EU-Belarus "đối đầu" gay gắt sau vụ máy bay bị buộc hạ cánh khẩn cấp
Sự việc giới chức Belarus yêu cầu một máy bay của hãng hàng không Ryanair (Ireland) hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Minsk với lý do kiểm tra an ninh và sau đó một nhà hoạt động đối lập Roman Protasevich đi trên máy bay bị bắt giữ đang gây ra những tranh cãi gay gắt tại các nước có hành trình bay qua không phận quốc gia Đông Âu này.
Máy bay của Ryanair buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk, Belarus để kiểm tra an ninh sau khi phi hành đoàn nhận được thông báo có thiết bị nổ trên máy bay. Ảnh: EPA |
Belarus nói đã hành động hợp pháp
Truyền hình Belarus ngày 25-5 công bố đoạn ghi hình nhân vật đối lập Roman Protasevich đã nhận tội tổ chức biểu tình trái phép ở thủ đô Minsk sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái. "Tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nhân viên điều tra và thú nhận việc tổ chức biểu tình ở Minsk", nhà hoạt động đối lập 26 tuổi này nói trong đoạn ghi hình. Protasevich cũng cho biết sức khỏe hoàn toàn tốt, không bị vấn đề gì về tim hay các bộ phận khác và nói rằng mình được đối xử theo đúng luật.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Belarus cũng xác nhận Protasevich bị giam giữ tại Minsk và bác bỏ thông tin nhân vật này phải nhập viện do có vấn đề về tim. Chính quyền Belarus trước đó cũng khẳng định hành động của mình là hợp pháp và sẽ mở cuộc điều tra về vụ việc. "Các hành động của những cơ quan có thẩm quyền của chúng tôi rõ ràng là hoàn toàn đúng với các quy định quốc tế. Họ đang đưa ra những cáo buộc vô căn cứ", người phát ngôn Anatoly Glaz của Bộ Ngoại giao Belarus nói, chỉ trích ngược lại các nước phương Tây đã "chính trị hóa" vấn đề.
EU và một số nước tuyên bố trừng phạt Belarus
Trong khi chính quyền Belarus khẳng định hành động của họ là hợp pháp, các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) chỉ trích mạnh mẽ và tuyên bố tăng cường trừng phạt Minsk.
Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt đối với Belarus, trong đó có các lệnh trừng phạt kinh tế, đồng thời kêu gọi các hãng hàng không của 27 quốc gia thành viên tránh không phận Belarus và cho phép thực hiện lệnh cấm các hãng hàng không của Belarus hoạt động trên không phận và tại các sân bay trong liên minh. Theo ông Barend Leyts, người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, các nước EU đã kêu gọi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) mở cuộc điều tra vụ việc. Họ cũng ủng hộ quyết định của Lithuania trục xuất đại sứ và tất cả các nhân viên ngoại giao của Belarus tại nước này nhằm đáp lại hành động tương tự của Minsk.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã thông báo tạm đình chỉ gói đầu tư trị giá 3 tỷ EUR của EU dành cho Belarus. Các biện pháp trừng phạt mới có thể nhằm vào các cá nhân, các doanh nghiệp và các thực thể kinh tế tài trợ cho giới lãnh đạo Belarus, cũng như lĩnh vực hàng không của nước này. Trong khi đó, các hãng hàng không Đức và Hà Lan, lần lượt là Lufthansa và KLM, đã quyết định không bay qua không phận Belarus.
Nga nói gì?
Trong khi đó, Nga cáo buộc phương Tây có hành động cực đoan trong cách phản ứng với quyết định của Belarus liên quan đến máy bay của Ryanair.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, trên trang Facebook cá nhân viết: "Thật sốc khi phương Tây gọi sự việc vừa xảy ra trên không phận Belarus là sai trái". Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, Belarus đã có cách tiếp cận "hoàn toàn phù hợp" trong vụ chuyển hướng máy bay của hãng Ryanair sau khi nhận thông tin về thiết bị nổ.
Ngày 23-5, máy bay của hãng hàng không Ryanair đang trên hành trình từ Athens (Hy Lạp) đến Vilnius (Lithuania) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay ở Minsk sau khi phi hành đoàn nhận được thông báo có thiết bị nổ trên máy bay. Máy bay tiêm kích MiG-29 thuộc Lực lượng Vũ trang Belarus đã cất cánh để hộ tống máy bay của Ryanair hạ cánh xuống sân bay Minsk. Lực lượng chức năng Belarus đã kiểm tra sơ bộ cả trong và ngoài máy bay cũng như khoang hành lý, sau đó kiểm tra kỹ trong 2 giờ rưỡi đồng hồ. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, các chuyên gia chất nổ không phát hiện vật thể khả nghi nào.
Nhà chức trách Belarus cho biết, trong quá trình kiểm tra máy bay đã phát hiện trong danh sách hành khách có người đồng sáng lập kênh truyền hình Nexta Romat Protasevich mà chính quyền nước này năm ngoái cáo buộc phạm một loạt tội danh, trong đó có tổ chức các cuộc bạo động quy mô lớn. Cơ quan bảo vệ pháp luật Belarus đã bắt giữ người này. Máy bay chở hơn 100 hành khách sau đã tiếp tục hành trình và hạ cánh xuống sân bay Vilnius của Lithuania vào tối 23-5.
KHẢ ANH