G20 lo cho kinh tế toàn cầu do các cuộc thương chiến
Các cuộc chiến thương mại vẫn là trung tâm lo ngại của các nhà hoạch định chính sách khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đe dọa áp thuế mới nhằm vào nhau, điều mà các nhà kinh tế lo ngại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AFP |
Ngày 9-6, các nhà hoạch định chính sách tài chính hàng đầu của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tiếp tục nhóm họp tại Nhật Bản, nhằm cân nhắc tác động của các cuộc chiến thương mại, nhất là thương chiến Mỹ- Trung, đối với nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh có những sự khác biệt rõ rệt với mỗi quốc gia.
Trong ngày họp đầu tiên hôm 8-6, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã nói với các phóng viên, nền kinh tế thế giới sẽ “vững chắc” trong nửa cuối năm nhưng “rủi ro vẫn còn lớn”.
Căng thẳng thương mại, chính trị gia tăng
Sau 30 giờ tranh luận trong bầu không khí căng thẳng, các bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương từ nhóm G20 đã ra tuyên bố chung, thừa nhận, các cuộc chiến thương mại, trong đó đáng chú ý là căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế hàng đầu Trung Quốc và Mỹ, gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.
Và họ đặc biệt cảnh báo căng thẳng thương mại và chính trị đang gia tăng, đồng thời cam kết sẽ đưa ra hành động để đối phó nếu cần. “Quan trọng hơn cả là căng thẳng thương mại và địa chính trị đang gia tăng”, tuyên bố chung nhấn mạnh. Tuy nhiên, với một thỏa thuận do Washington thúc đẩy, tuyên bố chung đã bỏ qua ngôn ngữ từ trong dự thảo trước đó, đề cập đến “nhu cầu cấp bách giải quyết căng thẳng thương mại”. Tuyên bố lần này cũng giải quyết vấn đề nhức nhối hơn nữa là đánh thuế vào các đại gia Internet. Theo đó, lãnh đạo tài chính G20 cam kết sẽ tăng cường nỗ lực để cải tổ hệ thống thuế quốc tế trước cuối năm 2020, trong đó tính đến cả các “gã khổng lồ” như Facebook và Google.
Nhưng các cuộc chiến thương mại vẫn là trung tâm lo ngại của các nhà hoạch định chính sách khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đe dọa áp thuế mới nhằm vào nhau, điều mà các nhà kinh tế lo ngại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.
Rủi ro vẫn còn nhiều
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo, thương chiến Mỹ-Trung có thể làm giảm GDP toàn cầu 0,5% vào năm 2020 hoặc khoảng 455 tỷ USD, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết sự khác biệt để tránh đẩy nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng khác.
Ngày 9-6, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde lại tiếp tục kêu gọi G20 ưu tiên giải quyết căng thẳng thương mại nhằm giảm thiểu nguy cơ đối với tăng trưởng toàn cầu. Trong một tuyên bố sau hội nghị, bà Lagarde nhấn mạnh: “Chúng ta gặp nhau đúng vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang cho thấy dấu hiệu từng bước ổn định, và tăng trưởng có khả năng được thúc đẩy. Mặc dù đây là thông tin tốt, nhưng con đường phía trước vẫn còn gian nan và đối mặt một số nguy cơ tiêu cực. Để giảm thiểu những nguy cơ này, tôi xin nhấn mạnh ưu tiên trước tiên là cần giải quyết căng thẳng thương mại hiện nay, trong đó có việc loại bỏ thuế quan hiện tại và tránh áp đặt thuế quan mới”. Bà Lagarde cho rằng, các nước G20 cũng cần hiện đại hóa hệ thống thương mại quốc tế.
Và các bộ trưởng G20 thở phào nhẹ nhõm khi chỉ vài giờ trước cuộc họp Mỹ và Mexico đạt được một thỏa thuận về nhập cư khiến Washington ngừng áp thuế 5% đối với hàng hóa Mexico. Nhưng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với các phóng viên, Washington sẵn sàng áp đặt thêm thuế mạnh hơn đối với Trung Quốc nếu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình không đạt được thỏa thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này tại Osaka. “Nếu Trung Quốc muốn quay lại bàn đàm phán và đàm phán trên cơ sở chúng tôi đang đàm phán, chúng tôi có thể có được một thỏa thuận lịch sử tuyệt vời. Nếu họ không làm như vậy, chúng tôi sẽ đánh mức thuế của chúng tôi”, AFP dẫn lời ông Mnuchin nói với các phóng viên.
Thậm chí, ông Mnuchin còn nói rằng, thương chiến Mỹ-Trung có thể có lợi cho một số quốc gia nếu các Cty dời khỏi Trung Quốc để tránh thuế. “Sẽ có người thắng và kẻ thua”, ông Mnuchin nói.
KHẢ ANH