EU giục Anh hoàn tất thủ tục “ly hôn”

Thứ hai, 27/06/2016 09:48

(Cadn.com.vn) - Nhóm 6 nước sáng lập Liên minh Châu Âu (EU) tỏ rõ sự đáng tiếc khi người dân Anh chọn rời khỏi EU, cho rằng, quyết định này đã tạo ra “vết cắt” khó có thể chữa lành trong lịch sử lâu đời của lục địa già.

Với vẻ cáu kỉnh, giận dỗi và bất mãn, giới chức EU ngày 26-6 hối thúc Anh nhanh chóng hoàn tất thủ tục “ly hôn” sau khi người dân nước này đã quyết “dứt áo ra đi”.

Không khí căng thẳng giữa “cặp đôi” Anh và EU lên cao đến mức Thủ tướng Đức Angela Merkel phải lên tiếng làm dịu áp lực. Nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất EU cho rằng, liên minh này không nên hối thúc Anh trong tình hình như hiện nay, đồng thời mong muốn các cuộc đàm phán giữa hai bên cho quá trình Brexit diễn ra thật chuyên nghiệp và lịch sự. Theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, mỗi quốc gia thành viên có quyền quyết định phù hợp với Hiến pháp để rời khỏi EU. Và lần này, Anh có thể hoàn toàn rời khỏi EU sau 2 năm đàm phán với các thủ tục phức tạp.

Giới báo chí Châu Âu đồng loạt đưa ra những dự đoán về tương lai của Anh và EU
thời hậu Brexit.  Ảnh: BBC

 “Vết cắt” khó chữa lành

Ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU gồm Đức, Pháp, Luxemburg, Bỉ, Hà Lan và Italia hôm 26-6 nhóm họp tại Berlin đã ra tuyên bố chung kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán việc Anh rời khỏi EU “sớm nhất có thể” nhằm tránh liên minh này bị kẹt trong tình trạng lấp lửng.

Trong tuyên bố chung, 6 quốc gia sáng lập này cho rằng, sau quyết định của Anh, Châu Âu sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực vì một EU với 27 quốc gia thành viên mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, dựa trên nhà nước pháp quyền và những giá trị chung. “Anh không cần phải gửi đơn thư đến EU để kích hoạt tiến trình “ly hôn” kéo dài 2 năm”, các quan chức EU giận dỗi nói, ngụ ý rằng, Thủ tướng Anh David Cameron có thể bắt đầu quá trình này khi ông phát biểu tại một Hội nghị Thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu (EC)  diễn ra vào ngày mai (28-6).

EU cũng bày tỏ đáng tiếc khi người dân Anh bỏ phiếu chống lại quy chế thành viên của họ trong EU, cho rằng, quyết định của người dân Anh đã tạo ra “vết cắt” khó lành trong lịch sử Châu Âu khi EU không chỉ mất đi một quốc gia thành viên, mà còn mất đi lịch sử, truyền thống và trải nghiệm của liên minh lâu đời này. Và tất nhiên, quyết định của cử tri Anh cũng dẫn đến nhiều tình thế mới, trong đó thỏa thuận để giữ Anh ở lại EU mà EC đạt được hồi tháng 2 vừa qua đã không còn ý nghĩa.

Thủ tướng Anh sẽ thuyết trình trước 27 nhà lãnh đạo EU khác trong bữa tối tại Hội nghị Thượng đỉnh EC về kết quả cuộc trưng cầu dân ý mà người Anh đã chọn rời khỏi EU, một kết quả khiến ông phải tuyên bố sẽ từ chức. Hôm 23-6, Thủ tướng Cameron cho biết sẽ “nhường lại” cho người kế nhiệm trong đảng Bảo thủ nhiệm vụ kích hoạt tiến trình rời khỏi EU, trong đó đặt ra quá trình 2 năm để ra đi. Tức là quá trình này sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới khi đảng Bảo thủ tiến hành đại hội. Điều này trái ngược với cam kết khởi động quá trình này ngay lập tức sau khi có kết quả bỏ phiếu của ông Cameron. Việc này khiến các nhà lãnh đạo EU bực tức và muốn giải quyết nhanh chóng vấn đề nhằm hạn chế tình trạng lửng lơ.

Quyết định khó có thể đảo ngược

Nước Anh thật sự sốc nặng sau sự kiện Brexit lần này. Nhiều người bỏ phiếu ủng hộ Brexit tỏ ra hối hận sau khi thị trường và nền kinh tế đang chứng kiến đà sụt giảm thảm hại, trong khi tương lai nước nhà đứng trước triển vọng mờ mịt. Giới phân tích cho rằng, ngoài kinh tế, ảnh hưởng đối với nhiều vấn đề khác vẫn chưa được tính toán, chẳng hạn như vị thế an ninh quốc phòng và vấn đề đòi độc lập của Xứ Wales, Scotland.

Hôm 26-6, hơn 2,4 triệu người Anh ký một kiến nghị trên trang mạng của Quốc hội kêu gọi một cuộc trưng cầu lần hai về vấn đề Brexit. Kiến nghị trên kêu gọi chính phủ thực thi một điều khoản, theo đó nói rằng, nếu bất kỳ bên nào (bỏ phiếu rời đi hoặc ở lại EU) giành được ít hơn 60% phiếu bầu với tổng tỷ lệ cử tri đi bầu dưới 75% thì cần tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác. Theo đánh giá, kiến nghị trên thu hút được nhiều chữ ký hơn bất kỳ bản kêu gọi nào khác trên trang mạng của Quốc hội Anh. Theo quy định, một khi đơn đề nghị vượt qua con số 100.000 chữ ký, cơ quan lập pháp Anh sẽ phải cân nhắc tiến hành thảo luận. Tuy nhiên, khả năng Anh tổ chức trưng cầu dân ý lần hai là khó xảy ra, hoặc nếu có cũng sẽ không thể ngày một ngày hai.

Trong khi đó, hàng chục ngàn người cũng lên kế hoạch sẽ xuống đường ở Quảng trường Trafalgar, London vào ngày 28-6 để chứng tỏ “Anh luôn sát cánh cùng Châu Âu”. Hôm 26-6, Bộ trưởng thứ nhất đồng thời là lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố, Quốc hội Scotland sẽ cân nhắc cản trở đạo luật về việc Anh rời khỏi EU nếu điều đó cần thiết để bảo vệ lợi ích của người Scotland.

Rõ ràng, người Anh đang dần thấy rõ những rắc rối đang kéo đến trong thời kỳ Brexit. Tất nhiên, việc tiến hành một thủ tục “ly hôn” luôn khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với thủ tục “kết hôn”. Trường hợp giữa Anh và EU cũng vậy. Nhưng đối với nhiều người dân Anh, khi hiểu ra được điều đó, mọi việc cũng khó có thể đảo ngược.

Khả Anh