EU hậu bầu cử ở Đức

Thứ sáu, 15/09/2017 06:53

Chỉ còn chưa đến 2 tuần nữa là đến ngày diễn ra cuộc bầu cử liên bang ở Đức (24-9). Dù chỉ là câu chuyện nội bộ của Đức, nhưng cuộc bầu cử này được cho là sẽ quyết định cục diện cho Liên minh Châu Âu (EU) trong tương lai.

Trên thực tế, sau cuộc bầu cử này, các nước sẽ đẩy nhanh thảo luận về cải cách khu vực đồng EUR (Eurozone). Vấn đề còn nghi ngại là liệu nó có đánh dấu sự khởi đầu của tiến trình thực sự hướng đến một EU hội nhập hơn hay không như nhận thức của Pháp và Đức về Châu Âu, và đặc biệt là sự hội nhập của khu vực Eurozone.

Nhiều người cho rằng, các cuộc thảo luận về cải cách Eurozone có thể sẽ tăng tốc sau cuộc bầu cử tại Đức vì chính phủ Đức hiện không muốn bắt đầu đàm phán trước khi diễn ra bầu cử. Và sau bầu cử, cách tiếp cận của Đức đối với EU cũng sẽ quen thuộc khi Thủ tướng Angela Merkel, nhà lãnh đạo có khả năng dẫn dắt một liên minh lên nắm quyền ở nhiệm kỳ thứ 4 ở nước này.

Thành phần Quốc hội sẽ vẫn giữ nguyên, trong khi bà Merkel tiếp tục nắm quyền thủ tướng và chính phủ cũng sẽ không thay đổi, nghĩa là sẽ có cách tiếp cận tương tự trong các vấn đề của Đức sau cuộc bầu cử. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy đảng của bà Merkel sẽ chiến thắng. Thách thức chính của bà Merkel là cựu Chủ tịch Quốc hội Martin Schulz, người lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là không phải là ai sẽ trở thành thủ tướng kế tiếp mà là phải làm thế nào để Đức sẽ quyết định ảnh hưởng đến tương lai của EU sau cuộc bầu cử.

Bởi lẽ, khác với các cuộc bầu cử được tổ chức ở Hà Lan đầu năm nay và “cuộc chiến” ở Pháp, vấn đề gây khó trong cuộc bầu cử Đức không phải là số phận của đồng EUR hay sự tồn tại của EU vì cả bà Merkel và ông Schulz đều ủng hộ EU. Vấn đề là thiết kế tương lai của liên minh này, nhất là sau khi Anh chính thức ra đi.

Bà Merkel dường như đang phải chịu áp lực để đạt được những thỏa hiệp về vấn đề này và bắt tay với Tổng thống Pháp để đi đến hội nhập sâu hơn. Những vấn đề chính cần được thảo luận sau cuộc bầu cử Đức là cần có “công cụ” ổn định tài chính khu vực đồng EUR. Còn đó là hy vọng công đoàn ngân hàng được hoàn thành “trong vài năm tới”. Eurozone có Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), nhưng vẫn cần thiết lập một chương trình bảo hiểm tiền gửi chung.

THANH VĂN