EU chia rẽ vì khủng hoảng di cư

Thứ sáu, 04/09/2015 08:48

(Cadn.com.vn) - Hình ảnh hỗn loạn ở nhà ga trung tâm Budapest ở Hungary phản ảnh rõ thách thức quá lớn và các nước Liên minh Châu Âu (EU) đang phải đối mặt khi giải quyết vấn đề khủng hoảng di cư.

Giới chức Hungary ngày 3-9 mở cửa cho phép hàng trăm người di cư vào nhà ga trung tâm ở thủ đô Budapest - nơi có những chuyến tàu sẽ đưa họ đến “miền đất hứa” như Đức và Áo. Tuy nhiên, hỗn loạn đã xảy ra khi chính quyền Budapest tuyên bố hủy “vô thời hạn” tất cả các chuyến tàu đến Tây Âu như thế này.

Người di cư chen chúc lên tàu ở nhà ga Keleti, Hungary để được đi đến “thiên đường” ở Tây Âu. Ảnh: Reuters

HỖN LOẠN Ở BUDAPEST

Theo Reuters, hàng trăm người di cư, chủ yếu đến từ các nước Trung Đông xa xôi, đã xông vào nhà ga, nhồi nhét trẻ em qua các cửa sổ trong niềm tin sẽ được tiếp tục cuộc hành trình đến Tây Âu sau 2 ngày bế tắc.

Nhưng không có chuyến tàu nào đến Tây Âu. “Có một lá cờ Đức trên chuyến tàu này vì vậy chúng tôi nghĩ mình sẽ được đến Đức. Nhưng không có chuyến tàu nào đến Tây Âu”, một người di cư cho biết. Thủ tướng Hungary Viktor Orban – người kiên quyết chống người di cư - cho biết, không ai có thể rời khỏi Hungary mà không đăng ký. Theo quy định của EU, những người di cư phải đăng ký tị nạn ngay tại quốc gia đầu tiên họ đặt chân đến. Tuy nhiên, hầu hết những người di cư hiện ở Hungary từ chối đăng ký ở nước này, để tiếp tục cuộc hành trình đến Đức – nền kinh tế lớn nhất Châu Âu. Tình trạng quá tải người di cư đang khiến Hungary đau đầu. Nước này đang nỗ lực hoàn thành hàng rào cao 3,5m ở biên giới phía nam với Serbia để ngăn chặn người di cư.

Hàng trăm ngàn người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh và cuộc sống nghèo khổ, đã đặt chân đến Châu Âu bằng những con thuyền đầy hiểm nguy qua Địa Trung Hải. Hải quân Italia hôm 3-9 cho biết, các tàu của tổ chức "Bác sĩ không biên giới" và một số tàu của Cơ quan kiểm soát biên giới thuộc EU (Frontex) giải cứu gần 3.000 người di cư đang trôi dạt trên biển. Đây là đợt giải cứu số người  di cư lớn nhất trong một ngày từ trước đến nay.

CÁC NƯỚC ĐỔ LỖI CHO NHAU

Trong một diễn biến khác, một chiếc thuyền gỗ quá tải được cho là chở hàng chục người nhập cư bất hợp pháp của Indonesia bị chìm ngoài khơi bờ biển của Malaysia ngày 3-9, giết chết ít nhất 14 người, 13 trong số đó là phụ nữ. Theo Reuters, nguyên nhân được cho là do quá tải và thời tiết xấu.

Thách thức đang hiện rõ qua những hình ảnh hỗn loạn ở nhà ga trung tâm Budapest, những phận đời thiệt mạng được tìm thấy dọc bờ biển Châu Âu....

Nhưng rồi “bế tắc” đã trở thành biểu tượng mới nhất của cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất ở Châu Âu trong nhiều thập kỷ qua khi chính phủ các nước EU vẫn chia rẽ trong cách đối phó với dòng người di cư và liên tục đổ lỗi cho nhau. Một số nước chặn người di cư trong khi số khác lại muốn có sự đoàn kết trong việc xây dựng cơ sở hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Đối với người di cư, Đức đang trở thành điểm đến “thiên đường” sau khi Berlin tuyên bố mở cửa vô điều kiện cho người tị nạn Syria. Đức dự kiến sẽ xử lý 800.000 đơn xin tị nạn trong năm nay - nhiều hơn 4 lần so với năm 2014 và hơn phần còn lại của EU kết hợp lại. Điều này khiến các nước láng giềng khó chịu. Áo và Hungary chỉ trích động thái này của Berlin và phản ứng bằng cách đóng cửa các con đường đi đến “thiên đường” này.

Sự chia rẽ giữa các nước thành viên ở Tây Âu và các nước Đông Âu đang làm phức tạp nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng. Trong tuyên bố ngày 3-9, Chủ tịch EU Donald Tusk tỏ ra lo ngại vì sự chia rẽ này. Và thật sự, thách thức đầu tiên đặt ra là làm thế nào để EU tìm được tiếng nói chung.

Khả Anh