Đường Trường Sơn ngày ấy, bây giờ (Bài 5: Trường Sơn Đông huyền thoại)

Thứ ba, 21/05/2019 12:49

Trên "tuyến lửa" Trường Sơn- Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn góp phần làm nên những kỳ tích, làm dày thêm thiên anh hùng ca bất tử về một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"...

Hình ảnh Bộ đội Trường Sơn dùng xe đạp thồ chở đạn dược, lương thực lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.

Sự phát triển của các tuyến giao thông trên dãy Trường Sơn, đặc biệt là đường Trường Sơn Đông và đường Trường Sơn Tây tạo thành thế phòng ngự chủ động để ta làm chủ trên chiến trường. Kẻ địch khiếp sợ, điên cuồng bắn phá và cho rằng đó là "trận đồ bát quái trên rừng rậm". Cùng với đường Trường Sơn Tây, đường Trường Sơn Đông đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử là tuyến vận tải quân sự, hậu cần chiến lược kết nối từ hậu phương tiếp tế phục vụ cuộc kháng chiến ở chiến trường miền Nam... Giữa đại ngàn, nơi vùng trũng của dãy Trường Sơn hùng vĩ là con đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài gần 700km qua 7 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Phú Yên và Lâm Đồng.

Đặc biệt, tại khu vực H. Kbang (Gia Lai), nơi đường Trường Sơn Đông đi qua được xem là tuyến lửa ác liệt của một thời. Dù thông tin về đường Trường Sơn Đông cực kỳ ít ỏi và không còn dấu vết gì nhiều nhưng với những người dân Ba Na ở đây, ký ức về một thời mở đường Trường Sơn Đông vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Năm nay 72 tuổi, già Đinh Văn Đoàn (làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, H. Kbang, Gia Lai) vẫn nhớ rõ những thời khắc đường Trường Sơn Đông được hình thành. "Từ năm 1960, cũng là lúc Bộ đội Trường Sơn mở tuyến đường này, nhưng lúc đó chỉ là những đường mòn vượt núi, băng rừng, băng suối. Bà con xã Hà Nừng (nay là xã Sơn Lang) tham gia cùng với bộ đội gùi thuốc men, đạn dược. Khu vực trạm Lập (xã Sơn Lang nay) trở thành điểm tập kết lớn của Bộ đội Trường Sơn. Đến năm 1968, Bộ đội Trường Sơn bắt đầu mở cong Đông Trường Sơn này để vận tải đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men chi viện cho chiến trường Tây Nguyên, miền Nam. Lúc đấy, xã Hà Nừng có khoảng 50 hộ thì đều tham gia hết", già Đoàn kể lại.

Già Đinh Văn Đoàn mài chiếc rìu một thời dùng để đốn cây mở tuyến đường cho xe đạp thồ.

Từ con đường mòn gùi, cõng băng rừng, cùng với Bộ đội Trường Sơn, dân quân hỏa tuyến, hàng trăm người Ba Na ở xã Hà Nừng ngày ấy đều tham gia mở đường. Già Đoàn nhớ lại: "Người già, phụ nữ thì làm dưới thấp, trai trẻ như mình thì làm phía núi cao. Bà con mình chỉ với cái cuốc, cái rìu để tham gia làm đường, cây nhỏ thì một mình chặt, cây lớn thì nhiều người chặt, cây lớn cả chục người ôm thì phải đi vòng thôi! Lúc đó, mở đường rộng khoảng 2m để bộ đội thồ hàng bằng xe đạp, còn qua suối thì gác cây lớn xuống dưới, cây nhỏ lên trên đi.  Ngày đó, mình 75kg nên khỏe lắm, tham gia với bộ đội mở đường đến tận đồn Ka Nak". Chàng thanh niên Đoàn năm đó đã là xã đội trưởng, cao lớn nên được tuyên dương khi sức làm gấp 2-3 thanh niên trong làng. Dù câu ca "Trường Sơn Đông nắng..." nhưng ở đây mới thấm được mưa rừng của đại ngàn. "Lúc đó, làm gì có áo mưa! Mình đóng khố cởi trần, đi chân đất thôi! Mưa ở đây là tối tăm luôn, rừng rậm nữa không thấy gì hết, dù cái lạnh khiến hàm răng va vào nhau nhưng bà con vẫn làm đường với bộ đội còn để kịp giải phóng đất nước chứ! Đến năm 1974, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Bộ đội Trường Sơn mới đưa xe cơ giới vào mở đường cho các xe Zil 3 cầu tiếp viện cho miền Nam", già Đoàn cười kể.

Chúng tôi trở lại làng Kuao, xã Nghĩa An (H. Kbang) tìm gặp già Đinh Thị Cơ, người cũng đã từng tham gia mở tuyến đường Trường Sơn Đông vào năm 1968. Cầm chiếc niếc (một loại dụng cụ cuốc cỏ, đất) trên tay ít ai nghĩ rằng đây là một trong những dụng cụ tham gia vào việc mở tuyến đường Đông Trường Sơn huyền thoại. Chiếc niếc ngắn chưa đầy 1m, đầu gắn lưỡi sắt như chiếc cuốc nhưng chỉ bé bằng bàn tay đã trở thành dụng cụ của bà con Bahnar tham gia làm đường cùng với Bộ đội Trường Sơn. "Mình đi làm 20 ngày hơn ấy chứ, lúc đó cũng 12-13 tuổi rồi! Đàn ông Ba Na thì cầm rìu, cuốc, còn nhỏ như mình lúc đó cầm cái niếc đào đường cùng với bộ đội để làm đường. Rừng lúc đó còn nhiều lắm, hổ, gấu chứ không phải như bây giờ, rừng lúc đó toàn là cây to thôi, đường cứ thế đi xuyên dưới tán rừng. Bọn Mỹ ngồi máy bay trên kia đâu biết mình làm đường dưới này đâu", già Cơ nhớ lại. Nhìn già Cơ bần thần cầm chiếc niếc trên tay, mới hiểu rằng để có con đường Trường Sơn huyền thoại biết bao công sức, mồ hôi và cả xương máu của những thế hệ đi trước đổ xuống trên cung đường này.

Già Đinh Khoi và Đinh Thị Cơ kể về ký ức mở đường, gùi đạn trên tuyến đường Trường Sơn Đông (trong tay già Cơ là chiếc niếc dùng để đào đường).

Già Đinh Khoi, 77 tuổi, chồng của già Cơ tiếp lời vợ: "Hồi đầu, đường mòn chỉ mới mở trong rừng, mình đi gùi đạn từ Quảng Ngãi, qua dốc An Toàn rồi về điểm tập kết là Trạm Lập rồi đi nhiều trạm khác nữa. Cứ mỗi người 50kg gùi trên vai". Cứ chân trần, những thanh niên người Ba Na ở làng cùng thế hệ già Khoi băng rừng, lội suối, mệt thì ngủ nhà mả, ngủ ngoài rừng. Dù mưa bom, bão đạn vẫn vượt núi, băng rừng mà đi...

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trương Văn Nhuần- nguyên Chủ tịch UBND H. Kbang cho biết: "Ngày trước, nhiều hiện vật của Bộ đội Trường Sơn còn ở khu vực Trạm Lập. Trong đó, rất nhiều xe đạp dùng để thồ hàng. Thế nhưng, qua thời gian số hư hỏng, số người dân đã lấy hết. "Đó cũng là điểm tập kết để từ đó hàng hóa, thuốc men, đạn được được đưa đi chi viện khắp các chiến trường và cũng là thể hiện quân và dân một ý chí, tất cả vì miền Nam ruột thịt", ông Nhuần nói.

Những năm tháng đó, cùng với cả nước phong trào thi đua sôi nổi, sôi sục trong huyết quản của các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai với khí thế tiến công, quyết tâm cao: "Trường Sơn chuyển mình, Sông Ba dậy sóng! Quét sạch quân thù, Giải phóng Tây Nguyên!".

(còn nữa) 

MINH TÂN