G7 tung sáng kiến cạnh tranh với Trung Quốc: Thành công vẫn là "ẩn số"

Thứ hai, 14/06/2021 14:36

Các lãnh đạo G7, vốn đang nỗ lực tìm cách cạnh tranh với Trung Quốc, đã thông qua sáng kiến chiến lược đối trọng với Vành đai - Con đường (BRI của Bắc Kinh) nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp hơn và trung bình.

Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh chung tại vịnh Carbis, Anh.  Ảnh: PA

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 - gồm có Mỹ, Đức, Italia, Pháp, Nhật Bản, Anh và Canada - diễn ra từ ngày 11 đến 13-6 tại Cornwall (Anh) - Tổng thống Joe Biden cho biết, ông muốn kế hoạch "Build Back Better World - B3W" (Tái thiết Thế giới Tốt hơn do Mỹ hậu thuẫn sẽ là giải pháp thay thế chất lượng cao hơn cho một chương trình tương tự của Trung Quốc là sáng kiến Vành đai - Con đường. 

BRI của Trung Quốc đã hỗ trợ tài chính cho việc xây dựng đường tàu hỏa, đường bộ và hải cảng ở nhiều quốc gia. Nhưng nó cũng gây nhiều tranh cãi vì khiến một số quốc gia dính "bẫy nợ". Các nhà lãnh đạo G7 cũng đã đề xuất một chương trình đối tác "hướng vào giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch". Tuy nhiên, vẫn chưa rõ G7 sẽ cung cấp tài chính như thế nào cho kế hoạch. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết nhóm vẫn chưa tiến tới giai đoạn cung cấp tài chính cho sáng kiến trên. 

Với ông Biden, chuyến công du đầu tiên với chương trình nghị sự đầy tham vọng lần này, là cơ hội để thách thức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, và nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đang leo thang căng thẳng. Vì vậy, trên thực tế, ngoài vấn đề đại dịch COVID-19, Trung Quốc chính là nhân tố thống trị bàn hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm này trong gần 2 năm qua. Nhưng giới chức Mỹ nhấn mạnh, đây không chỉ là chiến lược đối trọng với Trung Quốc mà còn là đưa ra các cách làm thay thế khác cho thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề là chính quyền ông Biden vẫn còn mơ hồ về việc phương Tây sẽ đóng góp tới mức nào cho kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu này và trong khoảng thời gian bao lâu. Các chuyên gia cũng cho rằng, dù các quốc gia G7 đang dần xích lại gần nhau sau những năm lạnh nhạt dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhưng không rõ liệu các nước có sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi quan hệ với Trung Quốc hay không. Thủ tướng Đức Angela Merkel - nền kinh tế đầu tàu của Châu Âu - xem ra cũng không mấy mặn mà với chiến lược kiềm chế Trung Quốc lần này.

Trong bài viết mới đây, tờ Global Times của Trung Quốc cho rằng, khối G7 "chỉ là cái bóng mờ nhạt của chính nó". Theo nội dung bài báo, "các nước G7 vẫn còn nhiều sự khác biệt cơ bản vì vậy họ khó có thể thành công trong chiến lược đối phó với chúng ta". Trên thực tế, nhiều chuyên gia nhận định, khi thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, nhiều quốc gia phương Tây vẫn phụ thuộc vào thị trường và các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Căng thẳng giữa các nước phương Tây và Trung Quốc đang tăng lên. Hồi đầu năm nay, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Anh và Canada phối hợp đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Trung Quốc. Các lệnh trừng phạt, trong đó có lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản, nhắm vào các quan chức cao cấp ở Tân Cương do những vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ, cáo buộc mà Bắc Kinh hoàn toàn bác bỏ. 

Nhưng chính phủ Trung Quốc cũng không ngồi yên. Hôm 10-6, chỉ 1 ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh G7 khai mạc, Trung Quốc đã thông qua dự luật chống các lệnh trừng phạt nước ngoài, nhằm đáp trả bất kỳ biện pháp trừng phạt nào của phương Tây.

KHẢ ANH

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Cornwall, Anh.   Ảnh: AP

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lần đầu tiên gặp mặt trực tiếp, trong đó thảo luận về một số chủ đề quan trọng.
Một quan chức cấp cao của Canada cho biết trong cả cuộc thảo luận chính thức và cuộc gặp bên lề với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Trudeau đều nêu vụ hai công dân Canada - Michael Kovrig và Michael Spavor - bị Trung Quốc giam giữ trong một động thái được cho là để trả đũa việc Ottawa bắt giữ Giám đốc Tài chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Châu. Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Biden thảo luận trực tiếp về những việc cần làm để hai công dân Canada được tự do. Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến việc xem xét các biện pháp để dần mở lại đường biên giới giữa Canada và Mỹ một cách thận trọng.