần phải có biện pháp giám sát xử lý kịp thời và nghiêm khắc. Dứt khoát không có chuyện bao che, dung túng hoặc để làm sai rồi hợp thức hóa...

Đã có những thời điểm, vì nhiều lý do khác nhau, có thể do mong muốn phát triển “nóng” để tăng nguồn thu, có thể do cách nhìn nhận chưa thật sự thỏa đáng, hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, có lúc chúng ta chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Việc đánh giá lại những ưu khuyết để tìm biện pháp khắc phục mà cụ thể như tìm lối thông ra biển, trả lại không gian công cộng, công trình văn hóa, kỷ vật lịch sử... để người dân được thụ hưởng, dẫu khó mấy cũng phải làm cho bằng được.

Với ý nghĩa đó, có thể hình dung đường ra biển rộng cũng là đường đến với lòng dân.   

NGUYỄN ĐỨC NAM