EU, Anh vẫn còn nhiều bất đồng trong đàm phán

Thứ sáu, 02/10/2020 14:54

Những bất đồng về trợ cấp doanh nghiệp, nghề cá và cách giải quyết tranh chấp đã “phủ bóng đen” lên các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh về thỏa thuận thương mại hậu Brexit.

Các trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh và EU. Ảnh: AFP

EU khởi động tiến trình pháp lý nhằm vào Anh

EU đã tiến hành thủ tục pháp lý chống lại Vương quốc Anh liên quan đến dự luật gây tranh cãi của nước này nhằm thay thế các điều khoản quy định trong Thỏa thuận rút lui.

Sáng 1-10, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tuyên bố EU đã quyết định gửi “thư thông báo chính thức” đến Anh do nước này đã vi phạm các điều khoản của Thỏa thuận rút lui. Trước đó, EC đã đặt ra hạn chót để Anh rút các điều khoản gây tranh cãi khỏi Dự luật Thị trường Nội địa nhằm tránh nguy cơ xảy ra một vụ kiện. Chủ tịch Ursula von der Leyen nhấn mạnh hạn chót đã hết vào ngày 30-9, song Anh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, EC đã quyết định gửi thư thông báo chính thức đến Chính phủ Anh, bước đầu tiên trong thủ tục pháp lý. Anh sẽ có một tháng để trả lời thư của EC. Sau đó, EC sẽ đánh giá xem câu trả lời có thỏa đáng không và có thể yêu cầu Anh rút các điều khoản gây tranh cãi khỏi dự luật của họ. Nếu thất bại, EC có thể khởi kiện Anh tại Tòa án Công lý châu Âu có trụ sở tại Luxembourg.

Phản ứng trước động thái của EU, Anh tuyên bố đã nêu rõ lý do thay đổi điều khoản về vấn đề biên giới Ireland trong Thỏa thuận rút lui. Người phát ngôn của Chính phủ Anh nhấn mạnh Anh cần tạo ra một mạng lưới pháp lý an toàn để bảo vệ tính toàn vẹn cho thị trường nội bộ của nước này, đảm bảo các bộ trưởng luôn có thể thực hiện các nghĩa vụ với Bắc Ireland và bảo vệ lợi ích từ tiến trình hòa bình.

Liên minh châu Âu (EU) và Anh ngày 29-9 bắt đầu vòng đàm phán thứ chín và cũng là cuối cùng được lên kế hoạch thực hiện cho đến nay, dự kiến sẽ thống nhất về mối quan hệ hai bên sau khi Anh rời khỏi EU (Brexit). Tuy nhiên, giới chức châu Âu ngày 1-10 cho hay các nhà đàm phán của Anh EU đã không thể thu hẹp khoảng cách trong vấn đề viện trợ chính phủ, một yếu tố đang cản trở hai bên đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương hậu Brexit.

Theo giới quan sát, những bất đồng về trợ cấp doanh nghiệp, nghề cá và cách giải quyết tranh chấp đã “phủ bóng đen” lên các cuộc đàm phán giữa EU và Anh về thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Trong khi đó, một đạo luật mới được đề xuất của Anh, được cho là sẽ làm suy yếu thỏa thuận “ly hôn” trước đó với, EU đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới trong các cuộc đàm phán trong tháng 9-2020.

Quan điểm cách xa nhau

Ủy ban châu Âu (EC), bên thay mặt cho tất cả thành viên của EU để đàm phán với Anh, muốn London đồng ý với các quy tắc viện trợ chính phủ tương thích với các quy tắc mà EU hiện có. EU cũng muốn Anh có một cơ quan quản lý độc lập chuyên quyết định về vấn đề viện trợ của chính phủ.

Liên quan đến cạnh tranh công bằng, EU muốn nước Anh cam kết và đảm bảo rằng các quy định của họ trong các lĩnh vực như viện trợ Nhà nước, tiêu chuẩn về xã hội và việc làm hay chính sách thuế không khác quá xa so với quy định của EU, ngay từ khi Anh tiếp cận thị trường Châu Âu với tư cách là một nước bên ngoài khối. Brussels lo ngại việc nới lỏng các quy tắc của nước Anh trong các lĩnh vực nói trên, ngay cả khi quốc đảo sương mù tiếp tục trao đổi hàng hóa và dịch vụ với EU thông qua một thỏa thuận thương mại, có thể dẫn đến sự méo mó về thị trường và cạnh tranh. Về phía mình, Chính phủ Anh cho rằng một nhượng bộ như vậy sẽ làm tổn hại đến chủ quyền của nước này.

Ngoài ra, EU muốn xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp mới qua đó thành lập một Ủy ban chung và một Ban trọng tài để phân xử. Tuy nhiên, một nhà ngoại gia EU tiết lộ vấn đề mấu chốt là Anh không muốn đi theo hướng trên. Giới chức London muốn lựa chọn những thủ tục “nhẹ nhàng” hơn cho các thỏa thuận thương mại tự do và Brussels sẽ không còn có tiếng nói gián tiếp trong các chính sách về trợ cấp doanh nghiệp của Anh.

Trong lĩnh vực thủy sản, mục tiêu cuối cùng của EU là duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể với mối quan hệ hiện đang có với phía Anh. Ngược lại, London dự định đàm phán hàng năm về hạn ngạch với các nước trong khối, tương tự như trường hợp của Na Uy.

Thời gian không còn nhiều

Với quỹ thời gian đang thu hẹp dần, EU và Anh đang đối mặt với ngày càng nhiều áp lực để đi đến ký kết một thỏa thuận hậu Brexit, nhằm tránh rủi ro cho hoạt động thương mại song phương trị giá hàng nghìn tỷ EUR mỗi năm. Cả hai bên tuyên bố rằng họ đang hướng tới cùng một mục tiêu, đó là có một thỏa thuận vào cuối tháng 10 để Nghị viện Anh, Nghị viện châu Âu (EP) và một số nghị viện thuộc các quốc gia thành viên có đủ thời gian để phê chuẩn, trước khi quá trình chuyển đổi hậu Brexit kết thúc vào cuối năm nay. Trong các giai đoạn trước của Brexit, quá trình này đã bị chậm trễ đáng kể do Hạ viện Anh nhiều lần bác bỏ.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết trong 2 tuần qua, EU đã lạc quan hơn về việc Thủ tướng Boris Johnson đang tìm kiếm một thỏa thuận, bất chấp những tranh cãi pháp lý mới khiến nguy cơ Brexit không thỏa thuận ngày càng hiện hữu. Tuy nhiên, các nguồn tin cũng cho hay EU sẽ cương quyết không phê chuẩn hoặc thực hiện bất kỳ thỏa thuận mới nào với Anh chừng nào London không tôn trọng hiệp ước “ly hôn” ký hồi đầu năm nay.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier khẳng định, thỏa thuận Brexit đạt được hồi năm ngoái luôn là ưu tiên hàng đầu đối với EU. Về phía London, Chánh Văn phòng Nội các Anh Michael Gove tuyên bố nước này có những ranh giới không thể vượt qua trong đàm phán với EU, song ông vẫn kỳ vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận.

Dự kiến, trong Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối tuần này tại Brussels, các lãnh đạo EU sẽ cho phép các nhà đàm phán hai bên tiến hành thêm nhiều vòng đàm phán tăng cường trước khi EU họp Thượng đỉnh tiếp theo vào các ngày 15 và 16-10, thời điểm dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận hậu Brexit với Anh.

AN BÌNH