Ebola và bài toán kinh tế Tây Phi
(Cadn.com.vn) - Với hơn 1.427 người chết ở Tây Phi, đại dịch Ebola không những tiếp tục gây ra một cuộc khủng hoảng y tế, mà còn tàn phá nền kinh tế của Guinea, Liberia và Sierra Leone.
LHQ hôm 24-8 cam kết "đóng vai trò mạnh mẽ" trong nỗ lực dập đại dịch này. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phác thảo kế hoạch chiến lược nhằm đối phó với dịch Ebola ở Tây Phi trong vòng 6-9 tháng tới. Tuy nhiên, WHO cũng ám chỉ không kỳ vọng sẽ ngăn chặn được dịch bệnh này trong năm nay, động thái khiến các nước Tây Phi càng thêm khốn đốn.
Thiếu lương thực
"Nền kinh tế bị giảm sút 30% vì Ebola", Tổng thống Ernest Bai Koroma tiết lộ tin tức này tại cuộc họp nội các đặc biệt khiến các bộ trưởng thất vọng.
"Ngành nông nghiệp ảnh hưởng nhiều nhất vì đa số người dân Sierra Leone - khoảng 66% - là nông dân", ông nói. 12 trong tổng số 13 quận, huyện tại Sierra Leone đang bị ảnh hưởng bởi Ebola, nhưng tập trung cao nhất ở phía đông, gần biên giới với Liberia và Guinea.
Trên các tuyến đường nối giữa tỉnh này với tỉnh khác, cảnh sát và quân đội đang ngăn cản nông dân, người lao động cũng như hàng hóa di chuyển. Giám đốc điều phối của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), David McLachlan-Karr, nghĩ rằng, việc chặn các tuyến đường là rất quan trọng để khoanh vùng các ổ dịch.
Tuy nhiên, ông thừa nhận nền nông nghiệp Sierra Leone bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Guinea và Liberia, suy giảm kinh tế có thể ít hơn nhưng vẫn đáng lo ngại. Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán tăng trưởng GDP tại Guinea giảm từ 4,5%-3,5%.
Kinh tế Liberia từng được dự đoán sẽ tăng 5,9% trong năm nay, nhưng Bộ trưởng Tài chính nước này, Amara Konneh, cho biết điều này không còn thực tế do sự sụt giảm trong lĩnh vực giao thông vận tải, dịch vụ và việc lao động nước ngoài rời khỏi Liberia do lo ngại nhiễm Ebola.
UNDP kêu gọi ủng hộ 18 triệu USD để củng cố hệ thống y tế của Sierra Leone trong khi Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết, tổng chi phí các hoạt động khẩn cấp ở Sierra Leone, Guinea và Liberia là 70 triệu USD.
Quân đội chặn đường vận chuyển hàng hóa và người lao động. Ảnh: BBC |
Lo cho khai thác khoáng sản
Nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal cho biết, dự án mở rộng mỏ quặng sắt tại Yekepa, Liberia bị gián đoạn, sau khi nhà thầu tuyên bố "bất khả kháng" với việc lao động rời khỏi nước này.
Vale, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới, tham gia khai thác tại Simandou, mỏ quặng sắt lớn nhất Châu Phi nằm trong khu rừng ở phía đông Guinea phải đưa 6 nhân viên quốc tế và lực lượng lao động rời khỏi khu vực. Rio Tinto, Cty khai thác mỏ lớn thứ ba trên thế giới, sở hữu một phần mỏ tại Simandou đã góp 100.000 USD cho WHO nhằm giúp đỡ cho những khu vực đang nhiễm dịch Ebola. London Mining, một Cty nhỏ hơn của Anh chuyển một số chuyên gia nước ngoài không cần thiết khỏi Sierra Leone, nơi lĩnh vực khai thác khoáng sản đóng góp phần lớn cho sự tăng trưởng gần đây.
Các nhà đầu tư quốc tế lo lắng
Ở Sierra Leone, các ngân hàng thương mại giảm giờ kinh doanh để giảm sự tiếp xúc với khách hàng. Các khách sạn trống rỗng và nhân viên bị sa thải.
Việc đóng cửa biên giới ở Tây Phi và việc hủy các chuyến bay cũng đang ảnh hưởng xấu đến thương mại, hạn chế nghiêm trọng khả năng xuất khẩu và nhập khẩu của các nước.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư quốc tế đang hồi hộp theo dõi các ổ dịch Ebola. Dianna Games, giám đốc điều hành của chuyên gia tư vấn Africa@Work có trụ sở tại Johannesburg, cho rằng, những lo ngại về loại virus chết người này có thể gây hại cho sự phục hồi kinh tế của Châu Phi trong những năm gần đây. "Ebola là vết lõm trong câu chuyện dài kỳ của Châu Phi. Hình ảnh một Châu Phi nghèo đói và bệnh tật bắt đầu xuất hiện một lần nữa", bà Games nói.
Tất cả các quốc gia Tây Phi ở tâm dịch đều là các nước nghèo, và sự bùng nổ Ebola khiến họ càng nghèo hơn. Giờ đây, tất cả những thành tựu đạt được có thể bị phá hủy bởi dịch Ebola. Thậm chí, nhiều người lo ngại rằng, nghèo đói trên diện rộng có thể khiến người dân trở thành tội phạm.
An Bình
(Theo BBC)