Fed tăng lãi suất lên cao nhất 22 năm, liệu đã là lần cuối?
Mức tăng lãi suất trên được công bố sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed, theo đó đưa lãi suất quỹ liên bang, cơ sở để các ngân hàng tính lãi khi vay qua đêm, lên ngưỡng mục tiêu mới từ 5,25% đến 5,5% - mức cao nhất trong 22 năm qua.
Tương tự hồi tháng 6-2023, trong tuyên bố được công bố ngày 26-7, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) của Fed tiếp tục mô tả lạm phát vẫn "tăng cao", mức tăng trưởng việc làm vẫn mạnh mẽ, trong khi nâng cấp mô tả tăng trưởng nền kinh tế từ mức "khiêm tốn" được đưa ra trong cuộc họp tháng 6 lên mức "vừa phải". Cơ quan này cũng nhắc lại rằng lĩnh vực ngân hàng "khỏe mạnh và có khả năng phục hồi tốt", đồng thời cảnh báo việc thắt chặt tín dụng dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế Mỹ sau sự sụp đổ của một số ngân hàng vào đầu năm nay.
Trong khi báo cáo giá tiêu dùng tháng 6-2023 cho thấy lạm phát của Mỹ đã giảm xuống mức 3% từ mức cao nhất 9,1% của năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách của Fed tiếp tục bày tỏ lo ngại về lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực và năng lượng, vốn giảm chậm hơn. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng chỉ ra lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ nói riêng vẫn tăng cao do thị trường lao động thắt chặt.
Đã là lần cuối?
Trong cuộc họp tháng 6, các nhà hoạch định chính sách cho biết Ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Giới chức Fed cũng đang để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 9, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới.
Sau khi Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 26-7, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất khi cho rằng nền kinh tế vẫn cần chậm lại và thị trường lao động cần được nới lỏng để lạm phát có thể quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Ông thừa nhận dấu hiệu tích cực là lạm phát đã giảm từ mức cao nhất của năm ngoái mà không gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Nhưng khi Fed bước vào giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống lạm phát, cân bằng giữa việc tiếp tục tăng lãi suất với nguy cơ rủi ro đi quá xa, ông Powell cho biết việc hoàn thành nhiệm vụ chống lạm phát có thể sẽ gây ra một số tổn thất kinh tế. Chủ tịch Fed nêu rõ điều quan trọng là "có thể đưa lạm phát quay trở lại mức mục tiêu mà không gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng, dẫn đến tỷ lệ mất việc làm cao". Tuy nhiên, ông thừa nhận đây là một chặng đường dài và còn nhiều việc để làm.
Theo ông Powell, các quyết định trong thời gian tới sẽ được đưa ra trên cơ sở từng cuộc họp và các quan chức chỉ có thể đưa ra hướng dẫn hạn chế về chính sách tiền tệ tiếp theo trong các điều kiện hiện tại.
Ông Powell cho biết thêm Fed có thể sẽ tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp tháng 9 tới nếu các dữ liệu được đảm bảo, hoặc sẽ giữ nguyên lãi suất nếu cần thiết. Ông nhấn mạnh không nên mong đợi bất kỳ sự nới lỏng lãi suất nào trong thời gian ngắn, đồng thời khẳng định việc cắt giảm lãi suất "sẽ không xảy ra trong năm nay".
Mới đây, Cục Thống kê Lao động Mỹ cũng vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất kể từ tháng 3-2021 và thấp hơn dự báo tăng 3,1% của các chuyên gia kinh tế. Tốc độ này đã chậm lại tháng thứ 12 liên tiếp. Trong khi đó, tháng 6 năm ngoái, Mỹ lạm phát lên tới 9,1%, cao nhất kể từ năm 1981. "Lạm phát đã hạ nhiệt phần nào kể từ giữa năm 2022. Tuy nhiên, chặng đường kéo giảm lạm phát về 2% vẫn còn xa", Chủ tịch Fed chia sẻ.
Trước đó, ngày 13-7, ông Christopher Waller, Thống đốc Fed và là thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), đã bày tỏ ủng hộ việc ngân hàng trung ương tiến hành thêm 2 đợt tăng lãi suất trong tháng này và vào cuối năm nay nhằm giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao. Theo ông, việc tiến hành hai lần điều chỉnh lãi suất nữa với mức tăng là 25 điểm cơ bản trong 4 cuộc họp chính sách còn lại của Fed là điều cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.
AN BÌNH